Thời điểm kết hôn chồng kém tôi nhiều thứ, nhất là về khả năng kinh tế. Anh chỉ là người làm công ăn lương bình thường, sống hiền lành an phận, gia đình chồng cũng không giàu có. 

Tôi lúc ấy đã có tiền trong tay, không cần một người chồng làm ra nhiều tiền nữa, chỉ cần anh yêu thương vợ con, hướng về gia đình là đủ. Sau đám cưới, tôi chẳng tiếc lo toan sắm sửa cho nhà chồng. Bố mẹ chồng quý tôi lắm, coi con dâu như con gái. Tôi chỉ cần đi làm lo kinh tế, việc nhà cửa đã có bố mẹ chồng quán xuyến.

Tuy tôi phải vất vả bon chen nhưng đã quen rồi, tôi chỉ mong mọi thứ cứ mãi như vậy là mãn nguyện. Rồi tôi mang thai, niềm hạnh phúc vỡ òa. Tôi mang bầu nhưng vẫn làm việc bình thường, cũng may có mẹ chồng chăm chút từng li từng tí một. 

Ai ngờ được, khi tôi bầu 7 tháng thì công việc làm ăn đổ bể. Tôi dồn hết vốn liếng vào dự án đó nên khi dự án thua lỗ thì lâm vào phá sản. Chẳng những cơ nghiệp trong tay không còn lại gì mà tôi còn phải gánh món nợ 4 tỷ trên lưng. 

Ai ngờ được, khi tôi bầu 7 tháng thì công việc làm ăn đổ bể. (Ảnh minh họa)

Ngay khi sự việc vỡ lở, bố mẹ chồng đã bảo tôi và chồng làm thủ tục ly hôn: “Chỉ là ly hôn trên danh nghĩa thôi chứ không phải bố mẹ bảo hai đứa ly dị thật. Bây giờ con đang nợ nần, các chủ nợ sẽ tìm đến đây đòi tiền. Trong nhà có bao nhiêu cũng trả nợ hết, lúc con sinh bé ra thì lấy gì chăm sóc cho cháu mẹ. Bố mẹ chỉ nghĩ cho cháu mà thôi”.

Mẹ chồng nói thế rồi bảo tôi ký đơn ly hôn, sau đó dọn về nhà mẹ đẻ ở tạm một thời gian cho chủ nợ không tìm đến nhà chồng đòi tiền. Lúc nào mọi chuyện lắng xuống, tôi sinh con xong xuôi thì ông bà sẽ đón 2 mẹ con về chăm sóc. Đau đớn là chồng tôi cũng đồng ý với phương án đó. 

Tôi nhận ra mình bị nhà chồng và chồng rũ bỏ. Hóa ra chúng tôi chỉ có thể bên nhau khi sung sướng, hạnh phúc, còn lúc khó khăn hoạn nạn thì họ không muốn đồng hành cùng tôi. Một khi lòng người đã vậy, tôi cũng chẳng cố chấp níu kéo, nhanh chóng ký đơn ly hôn. Thời điểm tôi rời khỏi nhà chồng, bụng bầu đã được 8 tháng. 

Bố mẹ khóc hết nước mắt vì thương con gái. Ông bà bảo sẽ bán nhà cho tôi trả nợ, để tôi nhẹ gánh mà yên tâm sinh con, chăm con nhỏ. Tôi không đồng ý vì bán nhà rồi thì ông bà ở đâu. Giữa lúc rối ren đó, một người không ngờ tới bỗng tìm gặp, đó là em rể tôi!

Em gái và em rể tôi kết hôn cách đây 5 năm, hiện tại vẫn chưa sinh con vì em gái tôi sợ đẻ, lo nhan sắc xuống cấp. Nhưng qua lời em rể, tôi mới biết thực tế không phải vậy, nguyên nhân họ chưa sinh con là vì em rể bị vô sinh.

"Chị sinh em bé ra rồi để vợ chồng em nhận làm con được không? Em yêu vợ vô cùng, không muốn rời xa cô ấy mà cô ấy thì lại khao khát được làm mẹ. Nhưng em tin nếu là con của chị thì cô ấy cũng sẽ chấp nhận, dù sao cũng là cháu ruột mình. Chỉ cần chị đồng ý, em sẽ trả hết sạch nợ giúp chị, đồng thời còn tặng thêm chị một khoản vốn để gây dựng lại công việc làm ăn…".

