Con khóc, mẹ cũng khóc theo con

Trầm cảm sau sinh hiện đã trở thành vấn đề được nhiều gia đình trẻ quan tâm. Tuy nhiên, nỗi cô đơn của bà mẹ sau sinh trong việc chiến đấu với căn bệnh này thì không phải ai cũng thấu hiểu.

“Nhớ lại ngày mới sinh cu Tí, chỉ có hai vợ chồng bên này, 26 tuổi sinh con đầu lòng, vẫn lóng ngóng lắm! Không biết cách bế con. Không biết thay quấn tã. Không biết cho con ti.

Chỉ biết đọc sách báo. Sách thì bảo không cho uống sữa ngoài, cứ để ti sữa mẹ tự nhiên mới kích hoạt tuyến sữa. Thế là cứ để con bú vậy thôi.

Hai ba ngày sữa không về, con đói khóc lả đi. Lại sợ con rét, tăng nhiệt độ phòng. Con vừa khóc vừa nóng, đo nhiệt độ cao quá, bố phải đem con vào viện giữa đêm khuya. Còn mẹ yếu không đi lại được, phải ở nhà.

Sáng ra có buổi hẹn với y tá thăm khám, đành gọi cho cô ấy bảo đừng đến. Ở bên này, y tá là người của trung tâm cộng đồng đến hỗ trợ sau sinh, khám cho trẻ con khi mới ra viện.

Trung tâm cộng đồng có liên hệ mật thiết với bệnh viện. Ca nào, ở vùng nào, đều được viện chuyển về trung tâm khu đó, y tá cứ thế gọi điện đến khám, theo dõi trẻ con sau sinh.

Gọi nói chưa dứt câu thì đã khóc tu tu. Cô y tá đòi đến ngay, bảo là ở đây ngoài chăm trẻ con thì bà mẹ cũng quan trọng.

Y tá đến ngồi nhỏ to hai tiếng, nói đủ thứ chuyện. Chủ yếu để mình giải tỏa. Rồi mình cũng bẽn lẽn bảo không hiểu sao lại dễ khóc thế?

Cô y tá liền phân công một nhân viên xã hội đến đến giúp mình chăm con ba lần một tuần trong 3-4 tháng đầu, đến khi nào nhân viên cảm thấy mọi thứ của gia đình mình ổn mới thôi.

Mục đích công việc của nhân viên này là để nguời mẹ có thời gian nghỉ ngơi, ngủ hoặc đi dạo, đi shopping.

Họ cho con ăn, thay tã, tắm, ru bé ngủ. Nói chung họ làm thay tất cả công việc của một người mẹ.

Mình dùng thời gian đó để làm việc. Vì lúc ý với mình, tách con ra và trở lại với công việc đã là một dạng nghỉ ngơi. Mình nhận ra mình bị trầm cảm sau sinh ở thể nhẹ.

Mình nhớ mãi bà y tá già dặn đi dặn lại nếu con khóc quá thì mẹ hãy thư giãn.

Bệnh trầm cảm sau sinh chủ yếu do hormone trong nguời phụ nữ sau sinh bị thay đổi, cộng với môi trường bên ngoài lúc mới sinh nhiều xáo trộn dễ gây căng thẳng và sinh bệnh.

Điều đáng nói là bệnh này chỉ có thể được chữa bằng cách... nhờ người khác.

Bệnh tâm lý, chữa bằng cách cải thiện mối quan hệ với những nguời xung quanh mà thôi. Chồng và gia đình sống cùng có ảnh hưởng lớn đến tiến trình bệnh của người phụ nữ.

Trong khi đó ở mình, lại hay nghe thấy kiểu nói ai chả đẻ, ai chả nuôi con, có gì mà to tát...”.

Thiếu ngủ, chưa quen với việc có con là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bị trầm cảm sau sinh. Ảnh minh họa.

Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Dịu (30 tuổi, đang sinh sống tại Canada) về những ngày chiến đấu với căn bệnh trầm cảm sau sinh.

