Cưới nhau chưa được một năm nhưng chị Lệ đã muốn dừng lại cuộc hôn nhân này. Việc chồng chị yếu tinh trùng, khả năng có thai rất ít không phải là nguyên nhân dẫn đến tình cảm vợ chồng chị rạn nứt.

Chị đã cố gắng hiếu đạo với bố mẹ chồng nhưng bây giờ trong mắt chồng chị thì chị là người xấu xa, tệ bạc. Trong khi đó, chị chưa bao giờ nói láo hay dám cãi lại bố mẹ chồng nửa lời. Chỉ vì vợ chồng chị công việc đêm hôm nên chị muốn ra ở riêng nên bố mẹ chồng đã sinh phần ghét chị. Họ cho rằng chị đang muốn trốn tránh trách nhiệm làm dâu con trong gia đình.

Khóc rất nhiều vì chồng không tin tưởng - Ảnh minh họa: Internet

 

Mặc dù chị có giải thích thế nào anh cũng không tin, anh nhất mực nghe lời bố mẹ khiến vợ chồng chị ngày nào cũng cãi nhau. Nhiều lúc chị muốn tự giải thoát cho bản thân và suy nghĩ rất tiêu cực. Thời gian gần đây, cơ thể chị ngày càng suy nhược, dường như chị đang có dấu hiệu trầm cảm. Chị không biết phải sống sao với người chồng không bao giờ thông cảm và nghe vợ nói. Rốt cuộc phụ nữ lấy chồng để làm gì?

Câu chuyện của chị Lệ đang gây nhiều tranh cãi, nhiều người cho rằng chị cũng có cái sai khi đang cố muốn ra ngoài sống mà không hề nghĩ tới cảm xúc của người chồng.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, những năm đầu của cuộc hôn nhân chẳng có cặp đôi nào không gặp sóng gió. Thậm chí, nhiều người còn chưa ấm chỗ đã “cao chạy xa bay” vì sợ nhà chồng. Nhưng, cũng không ít đã biết cách kiềm chế cơn nóng giận, suy nghĩ lại những việc đã làm và quyết tâm thay đổi bản thân.

Đối với trường hợp của chị Lệ, cái tôi của cả hai đang quá lớn nên mới để xảy ra những bất đồng. Khi muốn ra ở riêng, tại sao chị không nghĩ đến cảm xúc của người chồng và bố mẹ chồng? Lẽ ra, để khéo léo các nàng dâu nên thăm dò ý kiến của đôi bên. Nếu như hợp tình hợp lý thì sẽ bày tỏ nguyện vọng. Còn nếu cứ khăng khăng thì suy nghĩ tiêu cực “con dâu đang trốn trách nhiệm” đương nhiên sẽ xuất hiện. Điều này rất khó phủ nhận.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa. Ảnh NVCC

Mỗi nàng dâu cũng cần trang bị cho mình đầy đủ kiến thức tiền hôn nhân trước khi về nhà chồng. Có thể bố mẹ chồng khó tính, khó gần thì hãy tâm sự với người chồng. Lấy chồng làm cầu nối thì câu chuyện sẽ dễ hơn rất nhiều. Người vợ hãy mở lòng mình hơn. Hãy chia sẻ với chồng, với bố mẹ chồng, đừng giấu kín trong lòng để tự mang ấm ức vào thân.

 

Nhưng, dù một bên cố gắng còn một bên lảng tránh thì cũng không có hiểu quả. Lẽ ra, người chồng cũng nên lắng nghe vợ, đừng chỉ nên nghe bố mẹ. Người chồng cũng cần tế nhị quan sát sự thay đổi của vợ, bởi dâu mới rất dễ khủng hoảng. Hãy nói với bố mẹ để cô ấy có thời gian thích nghi với gia đình mới, môi trường mới.

Cuộc sống có rất nhiều thứ phải lo lắng, nhất là mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu. Nếu như người đứng giữa không phải là “cán cân” thì gia đình cũng khó lòng yên ấm.