Chị T (30 tuổi, Hà Nội) tâm sự: "Con trai 4 tuổi của tôi có các dấu hiệu như rất nghiện thiết bị điện tử, không thích giao tiếp hoặc ra ngoài chơi với những bạn khác mà phần lời thời gian đều ở nhà. Tôi vô cùng lo lắng, không biết bé có đang mắc hội chứng tự kỷ hay không?"

Anh H (47 tuổi, Đà Nẵng) trải lòng: "Tôi rất hoang mang khi có nhiều phụ huynh bảo nhau rằng, con trẻ nghiện dùng Ipad, điện thoại là triệu chứng mắc hội chứng tự kỷ. Vì tôi quan sát thấy thời gian dạo gần đây, tần suất con gái tôi dùng điện thoại đang tăng lên. Con bé bắt đầu mê đắm đến nỗi có thái độ chống đối khi bố mẹ nhắc nhở hoặc nghiêm cấm về vấn đề này".

Thực trạng trẻ em sử dụng thiết bị điện tử, internet, thậm chí là dẫn đến nghiện có xu hướng ngày càng phổ biến trong xã hội ngày nay. Rất nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng trước sự thật này, vì họ đều biết tác hại nghiêm trọng của việc trẻ nhỏ sử dụng quá mức thiết bị điện tử. 

Thực trạng trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử với tần suất cao ngày càng có dấu hiệu tăng cao (Ảnh minh hoạ).

Ngoại trừ những hậu quả tiêu cực ảnh hưởng đến kết quả học tập, tính cách, sức khoẻ thể chất và tinh thần thì cũng có không ít bố mẹ truyền tai nhau về vấn đề trẻ bị tự kỷ do nghiện thiết bị điện tử. Vậy điều này là đúng hay sai, có cơ sở hay nghiên cứu khoa học nào đã chứng minh độ chính xác của nó?

Để tránh gây ra những hoang mang hoặc hiểu lầm dành cho các bậc phụ huynh trong vấn đề mang tính cực kỳ quan trọng, tác động trực tiếp đến quá trình phát triển của con trẻ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui đã có những chia sẻ, phân tích cụ thể dưới đây nhằm giúp các ông bố bà mẹ có nhận thức đúng đắn về mối liên hệ giữa hội chứng tự kỷ và việc trẻ em nghiện thiết bị điện tử, internet.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.

 

Theo quan điểm của chuyên gia, liệu nghiện sản phẩm điện tử và Internet có thể được coi là một triệu chứng của tự kỷ? Tại sao?

Nghiện sản phẩm điện tử và internet không được coi là một biểu hiện của tự kỷ. Đã gọi là một hội chứng thì nó sẽ có nguồn gốc từ bên trong lẫn bên ngoài, chứ không thuần bởi vì nghiện sản phẩm điện tử, internet nên trẻ mới mắc hội chứng tự kỷ.

Việc trẻ em nghiện các thiết bị điện tử được xem là thực trạng khá phổ biến trong thời hiện đại ngày nay, và nó có những mức độ khác nhau. Tuy nhiên điều này không liên quan gì đến hội chứng tử kỷ ở trẻ nhỏ.

Trong trường hợp một trẻ tự kỷ cũng có xu hướng sử dụng sản phẩm điện tử và Internet quá mức, liệu việc giảm thiểu sử dụng này có thể giúp cải thiện triệu chứng tự kỷ hay không?

Như tôi đã nói ở trên, vấn đề này cần có nghiên cứu khoa học với độ tin cậy cao, chính xác thì mới đưa ra đáp án một cách chuẩn xác nhất. Còn với quan điểm của tôi thì tôi có thể giải thích rằng, bố mẹ hiểu hội chứng tự kỷ là khi một đứa trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp, hành vi và thể hiện cảm xúc.

Vậy nên nếu trẻ có cơ hội được tiếp xúc với xã hội nhiều hơn, thay vì chỉ ở nhà đắm chìm trong các thiết bị điện tử thì đây là một điều rất tích cực đối với trẻ. Sử dụng các thiết bị điện tử quá mức có thể được dự đoán làm tăng nguy cơ tự kỷ, nhưng nó không đồng nghĩa với việc nếu trẻ hạn chế, giảm thiểu sử dụng thiết bị điện tử thì có thể giúp cải thiện hội chứng tự kỷ.

Có những tương đồng hoặc khác biệt nào giữa triệu chứng nghiện sản phẩm điện tử, Internet và các triệu chứng của tự kỷ?

Điểm tương đồng giữa trẻ nghiện sản phẩm điện tử, Internet và mắc hội chứng tự kỷ đó là về vấn đề giao tiếp xã hội. Trẻ nghiện thiết bị điện tử thường không có nhu cầu sống thật mà chỉ thích sống ảo, có xu hướng thu mình lại, tự cô lập bản thân với mọi thứ xung quanh để dành thời gian vào các thiết bị điện tử, internet.

Trẻ tự kỷ cũng có các triệu chứng tương tự như thế, nghĩa là trẻ cũng sống khép kín, tách biệt. Dù sự thật bên trong trẻ không muốn điều này nhưng chúng lại thường gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoà nhập với xã hội, với mọi người xung quanh.

Về điểm khác nhau thì khá rõ ràng, vì tự kỷ là một loại hội chứng, trẻ tự kỷ sẽ có những cấu trúc não khác. Để làm việc, tiếp cận hay tương tác với những đứa trẻ tự kỷ và trẻ nghiện thiết bị điện tử, người lớn cần sử dụng các phương pháp đặc thù riêng thì mới tạo ra hiệu quả.

Làm thế nào bố mẹ có thể giúp trẻ đối phó với nghiện sản phẩm điện tử và Internet, bất kể rằng nó có liên quan đến hội chứng tự kỷ hay không?

Đối phó với trẻ nghiện sản phẩm điện tử và Internet là một quá trình dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn, cũng như nhất quán từ phía bố mẹ. Trước hết, phụ huynh cần đặt ra quy định rõ ràng về thời gian sử dụng thiết bị điện tử và thiết lập giới hạn hợp lý, để trẻ bám theo đó thực hành.

Quan trọng là bố mẹ nên dành thời gian cho con, cùng trẻ xây dựng một lịch trình hàng ngày cân bằng giữa các hoạt động khác nhau, bao gồm học tập, thể dục, giao tiếp xã hội, và các hoạt động giải trí khác. Đảm bảo rằng con có đủ thời gian tham gia các hoạt động ngoại khoá và xã hội hóa để trẻ xao nhãng, hay không quá tập trung, say mê vào các thiết bị điện tử.