Hà Nội bổ sung 2.648 biên chế viên chức giáo dục

HĐND TP Hà Nội đã chính thức ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND của HĐND TP tại Kỳ họp thứ 15 khóa XVI về việc Điều chỉnh tổng biên chế sự nghiệp TP Hà Nội. Tổng biên chế viên chức hưởng lương ngân sách Nhà nước là 116.185 biên chế. 

Trong đó bao gồm số biên chế viên chức theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 6/12/2023 của HĐND TP là 113.537 biên chế; số biên chế viên chức giáo dục được bổ sung theo Quyết định số 2362-QĐ/BTCTƯ ngày 6/12/2023 của Ban Tổ chức Trung ương về biên chế của TP Hà Nội năm 2024 và Quyết định số 6057-QĐ/TU ngày 13/12/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tổng biên chế của hệ thống chính trị TP Hà Nội năm 2024 là 2.648 biên chế.

Nghị quyết của HĐND TP cũng giao bổ sung 2.648 biên chế viên chức giáo dục từ năm học 2023 - 2024, phân bổ cho Sở GD&ĐT, UBND quận, huyện, thị xã.

Trong đó, biên chế viên chức các trường THPT 447 biên chế; biên chế viên chức các trường THCS là 1.033 biên chế; biên chế viên chức các trường tiểu học 977 biên chế; biên chế viên chức các trường mầm non 191 biên chế.

HĐND thành phố giao UBND thành phố tổ chức triển khai giao bổ sung biên chế viên chức giáo dục theo đúng Nghị quyết của HĐND thành phố, đảm bảo đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch.

Nghị quyết bổ sung 447 biên chế cho Sở GD&ĐT; bổ sung cho 17 quận, huyện như sau: quận Hà Đông bổ sung 505 chỉ tiêu; Hoàng Mai 490 chỉ tiêu; Thanh Xuân 296; Thanh Trì 159 chỉ tiêu; Nam Từ Liêm 144 chỉ tiêu; Long Biên 132 chỉ tiêu; Bắc Từ Liêm 83 chỉ tiêu; Cầu Giấy 93 chỉ tiêu; Chương Mỹ 54 chỉ tiêu; Tây Hồ 44 chỉ tiêu; Mê Linh 44 chỉ tiêu; Thường Tín 44 chỉ tiêu; Mỹ Đức 42 chỉ tiêu; Đan Phượng 21 chỉ tiêu; Đông Anh 19 chỉ tiêu; Gia Lâm 16 chỉ tiêu; Thanh Oai 15.

 

Hà Nội bổ sung 2.648 biên chế viên chức giáo dục từ năm học 2023-2024. Ảnh minh họa: THPD

Giáo viên là công chức hay viên chức?

Căn cứ Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2019, công chức là người làm việc tại các cơ quan, đơn vị sau đây:

- Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;

- Cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng;

- Trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an.

Viên chức theo Điều 2 Luật Viên chức năm 2010:

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Từ đó, có thể thấy, viên chức là người làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật còn công chức là người được bổ nhiệm, tuyển dụng vào các cơ quan nêu trên.

Trong đó, các đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị… thành lập, có tư cách pháp nhân, thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục… trực thuộc các bộ.

Quy định về giáo viên thì theo Khoản 1, Điều 66 Luật Giáo dục năm 2019, giáo viên là người dạy các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, dạy trình độ sơ cấp, trung cấp, đại học…

Như vậy, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, sơ cấp, trung cấp, đại học… thuộc lĩnh vực nghề nghiệp giáo dục nếu trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sẽ là đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng nghĩa với đó, giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ là viên chức.

Biên chế giáo viên là gì?

Vấn đề biên chế được đặt ra với cán bộ, công chức và viên chức. Do đó, biên chế giáo viên sẽ được hiểu là biên chế của viên chức.

Viên chức là các đối tượng được định nghĩa tại Điều 2 Luật Viên chức năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2019:

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Như vậy, không giống cán bộ, công chức có chế độ biên chế mà viên chức nói chung và giáo viên nói riêng không có chế độ biên chế. Việc gọi biên chế giáo viên chỉ là cách để mọi người gọi giáo viên là viên chức ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, trước đây chỉ có Khoản 2, Điều 2 Nghị định 71/2003/NĐ-CP (đã hết hiệu lực) có đề cập đến biên chế sự nghiệp:

Biên chế sự nghiệp là số người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch viên chức hoặc giao giữ một nhiệm vụ thường xuyên trong các đơn vị sự nghiệp Nhà nước về giáo dục và đào tạo, khoa học, y tế, văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao và các đơn vị sự nghiệp khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập để phục vụ nhiệm vụ quản lý Nhà nước hoặc để thực hiện một số dịch vụ công của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hiện nay, văn bản này đã hết hiệu lực và văn bản thay thế không còn đề cập đến vấn đề này nữa.

Căn cứ các quy định trên, có thể hiểu biên chế của giáo viên là chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được ký kết giữa giáo viên là viên chức và đơn vị sự nghiệp công lập.

Đặc biệt, theo quy định hiện nay, không phải giáo viên là viên chức nào cũng được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Đồng nghĩa, không phải giáo viên nào cũng được hưởng "biên chế suốt đời".

Giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ là viên chức. Ảnh minh họa: TL

Giáo viên được hưởng chế độ biên chế viên chức thế nào?

Theo Điều 25 Luật Viên chức 2010 (được sửa đổi bởi Khoản 2, Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) quy định về các loại hợp đồng làm việc của viên chức như sau:

03 đối tượng giáo viên được hưởng chế độ biên chế viên chức:

- Giáo viên được tuyển theo chế độ viên chức trước ngày 01/7/2020;

- Là cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện theo quy định;

- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Quyền lợi của viên chức

Viên chức được pháp luật bảo đảm quyền khi hoạt động nghề nghiệp:

- Được pháp luật bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp.

- Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

- Được bảo đảm trang bị, thiết bị và các điều kiện làm việc.

- Được cung cấp thông tin liên quan đến công việc hoặc nhiệm vụ được giao.

- Được quyết định vấn đề mang tính chuyên môn gắn với công việc hoặc nhiệm vụ được giao.

- Được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật.

- Được hưởng các quyền khác về hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Viên chức được đảm bảo về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương:

- Được trả lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc làm việc trong ngành nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù.

- Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

- Được hưởng tiền thưởng, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Viên chức được đảm bảo về quyền nghỉ ngơi:

- Viên chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ.

- Viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ phép của 02 năm để nghỉ một lần; nếu gộp số ngày nghỉ phép của 03 năm để nghỉ một lần thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

- Đối với lĩnh vực sự nghiệp đặc thù, viên chức được nghỉ việc và hưởng lương theo quy định của pháp luật.

- Được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Viên chức được đảm bảo các quyền về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định:

- Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

- Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Ngoài những quyền được nêu ở trên, viên chức còn được đảm bảo những quyền khác khi làm việc trong biên chế như quyền được khen thưởng, tôn vinh, được tham gia hoạt động kinh tế xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở; được tạo điều kiện học tập hoạt động nghề nghiệp ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật. Trường hợp bị thương hoặc chết do thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao thì được xét hưởng chính sách như thương binh hoặc được xét để công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật.

Tin liên quan