Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh quái ác, các tế bào ung thư xuất hiện ở phần nối giữa tử cung và âm đạo. Theo thống kê, đây là một trong những căn bệnh có nguy cơ gây tử vong hàng đầu đối với phụ nữ. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng hơn 500.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, trong đó có khoảng 250.000 ca rơi vào tử vong. Ở Việt Nam, căn bệnh ung thư cổ tử cung cũng được cảnh báo là vô cùng nguy hiểm. Mỗi ngày, nước ta có thêm 14 ca mắc mới, trong đó có khoảng 7 ca tử vong.

Để ngăn ngừa được số ca mắc ung thư cổ tử cung tăng lên, trong hội thảo “Vắc xin HPV, nhìn lại 10 năm an toàn và hiệu lực cộng đồng” do Hội Y học Dự phòng Việt Nam và Viện Pasteur TP.HCM tổ chức vào ngày 18/3/2018, các chuyên gia, bác sĩ khuyên các chị em phụ nữ nên đi tiêm phòng vắc xin HPV theo chỉ định. Bởi vì tiêm vắc xin ngăn ngừa virus HPV chính là cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung đơn giản và hiệu quả nhất hiện nay.

Nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung khi nào?

Nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung trong độ tuổi 9-26

Theo các chuyên gia, bác sĩ, vắc xin HPV được chỉ định tiêm cho nữ giới trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi, bất luận đã từng quan hệ tình dục hay chưa. Đi tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung càng sớm càng tốt, thường có hiệu quả kéo dài đến 30 năm.

Với những người đã từng bị nhiễm virus HPV, vẫn nên tiêm phòng vắc xin ngăn ngừa HPV. Bởi vì chúng ta rất dễ tái nhiễm virus HPV – nghĩa là ngay cả khi virus bị đào thải thì cơ thể vẫn có khả năng nhiễm lại chúng. Hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể không đủ để phòng được tái nhiễm. Vì thế việc bạn đã từng bị nhiễm một type HPV nào trước đây thì vẫn nên tiêm phòng vắc xin để được bảo vệ tránh lây nhiễm những type HPV khác.

Trước khi tiêm phòng ung thư cổ tử cung, các chị em nên khám phụ khoa và làm các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung trước. Nếu đủ điều kiện thì cần phải tiêm ngừa ung thư cổ tử cung đủ 3 mũi và tiêm theo đúng lịch trình để đảm bảo hiệu lực của thuốc. Trong quá trình tiêm, nếu tiêm muộn hơn so với lịch tiêm thì cần phải bổ sung ngay mũi tiếp theo sớm nhất có thể và không nhất thiết phải tiêm lại từ đầu.

Trước khi tiêm phòng nên tham khảo ý kiến bác sĩ

Có một điều các chị em cần ghi nhớ đó là việc tiêm phòng HPV không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh. Vì thế chị em vẫn cần tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, đồng thời thực hiện quan hệ tình dục an toàn để có thể phòng tránh ung thư cổ tử cung tốt nhất. Bên cạnh đó, sau khi tiêm phòng HPV, các chị em vẫn cần duy trì việc khám sức khỏe và kết hợp với tầm soát ung thư định kỳ. Điều này giúp các chị em sớm phát hiện và phòng ngừa các triệu chứng của mọi loại bệnh phụ khoa cũng như ung thư cổ tử cung.

Tiêm phòng ung thư cổ tử cung cần kiêng gì?

Sau khi tiêm phòng ung thư cổ tử cung, các chị em cần phải lưu ý một số điều sau đây:

+ Kiêng mang thai: Các chị em không nên mang thai ngay sau khi tiêm phòng vắc xin. Nếu có dự định mang thai thì sau khi tiêm lần thứ 3 (có nghĩa là tiêm mũi cuối), khoảng 3 tháng sau các chị em mới nên thụ thai. Trong trường hợp tiêm phòng rồi mới phát hiện có em bé thì cần phải tiến hành làm các xét nghiệm siêu âm, khám thai đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, có được lời khuyên và tư vấn chuẩn xác, để xác suất em bé bị dị tật là thấp nhất.

Khi tiêm phòng ung thư cổ tử cung thì nên kiêng quan hệ tình dục

+ Hạn chế quan hệ tình dục: Thực tế không có các khuyến cáo là không được quan hệ khi tiêm phòng ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì trong thời gian thực hiện việc chích ngừa vắc xin phòng ung thư cổ tử cung thì nên kiêng quan hệ tình dục vì lúc này vắc xin chưa tạo ra kháng thể, nên vẫn có khả năng lây nhiễm bệnh cho nhau.

Với những chị em nhạy cảm với bất kì thành phần nào của vắc xin hay bị viêm nhiễm phụ khoa nặng, đang bị các vấn đề về đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu thì không nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung. Nếu tiêm thì các trường hợp này phải theo sự cho phép của bác sĩ hỗ trợ điều trị, để tránh xảy ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn.