Giá trị dinh dưỡng của thịt lươn

Trước khi giải đáp thắc mắc trẻ ăn lươn có tốt không, chúng ta đều biết thịt lươn khá nổi tiếng về thành phần dinh dưỡng cao. Theo bảng đánh giá thành phần dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hàm lượng dinh dưỡng có trong 100g thịt lươn là: 18.7g đạm, 0.9g chất béo, 150mg kali, 39mg canxi, 1.6mg sắt và nhiều nguyên tố vi lượng khác như: vitamin A, B1, B6, natri…

Lươn được đánh giá ở vị trí thứ 5 trong các loại thực phẩm giàu vitamin A sau các loại gan gà, lợn, bò, vịt - Ảnh minh họa: Internet

Theo Thạc sĩ bác sĩ Đặng Huyền Nga - Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội: Trong Đông y, lươn có tác dụng bồi dưỡng khí huyết, tiêu trừ phong thấp, có thể chữa được bệnh suy dinh dưỡng, kiết lị, đau nhức xương sống, trĩ nội, phong thấp, bệnh huyết trắng của phụ nữ.

Tuy nhiên, thai phụ không nên ăn thịt lươn. Với đặc tính bổ dưỡng và sinh khí huyết, máu lươn có tác dụng tăng cường dương khí, giúp lưu thông máu huyết và tăng cường khả năng tình dục.

Trẻ ăn lươn có tốt không?

Thời gian gần đây, có thông tin vừa nổi lên gây hoang mang dư luận đó là lươn nuôi bằng thuốc tránh thai, điều này khiến trẻ em ăn lươn sẽ bị biến đổi giới tính, rối loạn nội tiết thậm chí vô sinh khiến nhiều bà mẹ lo lắng, không dám cho trẻ ăn.

Tuy nhiên thông tin này vẫn chưa được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm và công bố chính thức. PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết hormone sinh dục của lươn và con người là hoàn toàn khác nhau nên không thể có chuyện ăn lươn khiến trẻ bị biến đổi giới tính, vô sinh hoặc bị dậy thì sớm.

Cho trẻ ăn lươn vừa phải và đúng cách rất tốt cho sức khỏe của con - Ảnh minh họa: Internet

Có một số loại thức ăn được khuyến cáo không nên cho trẻ ăn quá sớm vì dễ dẫn đến tình trạng phát dục sớm như các loại thực phẩm kích thích tăng trưởng, đầu và cổ gia cầm…

Từ xưa đến nay, lươn là một loại thức ăn rất bổ dưỡng và lành tính. Điều nghi ngại nhiều nhất là lươn nuôi bị nhiễm kháng sinh từ các loại thuốc tăng trưởng, thuốc phòng bệnh có thể nguy hại đến sức khỏe của con người.

PGS. TS. Thịnh thông tin lươn là thức ăn lành tính nên được nhiều người chọn lựa để bồi bổ cho người bệnh, người già và trẻ nhỏ. Có thể thấy, trẻ nhỏ ăn lươn nhìn chung sẽ mang lại lợi ích sức khỏe nhất định, tuy nhiên không nên quá lạm dụng vì bất cứ thực phẩm nào khi ăn quá nhiều cũng đều không tốt cho sức khỏe.

Lưu ý khi cho trẻ ăn lươn

Lươn thường chui rúc dưới ao bùn, sình lầy, nước đục... lại thêm tập tính ăn tạp nên hệ tiêu hóa và thịt lươn có thể nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng. Vì vậy, nếu chỉ xào sơ lươn qua loa trên lửa, những ấu trùng này sẽ còn sống và theo đường ăn uống đi vào ruột.

Vì vậy các bà mẹ cần làm sạch lươn trước khi nấu, chế biến bằng cách nấu chín, ninh nhừ hoặc hấp cách thủy... bảo đảm sao cho thịt lươn khi được dọn lên mâm đã được nấu chín kỹ để đảm bảo an toàn vệ sinh cho trẻ. 

