Không muốn trở thành gánh nặng cho đất nước

Tính đến sáng 20/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Ý đã lên tới 41.035. Số ca tử vong là 3.405. Số liệu này chính thức đưa Italy vượt Trung Quốc về số người tử vong vì dịch COVID-19. Hệ thống y tế của Italy rơi vào khủng hoảng, bởi tốc độ gia tăng số ca nhiễm mới ngày càng cao. Tình cảnh này của Italy đang khiến cả thế giới cũng phải lưu tâm. Chị T.H (25 tuổi) - du học sinh Việt Nam tại Italy và các bạn cũng tương tự.

Chị T.H chia sẻ, trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhiều người nhắn tin khuyên chị H nên quay trở về Việt Nam. Mặc dù chị H cũng lo lắng nhưng sau đó chị và nhiều công dân Việt đang học tập tại Italy vẫn quyết định ở lại nước sở tại.

Lý giải cho quyết định của mình, chị T.H cho biết: "Thứ nhất, thành phố miền Trung nước Ý nơi tôi sinh sống có hơn 60.000 dân, tất cả người dân vẫn an toàn. Theo thông báo chính thức thì thành phố này mới chỉ có 5 ca dương tính SARS-CoV-2. Chúng tôi thực hiện theo lệnh của Chính phủ Ý, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Thứ hai, tôi thuộc nhóm "người trẻ", tôi đang khỏe mạnh. Tôi không muốn vật vã ở sân bay 2 ngày trời, rồi ngồi trên máy bay hơn 10 giờ đồng hồ với vài trăm con người. Đó chẳng phải là nguy cơ mắc bệnh hay sao?".

 

Nhiều du học sinh quyết định không trở về Việt Nam thời điểm này.

Đặc biệt, chị H cho biết thêm: "Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho quê nhà. 14 ngày cách ly, cơm ăn miễn phí có, người phục vụ có... tôi đã làm gì để đáng được hưởng đặc ân này? Tôi đi làm và đóng thuế cho chính phủ Ý, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội của tôi tại Ý. Hơn nữa, nước Ý đã thông qua ngân sách để đối phó với dịch COVID-19, nên trở về Việt Nam ở thời điểm này, chính là thêm một phần gánh nặng cho ngân sách nhà nước"

Trong bối cảnh toàn lục địa già phủ bóng COVID-19, chị T.H kêu gọi, các du học sinh, người lao động đang ở đâu thì hãy ở yên đó. Nếu đang khỏe mạnh, nếu thành phố các bạn sinh sống đang an toàn thì hãy đừng ồ ạt kéo nhau ra sân bay. Bởi sân bay chính là nơi nguy cơ lây bệnh cao nhất và làn sóng trở về Việt Nam sẽ mang bao nhiêu nguồn bệnh trở về? "Nước ta còn nghèo, Đồng bằng sông Cửu Long đang hạn hán nặng, chúng ta mỗi người nên bình tĩnh và suy nghĩ cho đại cuộc chung...", chị T.H cho hay.

Bạn H.H.L (23 tuổi) - sinh viên khoa Quản trị nhân sự năm cuối (Trường Bedfordshire Luton, thành phố Luton, Anh) cũng quyết định không trở về nước ở thời điểm này.

Bạn H.H.L cho biết: "Ai cũng hỏi tôi về việc trở lại Việt Nam, bản thân tôi thì muốn về lắm vì đã lâu rồi không được trở về nhà, nhớ gia đình, người thân và cả bạn bè nhưng về bây giờ thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. Bởi hành trình di chuyển nhiều giờ với nhiều chặng bay, quá cảnh các sân bay, tôi chẳng khác nào tự đưa mình vào thế nguy hiểm. Hơn nữa, không chỉ ảnh hưởng lớn đến việc học tập của tôi mà còn thêm gánh nặng cho gia đình, cho đất nước. Vì vậy, tôi và bạn bè quyết định không trở về lúc này. Hiện tại tôi vẫn đang rất khỏe mạnh, ở thành phố Luton vẫn đang rất an toàn".

Nguy hiểm từ chính hành trình di chuyển

Khẩu trang được bà Tâm Mai làm từ nilon phục vụ người dân tại Đức.

