Trứng và sữa vốn là hai thực phẩm quen thuộc trong bữa sáng của nhiều người. Đây là 2 thực phẩm dễ chế biến, nhanh chóng và tiện lợi, thích hợp dành cho những người bận rộn.

Tuy nhiên, gần đây, trên mạng xã hội Trung Quốc có một số thông tin cho rằng "không nên ăn trứng, uống sữa nhiều vì sẽ làm tăng cholesterol, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư". Vậy thực hư tin đồn này ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp rõ ràng.

Tin đồn 'ăn trứng tăng nguy cơ bệnh tim mạch'

Theo các thông tin gần đây trên mạng xã hội Trung Quốc, trong trứng có 186mg cholesterol, do đó, "ăn nhiều trứng có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu". Cholesterol là một chỉ số có liên quan mật thiết đến sức khỏe tim mạch.

Nhiều người dân Trung Quốc đọc thông tin này đã sửng sốt. Họ lo lắng, hoang mang không biết liệu ăn trứng có gây ảnh hưởng đến sức khỏe hay không.

Tuy nhiên, những thông tin này không thể chứng minh mối liên hệ giữa trứng và bệnh tim mạch.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của viện sĩ Cố Đông Phong, chuyên gia tại Học viện Khoa học Trung Quốc, đã tiến hành một nghiên cứu với sự tham gia của hơn 100.000 người Trung Quốc. Mỗi tuần, người tham gia nghiên cứu sẽ ăn từ 3 đến 6 quả trứng. Kết quả nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim mạch của những người tham gia nghiên cứu không hề tăng lên.

Viện sĩ Cố Đông Phong cho rằng ăn trứng không phải là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe vì mỗi ngày chúng ta đều ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Vấn đề nằm ở chỗ lượng ăn là bao nhiêu. Ăn quá nhiều hoặc quá ít bất kỳ loại thực phẩm nào đều không tốt cho sức khỏe.

Hơn nữa, nếu chúng ta tiêu thụ trứng vừa phải (1 quả trứng/ ngày), hàm lượng apolipoprotein A1 trong máu sẽ tăng cao, đây là khối cấu tạo của lipoprotein mật độ cao (HDL), tức là cholesterol "tốt".

Như vậy, ăn trứng vừa phải có lợi cho việc tăng HDL và giúp đào thải cholesterol "xấu" LDL, từ đó giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các loại bệnh tim mạch khác.

Ảnh minh hoạ: Ăn trứng với tần suất và số lượng hợp lý còn có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch bao gồm:

- Di truyền: Nếu trong gia đình có tiền sử bệnh tim mạch, ví dụ như cha mẹ hoặc anh chị em của bạn đã từng gặp phải các vấn đề về tim mạch trước tuổi 55, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhiều hơn bình thường.

- Tuổi tác: Càng lớn tuổi, hoạt động của tim càng kém hiệu quả. Thành tim dày lên, các động mạch cứng lại khiến cho quá trình bơm máu cũng trở nên khó khăn, đó là lý do vì sao nguy cơ mắc bệnh tim mạch gia tăng theo tuổi.

- Béo phì và thừa cân: Thừa cân sẽ góp phần gia tăng tổng mức cholesterol trong máu, đồng thời mang đến nguy cơ huyết áp cao và bệnh mạch vành.

- Nghiện thuốc lá: Nghiên cứu cho thấy hút thuốc làm tăng nhịp tim, thắt chặt các động mạch lớn, có thể dẫn đến loạn nhịp tim, khiến hoạt động của tim kém hiệu quả và trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, các hóa chất khác có trong khói thuốc như carbon monoxide cũng có hại cho tim. Những chất này dẫn đến tích tụ mảng bám trong động mạch, làm tăng nguy cơ đông máu và có thể dẫn đến đau tim.

- Thiếu vận động thể chất: Những người lười vận động hoặc ít có cơ hội vận động thể chất sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn những người thường xuyên tập thể dục. Vì tập thể dục giúp tăng cường sự dẻo dai cho cơ tim và làm cho các động mạch linh hoạt hơn.

- Nhóm bệnh “ba cao”: Huyết áp cao, mỡ máu cao, đường huyết cao đều là những bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Ảnh minh hoạ: Có nhiều yếu tố khác có thể gây ra bệnh tim mạch.

Tin đồn 'uống sữa tăng nguy cơ ung thư'

Theo các thông tin đồn thổi trên mạng Trung Quốc, "tiêu thụ ít nhất 1/4 đến 1/3 cốc sữa mỗi ngày có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư vú 30%".

Bác sĩ Trịnh Tây Hy, bác sĩ lâm sàng tại Bệnh viện Đại học Y tế Công đoàn Bắc Kinh, Trung Quốc, cho biết những thông tin này chưa giải thích rõ về mối liên quan giữa sữa và bệnh ung thư vú.

Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, bác sĩ Trịnh cũng liệt kê các yếu tố thực sự làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú:

- Di truyền.

- Lối sống không lành mạnh gây ra tình trạng thừa cân, béo phì; thói quen hút thuốc và lười vận động.

Như vậy, tin đồn "ăn trứng, uống sữa thường xuyên gây ung thư và bệnh tim mạch" là hoàn toàn sai sự thật. Vì vậy, chúng ta vẫn có thể sử dụng sữa và trứng cho các bữa ăn trong ngày một cách hợp lý.

Nguồn: Toutiao, Aboluowang