Với trẻ dưới 3 tuổi, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, hệ thần kinh... và các cơ quan khác trong cơ thể chưa phát triển toàn diện. Vì vậy, mẹ không nên cho con ăn những loại thực phẩm dưới đây.

10 thực phẩm trẻ dưới 3 tuổi không được ăn

Muối

Trẻ dưới 3 tuổi chỉ cần một lượng rất nhỏ muối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Nếu mẹ cho ăn quá nhiều muối, thận của con sẽ bị quá tải vì không thể chuyển hóa hết. Mẹ không nên nêm nhiều muối vào bột hay cháo ăn dặm của con để phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thận, hệ tim mạch và cao huyết áp.

Nước hầm xương

Mẹ lưu ý không nên cho trẻ dưới 3 tuổi dùng nước hầm xương - Ảnh minh họa: Interrnet

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mẹ không nên sử dụng nước hầm xương cho bé dưới 3 tuổi. Việc dùng xương nấu cháo cho bé chỉ đáp ứng được 1/30 nhu cầu đạm và 1/10 nhu cầu canxi.

Bên cạnh đó, khi ăn cháo nấu từ nước hầm xương, lượng phốt pho thấp khiến cơ thể bé phải huy động phốt pho từ xương cột sống. Hậu quả là trẻ bị còi xương thứ phát. Vì vậy, trẻ dưới 3 tuổi không nên ăn nước hầm xương.

Trứng sống

Trẻ ăn trứng sống dễ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn và dị ứng. Để trẻ hấp thu tối đa nguồn dinh dưỡng từ trứng, mẹ nên luộc chín kỹ rồi hãy cho bé ăn.

Cá nhiều thủy ngân

Một số loài cá biển có hàm lượng thủy ngân cao làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của trẻ. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên cẩn trọng khi cho trẻ ăn các loại tôm, sò, ốc… nhằm hạn chế tối đa nguy cơ dị ứng.

Bánh bao

Hệ tiêu hóa ở trẻ dưới 3 tuổi phát triển chưa hoàn thiện dẫn đến việc không thể hấp thụ một số thực phẩm gây khó tiêu, trong đó có bánh bao. Trẻ ăn bánh bao không những bị mắc chứng khó tiêu, ngủ không ngon giấc mà còn có nguy cơ bị nghẹn, ngạt đường thở.

Thực phẩm đóng hộp

Trẻ dưới 3 tuổi cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng từ các thực phẩm tươi sống, không nên dùng đồ hộp - Ảnh minh họa: Internet

Thực phẩm đóng hộp sản xuất theo dây chuyền công nghiệp chứa nhiều muối, đường, chất phụ gia, chất bảo quản và một số thành phần khác không tốt cho sức khỏe của bé. Thay vì sử dụng thực phẩm đóng hộp nhằm tiết kiệm thời gian, mẹ nên chế biến thực phẩm tươi sống để đảm bảo cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào cho bé.

Nước ép trái cây

Trái cây bị ép lấy nước đã mất đi lượng chất xơ cần thiết, thành phần còn lại chủ yếu là đường. Lượng đường này khi vào cơ thể trẻ có nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy. Do đó, mẹ nên cắt trái cây thành những miếng mỏng, nhỏ vừa ăn thay vì ép lấy nước.

Nước ngọt

Thành phần chủ yếu của nước ngọt là đường và một số chất hóa học khác. Trẻ uống nước ngọt nhiều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng và sự phát triển bình thường của não bộ. Do đó, mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ uống nước ngọt trong mọi trường hợp.

Thạch

Tương tự nước ngọt, thạch cũng là một trong những thực phẩm chứa nhiều đường, chất tạo màu, hương liệu. Mẹ cần loại bỏ thạch khỏi danh sách thực đơn ăn vặt của con. Mẹ có thể thay thế bằng các món ăn có nguồn gốc tự nhiên, giàu dinh dưỡng hơn như trái cây, sữa chua.

Hạt hướng dương, hạt dưa, hạt bí

Trẻ ăn hạt hướng dương, hạt dưa có nguy cơ bị hóc - Ảnh minh họa: Internet

Nguy cơ bị hóc khi trẻ dưới 3 tuổi ăn các loại hạt này rất cao. Đã có rất nhiều trường hợp người lớn lơ là, trẻ hiếu kỳ bốc hạt cho vào miệng gây tắc nghẽn đường thở, suy hô hấp. Do vậy, mẹ cần để các loại hạt này xa tầm với của con.