Trẻ em xông hơi có nguy hiểm?
Bạn đọc Trần T.L. (31 tuổi; quận 8, TP HCM) hỏi: Con trai tôi năm nay 3 tuổi rưỡi, có vẻ người cháu hơi yếu nên rất hay bệnh vặt, nghẹt mũi. Biết là trẻ con hay vậy nhưng tôi xót con nên tìm đủ cách cho bé mau hết. Tôi sợ dùng thuốc tây nhiều không tốt nên lần nào nghẹt mũi cũng xông hơi cho bé.
Thế nhưng vừa qua dì tôi lên thăm thấy vậy dẹp hết đồ xông hơi ngay và bảo trẻ nhỏ mà xông rất nguy hiểm, có cháu ở quê bà vì xông mà đâm ra bệnh nặng hơn, nằm liệt giường 2 tuần… Theo bác sĩ, trẻ con có nên xông hơi không? Ngoài xông hơi còn biện pháp an toàn nào cho trẻ hay bị nghẹt mũi như con tôi?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), trả lời:
Các thuốc tây trị triệu chứng nghẹt mũi mà người lớn hay dùng không chỉ là không nên dùng cho trẻ nhỏ, mà đa số chống chỉ định bởi có thể gây ra những vấn đề hô hấp nguy hiểm ở trẻ. Tuy nhiên, trẻ nhỏ như con bạn cũng không nên xông hơi.
Đường thở của em bé nhạy cảm, mong manh; hệ thống niêm mạc dễ bị tổn thương bởi các hóa chất, cho dù đó là các tinh dầu, dầu gió có vẻ an toàn khi dùng cho người lớn. Biến chứng nguy hiểm mà trẻ em có thể bị do xông hơi, phải "nằm liệt giường" điều trị như dì bạn mô tả có thể là chứng viêm phổi hít. Viêm phổi hít là một trong những vấn đề sức khỏe nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Ngoài ra, một số người dùng máy xông hơi xông cho trẻ, cũng không nên. Thiết bị này hay được dùng chung cho cả nhà, nếu không vệ sinh kỹ có thể đem những mầm bệnh từ người lớn truyền sang cho trẻ.
Bạn không nên quá lo lắng khi con hay sổ mũi vặt. Hệ thống niêm mạc trong mũi có cơ chế tự thích nghi, làm sạch khi có mầm bệnh tấn công bé, nên mới có hiện tượng hay sổ mũi. Nếu bé có bệnh, khi điều trị dứt căn bệnh chính thì tình trạng sổ mũi cũng hết dần.
Để giải quyết tình trạng nghẹt mũi khó chịu và giúp bé thoải mái hơn, bạn có thể dùng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) để rửa mũi cho bé. Nước muối sinh lý dễ dàng tìm mua ở các nhà thuốc, có cả các dạng chai xịt dễ sử dụng, chú ý chọn loại dùng cho trẻ em.
Còn nếu bạn cảm thấy con mình sổ mũi quá thường xuyên, nước mũi đặc, hay nghẹt mà không rõ nguyên nhân, nên đưa bé đi khám để kiểm tra xem đường hô hấp của bé có vấn đề gì không.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.