Đề nghị của em rể sốc đến không tưởng khiến tôi không biết phải phản ứng thế nào. Tôi lập tức nói chuyện với em gái thì em tôi khóc bảo rằng em rể bị suy tinh hoàn. Gia đình em rể có điều kiện, đã cố gắng chạy chữa nhưng vẫn không thành công. Nếu tôi đồng ý với lời đề nghị của em rể, em gái sẽ rất vui và cố gắng nuôi dạy con tôi nên người. 

Về sống với em gái, con tôi sẽ được vợ chồng em ấy yêu thương, chăm sóc tốt, tôi thì cởi bỏ hoàn toàn áp lực tiền bạc. Nhưng lương tâm và tình thương của người mẹ ngăn không cho tôi đồng ý với em rể. Tôi đã từ chối vợ chồng em ấy mọi người ạ. Tuy nhiên em rể vẫn cho tôi vay một khoản tiền để trả bớt nợ. Em ấy tốt quá mà số phận lại không may mắn trong đường con cái. Nhìn em gái đau buồn, tôi rất thương. Với căn bệnh của em rể tôi, liệu còn hy vọng nào để sinh con không? 

Em ấy tốt quá mà số phận lại không may mắn trong đường con cái. (Ảnh minh họa)

Bị suy tinh hoàn có thể có con không?

Suy tinh hoàn là một trong những bệnh gây vô sinh ở nam giới. Vì tinh hoàn là nơi sản xuất ra tinh trùng nên khi tinh hoàn bị suy đồng nghĩa với việc số lượng và chất lượng tinh trùng giảm, thậm chí có thể dẫn đến tinh trùng bị yếu, chết nên khả năng bị vô sinh rất cao nếu không tiến hành điều trị kịp thời.

Nguyên nhân có thể do rối loạn một trong các thành phần của trục nội tiết dưới đồi - tuyến yên - tinh hoàn. Đây là bệnh lý bẩm sinh hay mắc phải gây nên hiện tượng các tế bào Leydig của tinh hoàn bị thoái triển, không sản xuất hoặc sản xuất được ít nội tiết tố testosterone trong cơ thể. 

Ngoài ra còn có các nguyên nhân tại tinh hoàn làm suy tinh hoàn như chấn thương, xoắn tinh hoàn gây dập nát hay xơ hóa tinh hoàn, viêm mạn tính gây xơ teo tinh hoàn. Những bệnh lý bẩm sinh hay mắc như tinh hoàn lạc chỗ, ung thư tinh hoàn, tinh hoàn ẩn, điều trị bằng phóng xạ đều làm thay đổi nhiệt độ của tinh hoàn và làm giảm số lượng, khối lượng các ống sinh tinh nên không sản xuất được tinh trùng và testosterone. Những người lạm dụng testosterone ngoại sinh làm ức chế tinh hoàn sản sinh testosterone tự nhiên. Suy tinh hoàn cũng nằm trong bệnh cảnh của một số bệnh khác suy chức năng tuyến yên, u hố sọ sau, suy tuyến giáp hay các bệnh lý về gen như hội chứng Turner, hội chứng Klinefelter.

LH, FSH là nội tiết tố hướng sinh dục do tuyến yên tiết ra có tác dụng kích thích tinh hoàn sản xuất tinh trùng và testosterone. Trong bệnh suy tinh hoàn, nếu testosterone máu giảm kết hợp với LH, FSH tăng, là nguyên nhân tại tinh hoàn. Tinh hoàn bị tổn thương thực thể nên teo nhỏ (có thể do viêm, chấn thương, lạc chỗ...) không đảm bảo được chức năng của nó mặc dù các hormon kích thích từ tuyến yên vẫn tiết ra đầy đủ.

Trên lâm sàng, có thể nhận thấy giảm ham muốn tình dục, không có tinh trùng, nhưng các đặc tính sinh dục phụ ít bị ảnh hưởng. Do tổn thương tại tinh hoàn nên tiên lượng điều trị cho những bệnh nhân này thường rất khó khăn.

Nếu testosteron máu giảm và LH, FSH giảm thì suy tinh hoàn có thể do nguyên nhân từ vùng dưới đồi, tuyến yên. Tổn thương từ vùng dưới đồi - tuyến yên nên lượng LH, FSH thiếu, không đủ để kích thích tinh hoàn sản xuất testosterone và sinh tinh trùng. Những trường hợp này cần được điều trị bằng các hormon hướng sinh dục (LH, FSH ngoại sinh) kết hợp với androgen. Đây cũng là các hormon tăng trưởng của cơ thể nên việc điều chỉnh nó cần được sự thăm khám và theo dõi của các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm. 

Điều trị bệnh suy tinh hoàn cần được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa, tránh tự ý dùng thuốc bừa bãi gây biến chứng nặng nề cho người bệnh.

Tin liên quan