Mẹ nên chọn những con lươn còn tươi sống, chỉ chọn mua lươn vàng, không ăn lươn màu xanh - Ảnh minh họa: Internet

Khi mua lươn ngoài chợ tuyệt đối không được mua lươn đã chết hoặc lươn đã bị ươn về chế biến. Trong thịt lươn chứa rất nhiều protein, trong đó có hợp chất histidine rất tốt cho cơ thể.

Nhưng khi lươn chết, hợp chất này sẽ bị vi khuẩn trong cơ thể lươn chuyển hóa thành chất độc histamine, chất này khi vào cơ thể sẽ dẫn đến tình trạng dị ứng, nhiễm độc.

Món ăn bài thuốc từ thịt lươn

Lươn vàng còn gọi là thiên ngư, trương ngư - một trong “bốn món tươi ngon dưới sông” (tứ đại hà tiên). Thịt lươn có nhiều chất đạm, bột, đường, lecithin, các vitamin B1, B2, PP, K, A, E, D và Fe, Ca, P.

Theo Đông y, lươn vàng tính ôn, vị ngọt, có công hiệu bổ ngũ tạng, bổ trung, ích khí, dưỡng huyết, ôn dương, bồi bổ can, thận, làm mạnh gân cốt, khử phong thấp, thông kinh mạch. Thích hợp với các chứng thiếu máu lao lực, ho hen, phong thấp đau nhức, gân cốt rã rời, thận hư đau lưng, liệt mặt ngoại biên, tiêu khát, kiết lỵ.

Không chỉ là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn, lươn còn là vị thuốc quý, đặc biệt đối với trẻ em.

Lươn là một trong “bốn món tươi ngon dưới sông” - tứ đại hà tiên - Ảnh minh họa: Internet

Chữa trẻ biếng ăn, ăn không tiêu, mồ hôi trộm

  • Thịt lươn: 1 con (250 - 300g)
  • Kê nội kim (màng mề gà) 6g
  • Gia vị: hành, gừng, nước tương, muối, bột ngọt vừa đủ.

Lươn làm thịt, bỏ nội tạng, rửa sạch, cắt đoạn dài 6cm. Kê nội kim rửa sạch, bỏ vào bát sứ cùng thịt lươn, thêm hành, gừng, rượu, muối, nước tương. Chưng cách thủy với lửa lớn rồi hạ nhỏ, chưng chín thì cho chút bột ngọt vào, trộn đều là được.

Chữa tiêu chảy ở trẻ em

Đặc biệt hiệu quả khi trẻ đi ngoài ngày 5 - 6 lần, phân có mùi chua hoặc thối khắm.

  • Lươn 125g
  • Kê nội kim 5g
  • Hoài sơn 10g
  • Gừng tươi 2 lát.

Lươn làm sạch xào với gừng cho thơm, tưới ít rượu, cho nước vừa đủ, sau đó cho kê nội kim và hoài sơn vào. Dùng lửa lớn rồi hạ nhỏ, đun 1 giờ rồi nêm nếm gia vị. Trẻ nhỏ sẽ uống phần nước.

Chữa trẻ em suy dinh dưỡng, bụng ỏng, đít beo, phân sống, gầy còm, biếng ăn

Lươn nấu sâm quy

  • Thịt lươn 300g
  • Đương quy 15g
  • Đẳng sâm 15g
  • Hành tây 25g
  • Gừng tươi 15g
  • Muối ăn vừa đủ.

Lươn rửa sạch, thái sợi, đương quy và đẳng sâm cho vào túi vải, bỏ vào nồi cùng thịt lươn, đổ nước nấu trong 1 giờ, vớt bỏ túi thuốc, thêm hành, gừng muối, nấu thêm 1 giờ nữa là được.

Mẹ cho trẻ ăn thịt lươn và nước. Món này ăn thường xuyên có tác dụng bổ dưỡng, chữa thần kinh và thể lực suy nhược do ốm lâu ngày, khí huyết bất túc, gầy yếu, da vàng héo.

Qua bài viết này, chắc hẳn các mẹ đã bớt lo lắng hơn về vấn đề trẻ ăn lươn có tốt không và bỏ túi cho mình những kiến thức bổ ích và cần thiết khi sử dụng lươn làm nguyên liệu để chế biến món ăn cho con.