Lần đầu tiên có con nhỏ, vợ chồng chị không khỏi bỡ ngỡ. Chị Dịu nhận thấy phụ nữ sau sinh cho dù được chăm sóc y tế “tận răng” nhưng vẫn không thể tránh khỏi căn bệnh này. Bệnh hầu như mẹ nào cũng mắc phải, tùy mức độ nặng nhẹ, chỉ có điều không phải ai cũng nhận ra và gia đình kịp thời giúp sản phụ tháo gỡ. 

Đừng để nặng đến mức mẹ có ý nghĩ “giết con”

Đứa con đầu lòng chào đời ở tuổi 30, chị Mai Phương (Hà Nội) đã lâm vào trầm cảm sau sinh khá nặng. Sữa mẹ không có, con quấy khóc liên miên và không xinh như chị tưởng tượng, cộng với việc thiếu ngủ đã khiến cho chị cảm thấy tuyệt vọng khi nghĩ về hành trình làm mẹ.

Có những lúc chị ôm con và khóc tu tu mà không hiểu lý do vì sao mình khóc. Điều duy nhất chị ao ước là được ngủ một giấc thật ngon, thế nhưng điều ấy là quá xa xỉ.  

Mai Phương nhận ra mình bị trầm cảm nhờ đọc tài liệu trên mạng, nhưng để thoát khỏi nó là vô cùng khó khăn. Chị cảm thấy ghét đứa bé vì “chính nó đã làm cuộc sống đảo lộn”. Chỉ đến khi đứa bé được hai tháng, giấc ngủ đêm trọn vẹn hơn, nhìn ngắm con biết cười, biết chuyện thì chị mới cảm thấy yêu đời trở lại.

Sự giúp đỡ của người thân là vô cùng quan trọng giúp mẹ thoát khỏi bệnh trầm cảm sau sinh. Ảnh minh họa.

Theo chị Phương cảm nhận, dù được mọi người chăm sóc nhưng nỗi cô đơn trong việc chiến đấu với căn bệnh trầm cảm sau sinh của mẹ bỉm sữa thì không phải ai cũng thấu hiểu.

Bởi rất khó để mở lời ra nói với chồng hoặc mọi người rằng: “Em thấy mình có dấu hiệu bị trầm cảm sau sinh”. Và nếu có nói thì cũng….ít ai tin, vì mọi người cho rằng đó là chuyện “vớ vẩn”.

Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, thống kê cho thấy có khoảng 10-20% số chị em phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh.

Triệu chứng thường thấy là buồn rầu sau khi sinh, dễ khóc, mất ngủ, lo âu quá mức, thiếu tập trung, cáu gắt, xao nhãng việc chăm sóc con cái, ăn uống thất thường.

“Nhiều sản phụ đến bệnh viện trong tình trạng cảm thấy đau khổ, vô vọng tăng dần sau khi sinh con, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể nào cả. Đôi khi họ lại cảm thấy bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi. Họ có thể rơi vào trạng thái mệt mỏi triền miên, thờ ơ với việc chăm con, chán ghét con, thậm chí không buồn tắm rửa, chải chuốt cho chính mình”, TS. Hồng Thu cho biết.

Bác sĩ Hồng Thu khuyến cáo với trường hợp mẹ trầm cảm sau sinh nặng, xuất hiện ý nghĩ làm hại đứa bé thì gia đình nên cách ly người mẹ khỏi đứa bé rồi đưa đến bệnh viện tâm thần hoặc khoa tâm thần để khám và điều trị sớm càng sớm càng tốt, phòng ngừa những hậu quả nguy hại có thể xảy ra cho cả hai mẹ con.  

Ở những phụ nữ đã từng mắc bệnh trầm cảm sau sinh, nguy cơ tái phát ở lần sinh tiếp theo là 50%.

Người có tiền sử trầm cảm ngoài thai kỳ, nguy cơ trầm cảm sau sinh 25%. Nếu trong thời kỳ mang thai mắc trầm cảm mà ngưng thuốc sớm, 68% tái phát trầm cảm sau sinh, nếu tiếp tục dùng thuốc thì 25% tái phát trầm cảm sau sinh; 41.2% người bệnh trầm cảm sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự sát.