Có con gái đang là du học sinh, tại thành phố Strasbourg (Pháp), bà H.S (53 tuổi, ở Hải Phòng) cũng như nhiều phụ huynh khác không khỏi lo lắng trước dịch COVID-19. Tuy nhiên, bà S xác định, việc cần làm đầu tiên trong lúc này là phải bình tĩnh, chỉ có bình tĩnh mới có thể giải quyết được mọi chuyện. Vì vậy, khi ở tâm thế bình tĩnh trở lại, bà S cùng gia đình dặn dò con thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam. Thứ hai là mua nước sát khuẩn, mua khăn vải để quàng và che miệng mỗi khi ra ngoài.

Bà S cho biết: "Tôi và gia đình trăn trở về việc có hay không đưa con về Việt Nam. Tôi theo dõi tất cả các thông tin về động thái dịch và phòng chống dịch của nước Pháp thì thấy rằng, hành khách ở sân bay nước ngoài, nhất là các nước Châu Âu đều rất đông, họ lại không đeo khẩu trang. Việc này rất nguy hiểm với con gái tôi khi di chuyển và quá cảnh. Đặc biệt là chặng bay hơn 12 giờ đồng hồ từ Pháp về Việt Nam, trong một không gian kín. Nên tôi quyết định cho con ở lại Pháp".

"Tôi cho rằng quyết định của mình là phù hợp, bởi cho con về lúc này cũng chưa chắc đã trốn được dịch. Hơn nữa, con trở về lúc này sẽ bị lệch múi giờ, rất ảnh hưởng đến việc học trực tuyến của con. Trong khi đó, tình hình phòng chống dịch ở Pháp rất ổn, mỗi ngày, nước này đều có một quyết sách rõ ràng về các biện pháp phòng, chống dịch", bà S cho hay.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng, công dân Việt Nam trở về nước khi dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp trên thế giới sẽ đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình di chuyển.

PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích: "Nguy hiểm từ chính hành trình di chuyển, ở sân bay, đến quá cảnh tại các sân bay. Các chuyến bay từ châu Âu, châu Mỹ về Việt Nam kéo dài từ 15- 24 giờ đồng hồ trong một không gian khép kín, nếu vô tình có một ca bệnh COVID-19 thì nguy cơ lây nhiễm là rất lớn. Điển hình là chuyến bay mang số hiệu VN0054 xuất phát từ London và hạ cánh tại Hà Nội vào ngày 2/3 có đến 14 hành khách đã bị nhiễm SARS-COV-2. Hơn nữa, khi lượng lớn công dân ồ ạt trở về Việt Nam sẽ khiến số lượng người trong các khu cách ly đông lên, dẫn đến khó khăn về bố trí chỗ ở tại nơi cách ly. Việc kiểm soát khu cách ly, rồi phục vụ cho những người cách ly cũng sẽ phức tạp hơn và tốn kém hơn. Đặc biệt và quan trọng hơn nữa là công tác quản lý chống lây nhiễm trong cơ sở cách ly cũng sẽ chịu áp lực lớn hơn và khó khăn hơn".

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về nước lúc này gánh nặng sẽ nhân lên gấp bội phần nếu có người mới nhiễm không khai báo trung thực. Hơn nữa, nếu một ai đó mắc bệnh và phải điều trị thì có thể lỡ dở cả kế hoạch học tập, công việc nếu nước mà họ đang học tập, lao động áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với những người nhập cảnh trở lại.

Bà Tâm Mai (56 tuổi) là người Việt sinh sống và công tác trong ngành thời trang tại Berlin (Đức) cho biết: “Mặc dù khẩu trang tại Đức có thời điểm đã rơi vào tình trạng khan hiếm nhưng người Đức vẫn chưa thực sự coi khẩu trang là biện pháp phòng bệnh. Quan điểm của tôi lúc này là cần coi khẩu trang là biện pháp cấp thiết để phòng chống dịch COVID-19. Vì vậy, khi khẩu trang trở nên khan hiếm, tôi tự may khẩu trang bằng nilong cứng để phục vụ người Việt tại Đức”.

Tin liên quan