Sử dụng cọ trang điểm bẩn

Cọ trang điểm chứa đầy chất bẩn, dầu, bụi. Theo các chuyên gia, việc sử dụng cọ trang điểm bẩn sẽ làm tăng nguy cơ mọc mụn và kích ứng da. Bạn nên vệ sinh cọ trang điểm ít nhất 1 lần/tuần với nước ấm và chất tẩy rửa dịu nhẹ.

Nặn mụn trước khi dùng kem che khuyết điểm

Nặn mụn có thể sẽ khiến da bạn bị viêm và tăng khả năng nhiễm khuẩn. Điều này sẽ khiến mụn lâu lành hơn và tăng khả năng thâm sẹo. Nếu bạn nặn mụn sau đó sử dụng các lớp trang điểm trên vùng da bị tổn thương, sẽ khiến lớp trang điểm trông tệ hơn và mụn lâu lành hơn.

Đánh phấn dày trên mặt

Khi đánh phấn, bạn cũng nên hạn chế sử dụng quá nhiều trên làn da mụn. Một lớp phấn dày cộp trên mặt có thể làm lỗ chân lông bị bịt kín và khiến mụn sinh sôi nhiều. Thay vào đó, khi da đang có mụn, bạn nên đánh một lớp mỏng phấn bột để tạo độ thông thoáng trên da. Hãy lưu ý là sử dụng kem lót trước khi phủ phấn để tránh da bị tắc lỗ chân lông.

Lạm dụng kem che khuyết điểm

Với những người có đặc thù công việc phải trang điểm thường xuyên thì kem che khuyết điểm chính là phương pháp hữu hiệu giúp làm mờ vết thâm mụn trên mặt. Tuy nhiên, kem che khuyết điểm lại dễ gây bịt kín lỗ chân lông và chỉ càng làm tình trạng mụn thêm tồi tệ. Lúc này, bạn nên lựa chọn những loại kem không chứa dầu và dùng bông trang điểm hoặc cọ để chấm lên da thay vì dùng ngón tay sẽ làm nổi mụn nhiều hơn.

Không tẩy trang trước khi ngủ

Đây dường như là một sai lầm thường hay gặp phải ở rất nhiều người. Thế nhưng, hậu quả là tình trạng mụn sẽ càng thêm tồi tệ và khiến mụn mãi không di dời khỏi da mặt của bạn. Do sau một ngày dài, lớp trang điểm trên mặt sẽ tích tụ lại và gây bịt kín lỗ chân lông, từ đó khiến làn da khó hô hấp để đẩy mụn lên. Đặc biệt, thói quen xấu này còn tạo cơ hội gây nám, tàn nhang trên da xuất hiện.