Liệu đó có phải chiều diễn tiến duy nhất như nghiên cứu mới đây của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) đổ lỗi cho tình trạng béo phì, tăng cân tăng chóng mặt ở đất nước này xuất phát từ… nền kinh tế phát triển quá nhanh?

Cứ năm trẻ ở Trung Quốc thì có một trẻ bị dư cân hoặc béo phì, mức tăng gây choáng so với con số 20 trẻ thì có một trẻ béo phì năm 1995. Nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh đã chỉ ra mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế trong suốt hai thập niên đã dẫn đến sự ảnh hưởng chất lượng đời sống của trẻ nhỏ, khiến ngày càng nhiều trẻ béo phì.

Nghiên cứu này đặt vấn đề yêu cầu các nhà chức trách phải điều chỉnh kịp thời những quy định về quản lý thực phẩm, đặc biệt với thực phẩm nhiều đường, chất béo.

Mức sống đi lên kèm với việc hàng loạt thương hiệu thực phẩm, nước uống cạnh tranh trên thị trường. Phần lớn các loại thực phẩm dư đường, dư chất béo và thậm chí dư muối (giữ nước gây béo phì). Nghiên cứu đồng thời đề cập việc cần có những hoạt động thể chất hỗ trợ trẻ có một thể lực tốt.

Trung Quốc là quốc gia có số trẻ em béo phì cao nhất thế giới với 15 triệu trẻ. Những năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu rộ lên những khóa huấn luyện hè đặc biệt dành cho trẻ béo phì. Tham gia những khóa học này, các em phải tuân thủ giờ giấc sinh hoạt nghiêm ngặt, ăn uống theo khẩu phần siết chặt chế độ dinh dưỡng. 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi béo phì là một trong những vấn đề thách thức sức khỏe cộng đồng thế kỷ XXI. Việt Nam cũng không thoát khỏi tình trạng này. Cục Y tế dự phòng tháng Ba vừa qua đã công bố số liệu tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 25% dân số.

Đối với trẻ dưới năm tuổi, tỷ lệ này tăng từ 0,6% năm 2000 lên 5,3% năm 2015, riêng tại TP.HCM, tỷ lệ này lên tới 10,8%. Đồ uống có đường là loại sản phẩm rất được ưa chuộng ở Việt Nam, khiến việc tiêu thụ sản phẩm này tăng gấp bảy lần trong 15 năm qua.

Mỹ là nơi khởi nguồn của trào lưu “thức ăn nhanh” với những chuỗi cửa hàng nổi tiếng, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của họ. Đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ béo phì, tăng cân ở Mỹ cao nhất thế giới. Còn ở Trung Quốc, nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh lại chỉ ra lý do phản ánh được sự đặc trưng đang tồn tại trong xã hội. Nguyên nhân ấy chính là từ ông bà.

Ảnh minh họa: Internet

Nghiên cứu đăng trên Tạp chí quốc tế về hành vi dinh dưỡng và hoạt động thể chất đã trích lời một phụ nữ (giấu tên) sống ở Quảng Châu: “Mẹ tôi muốn nhìn con gái tôi mập lên mỗi ngày.

Vì tôi quá bận rộn với công việc nên nhờ mẹ chăm con hộ và hậu quả là tôi không thể can thiệp được cách mẹ cho con tôi ăn uống khi không có tôi ở nhà. Trong mắt mẹ, tôi là người mẹ thiếu hiểu biết và bà cho rằng chuyện nuôi trẻ không mập được là điều kém cỏi”. 

Các nhà khoa học phát hiện nhiều ông bà đã bỏ ngoài tai ý kiến các con, mặc nhiên cho cháu ăn uống quá đà vì họ quan niệm như thế mới là chăm sóc tốt. Giai đoạn 1958-1961 là giai đoạn khoảng 45 triệu người chết ở Trung Quốc vì nạn đói nên thế hệ ông bà đã đi qua giai đoạn ấy tin rằng thực phẩm nhiều năng lượng sẽ là thực phẩm khỏe mạnh nhưng thực tế không phải vậy.