TPHCM: Kinh phí tuyên truyền phòng, chống COVID-19 đội giá quá cao!?
Theo thông tin chúng tôi thu thập được, số tiền TPHCM đã chi cho việc in ấn cẩm nang, tờ rơi trong chiến dịch truyền thông phòng, chống COVID-19 từ đầu mùa dịch đến nay đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Điều bất thường là một số ấn bản tuyên truyền có đơn giá in cao hơn từ gấp hai đến bốn lần so giá thị trường. Do đó, với số lượng in hơn 11 triệu bản số tiền chênh lệch cũng rất cao.
Từ đầu tháng 2/2020, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TPHCM cho biết đã phối hợp với Sở Y tế TPHCM in 5,4 triệu Cẩm nang hỏi đáp về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (2019-nCoV) để phát cho người dân. Cẩm nang sẽ bao gồm 5 triệu bản bằng tiếng Việt, 200.000 bản tiếng Anh và 200.000 bản tiếng Hoa.
Thời điểm đó, một lãnh đạo Sở TT-TT nói với báo chí, việc thực hiện diễn ra từ ngày 2/2, mỗi ngày in 1 triệu bản, dự kiến hoàn thành vào ngày 8/2. Thông qua đầu mối là trung tâm y tế và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 24 quận, huyện, các bản tiếng Việt được chuyển đến địa bàn dân cư để phát cho từng hộ dân.
Ngoài ra, các bản tiếng Anh và tiếng Hoa dùng phát cho các công ty lữ hành du lịch, các điểm tập trung đông du khách và người nước ngoài sinh sống, làm việc tại TPHCM.
Theo tìm hiểu của Báo Phụ Nữ TPHCM, công tác in ấn cẩm nang được Sở TTTT ký hợp đồng với Xí nghiệp in Nguyễn Minh Hoàng (quận Tân Bình, TPHCM) để thực hiện, với tổng giá trị hơn 15 tỷ đồng. Cụ thể, đơn giá cho 5 triệu cuốn cẩm nang tiếng Việt là 2.550 đồng/quyển, thành tiền hơn 12 tỷ đồng. Còn lại 400.000 bản tiếng Anh và Hoa có đơn giá 2.950 đồng/quyển, thành tiền 1,18 tỷ đồng. Cộng thêm 1,393 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10%.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đơn giá mà Sở TT-TT đã ký để in các ấn bản tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 là khá cao. Thử lấy được một cuốn cẩm nang dày 20 trang in 4 màu trên giấy C80gr quy cách 14x20cm còn sót lại ở phòng văn hóa thông tin một quận trên địa bàn thành phố, chúng tôi đã dùng làm mẫu mang đến hỏi giá một số cơ sở in ấn. Với bảng báo giá của Công ty TNHH Một thành viên ITAXA (quận 3, TPHCM), cuốn cẩm nang nói trên chỉ có đơn giá in 1.221 đồng/quyển với số lượng in 100.000 bản.
Có thể thấy, đơn giá này thấp hơn rất nhiều so với giá in mà Sở TT-TT đã thực hiện. Cần lưu ý rằng, giá mà chúng tôi nhận được đã bao gồm thuế GTGT, đóng ghim, xén thành phẩm và vẫn còn có thể thương lượng nếu số lượng in lên đến hàng triệu bản.
Đến cuối tháng 3/2020, Sở TT-TT tiếp tục triển khai in và phát 5 triệu Tờ rơi tuyên truyền về 12 việc cần làm ngay và 6 điều cần làm để phòng, chống dịch COVID-19 đến các hộ gia đình trên địa bàn thành phố nhằm huy động toàn dân chung tay tận dụng “14 ngày vàng” chiến đấu trước đại dịch.
Sở tiếp tục ký kết với Xí nghiệp in Nguyễn Minh Hoàng hợp đồng in ấn trị giá gần 7,3 tỷ đồng. Theo đó, đơn giá cho 5,1 triệu tờ rơi tiếng Việt (không hiểu sao trong hợp đồng lại đội lên thêm 100.000 bản so với thông tin trước đó trên báo chí) là 1.060 đồng/tờ. Đơn giá tính cho 200.000 tờ tiếng Anh và 300.000 tờ tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật là 1.900 đồng/tờ. Giá này chưa bao gồm 10% thuế GTGT.
Trong khi đó, với đơn giá mà chúng tôi có được cho đúng tờ rơi 4 màu in 2 mặt trên giấy C80gr quy cách 29,7x42cm (giống như Sở TT-TT đã in) lại thấp hơn rất nhiều. Cụ thể, giá in của ITAXA chỉ có 462 đồng/tờ cho số lượng in 100.000 bản. Giá này đã bao gồm thuế GTGT và khách còn có thể thương lượng giảm giá nếu số lượng lớn. Bảng giá của một số cơ sở in ấn khác do chúng tôi đối chiếu cũng tương tự.
Với sự chênh lệch trên, dễ dàng nhẩm ra số chênh lệch khá lớn so với tổng kinh phí mà Sở TT-TT đã sử dụng trong việc thực hiện in hai ấn bản trên. Nếu tính bằng giá mà chúng tôi đã lấy trên thị trường, in 5,4 triệu cuốn cẩm nang chỉ tốn khoảng 6,5 tỷ đồng và 5,6 triệu tờ rơi chỉ vào khoảng 2,5 tỷ đồng. Tổng cộng cả 11 triệu bản in tính chung cả hai ấn bản chỉ khoảng 9 tỷ đồng. Thế nhưng, với giá in do Sở TT-TT ký hợp đồng thực hiện, ước tính phải hơn 22,3 tỷ đồng.
Ngoài những ấn bản đề cập ở trên, Sở TT-TT còn thực hiện in nhiều ấn bản khác cũng với số lượng lên đến hàng triệu bản. Kinh phí in ấn đều được lấy từ nguồn ngân sách của TPHCM.
Trong bối cảnh cả nước căng mình chống chọi dịch bệnh, việc số tiền in các ấn bản tuyên truyền do cơ quan nhà nước thực hiện lại chênh lệch quá lớn so với giá thị trường và điều bất thường cần phải giải thích cho người dân được rõ.
Xót xa 12 người chết, 7 người bị thương trong trận mưa lũ tại tỉnh Quảng Bình, rốn lũ Lệ...
Tính đến chiều nay (31/10), mưa lũ tại tỉnh Quảng Bình đã làm 12 người chết, 7 người bị thương....
Ông bà dặn con cháu "trước cau sau chuối": Vậy trồng cây chuối trước nhà là phúc hay họa?
Theo người xưa, cây trồng trước nhà hay sau nhà đều có ý nghĩa phong thủy nhất định. ...
Vàng tăng không thể mua, người trẻ lấy chi phí đâu để… cưới?
Hôn nhân, khoảnh khắc lẽ ra phải tràn đầy niềm vui và sự chờ đợi lại trở nên ngoài tầm...
Mẹ bé Hải An hiến giác mạc cứu người: "6 năm trôi qua nhưng luôn cảm thấy con bên mình"
Sau hơn 6 năm kể từ khi con gái Hải An từ biệt cuộc sống và mang lại ánh sáng...