Đại diện trường, bà Nguyễn Thị Đoan Trang, Hiệu trưởng cho biết, tại lớp Mầm 3 có 2 bé mắc tay chân miệng. Một bé được phụ huynh phát hiện sốt và dấu hiệu của bệnh khi bé còn ở nhà ngày 21/9 đã báo ngay cho trường và không cho bé đến lớp.

Cô giáo lớp Mầm 3 cho biết, sáng 24/9, phát hiện thêm một bé mắc bệnh. Bé này khi đến trường, mẹ bé đã nhắc cô để ý vì bé hơi mệt. Do đã có 1 trường hợp tay chân miệng trước đó nên cô giáo theo dõi sức khỏe của bé rất sát. Đến khoảng 9h, bé bắt đầu sốt và kêu đau miệng, giáo viên đã gọi điện cho phụ huynh đến đón con đưa đi khám tại bệnh viện Nhi đồng.

Gia tăng số trẻ mắc tay chân miệng nặng phải nhập viện điều trị.

Ngay sau đó, nhà trường đã tiến hành vệ sinh bằng dung dịch Cloramin B với liều lượng gấp 10 lần theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế tại lớp Mầm 3; đồng thời, có nhắc nhở các phụ huynh chú ý theo dõi sức khỏe của con, không gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho các phụ huynh khác.

Kiểm tra các lớp học, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhắc nhở các cô giáo đặc biệt lưu ý việc cho trẻ rửa tay thường xuyên trước mỗi bữa ăn và sau khi đi vệ sinh cũng như việc khử khuẩn đồ chơi, đồ dùng cho trẻ; nhất là giường cá nhân cho bé ngủ trưa, bởi đây cũng là một trong những vật dụng dễ lây bệnh cho trẻ.

Cũng trong sáng 28/9, Sở Y tế TPHCM đã kiểm tra một điểm trông giữ trẻ gia đình trên địa bàn phường 1 (quận 10). Điểm giữ trẻ này hiện đang trông giữ 6 trẻ từ 24 – 26 tháng tuổi. Chủ nhóm trẻ cho biết, hàng tháng, phường đều xuống kiểm tra, nhắc nhở cơ sở thực hiện đúng các yêu cầu về vệ sinh, đảm bảo an toàn cho trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tại TP.HCM cho biết, năm 2018, bệnh tay chân miệng ở TPHCM diễn tiến tương tự như nhiều năm trước. Trong 2 tháng 7-8, bệnh nhân nhập viện có xu hướng tăng nhẹ theo chu kỳ với trung bình mỗi tuần có từ 140-190 ca.

Thăm hỏi các bé về viện giữ gìn vệ sinh phòng bệnh.

Tuy nhiên, trong 2 tuần giữa tháng 9, số ca bệnh tay chân miệng có hiện tượng tăng nhanh. Tại các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 có gần 60% là các ca bệnh đến từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Theo số liệu giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng tại TP.HCM từ 17-28/9, số ca bệnh tay chân miệng nhập viện tăng gần 50%, so với trung bình 4 tuần trước, tăng 130% so với tuần cùng kỳ năm 2017. Tổng số ca tay chân miệng nhập viện điều trị nội trú tính đến hết tuần 38 (từ 17-23/9) là 3.195 ca. 15.499 ca điều trị ngoại trú.

Tuy nhiên, trong mùa dịch bệnh năm nay đã bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus 71 (EV 71) – chủng virus đã gây ra vụ dịch tay chân miệng lớn trên cả nước những năm 2011. Điều này có thể là nguyên nhân làm số ca bệnh gia tăng nhanh chóng.

PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, cho biết có sự thay đổi về chủng thì sẽ xảy ra dịch. Chẳng hạn vào năm 2011 tại Việt Nam có hơn 70.000 trường hợp mắc và 145 trường hợp tử vong. Ở các nước lân cận có những năm lên đến gần 400 trường hợp tử vong. Như vậy, chúng ta thấy rằng sự gia tăng đột biến đó do vi rút Tay chân miệng EV 71 có sự chuyển đổi chủng từ C5 sang các nhóm gen C4.

Giữ gìn vệ sinh cho trẻ là cách phòng bệnh tốt nhất.

Đặc điểm của bệnh này chủ yếu ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi dễ dẫn đến các biến chứng của chủng EV71. Đối với người lớn là người lành mang trùng thì có tới 80% người lớn mắc tay chân miệng không có biểu hiện lâm sàng lây cho trẻ.

Loại vi rút này tương đối bền, có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Do đó, trong trường học, nếu xảy ra các ca nhiễm tay chân miệng thì trẻ bệnh phải được nghỉ học, cách ly đến trường tối thiểu 10 ngày. Nhà trường phải phòng ngừa ngay bằng cách vệ sinh khử khuẩn bằng Cloramin B và phải làm thường xuyên.

Để tránh lây nhiễm bệnh từ cộng đồng, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục – đào tạo triển khai các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại trường học, trong đó kiểm soát bệnh tay chân miệng được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là các trường mầm non.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin phòng bệnh. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và người chăm sóc trẻ, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.