Trẻ sơ sinh mấy tháng tuổi mọc răng?

Chia sẻ với Báo Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Nguyễn Phương Như – Khoa Nha chu Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, cho biết từ tháng thứ 6 trở đi, trẻ sơ sinh đã nhú những chiếc răng đầu tiên. Những trẻ sớm hơn có thể mọc răng ở tháng thứ 4, thứ 5.  

Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ mọc răng khi được 6 tháng tuổi - Ảnh minh họa: Internet

Theo đó, răng sữa sẽ bắt đầu mọc dần và nâng tổng số lên 6 cái khi trẻ được 12 tháng tuổi. Thông thường, trẻ 24 tháng tuổi sẽ có đầy đủ hàm răng sữa với 20 chiếc bao gồm 10 chiếc răng sữa hàm trên và 10 chiếc ở hàm dưới.

Bác sĩ Nguyễn Phương Như cho biết, ngay từ thời điểm trẻ sơ sinh nhú chiếc răng đầu tiên, cha mẹ cần vệ sinh răng miệng cho trẻ đúng cách. Thói quen vệ sinh khoang miệng cho trẻ cũng cần được duy trì ngay cả khi trẻ sơ sinh chưa mọc răng để bảo vệ sức khỏe răng miệng.

Trẻ 24 tháng tuổi sẽ có hàm răng sữa đầy đủ - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ sơ sinh mọc răng đúng thời điểm cũng liên quan đến chế độ dinh dưỡng của mẹ khi mang thai. Nếu bà bầu không bổ sung đủ lượng canxi cần thiết, trẻ sơ sinh có nguy cơ bị rối loạn mọc răng. Do đó, bà bầu cần bổ sung canxi thông qua thực phẩm và viên uống. Trẻ sơ sinh sau 7 ngày chào đời cần được tắm nắng thường xuyên, bú nguồn sữa mẹ giàu canxi và bổ sung vitamin D theo hướng dẫn của bác sĩ.

Dấu hiệu trẻ sơ sinh mọc răng

Thời điểm trẻ sơ sinh chuẩn bị mọc răng sẽ có một số dấu hiệu đặc trưng cha mẹ có thể dễ dàng nhận ra như sau:

Trẻ hay chảy nước dãi

Quá trình mọc răng kích thích lượng nước dãi tiết ra ở khoang miệng bé nhiều hơn. Lúc này, mẹ có thể đeo sẵn một chiếc yếm ở cổ, thường xuyên lau sạch vùng cằm, nách cổ để hạn chế nguy cơ hăm do nước dãi gây ra.

Chảy nước dãi nhiều là một trong những dấu hiệu cho biết trẻ sơ sinh đã sắp sửa mọc răng - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ bị ho không kèm dấu hiệu sốt

Lượng nước dãi quá nhiều khi trẻ sơ sinh chuẩn bị mọc răng sữa cũng có thể khiến bé bị ho nhưng không kèm theo hiện tượng cảm sốt.

Mẩn đỏ xuất hiện quanh cằm

Nước dãi cũng có thể khiến vùng da mặt nhạy cảm đặc biệt là khu vực miệng và cổ của bé nổi mẩn đỏ.

Sốt

Thời điểm trẻ mọc răng sữa sẽ chuẩn bị cho những giai đoạn mới về sau (trẻ tập ăn dặm, trẻ chuyển từ bú mẹ sang bú bình…). Đây cũng là khoảng thời gian hệ miễn dịch trẻ có sự thay đổi nhất định khiến một số vi khuẩn gây bệnh xâm nhập cơ thể. Vì vậy, khi chuẩn bị mọc răng trẻ sẽ có dấu hiệu sốt nhẹ.

Quấy khóc, bỏ bú

Hệ miễn dịch thay đổi, vùng nướu sưng tấy có thể khiển trẻ sơ sinh quấy khóc khi chuẩn bị mọc răng - Ảnh minh họa: Internet

Cảm giác đau, sưng tấy khi những chiếc răng sữa đầu tiên nhú lên có thể khiến trẻ sơ sinh khó chịu, lười bú mẹ hơn thường ngày.

Gặm ngón tay và các đồ vật cầm được

Trẻ chuẩn bị mọc răng sữa sẽ liên tục cho tay hoặc bất kỳ đồ vật nào cầm được vào mồm để gặm cho giảm cơn ngứa lợi.