Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư

Ung thư là bệnh của xã hội hiện đại, người bệnh ung thư đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt tại Việt Nam khi tỷ lệ bệnh nhân mặc bệnh chiếm 70% là bệnh nặng, điều trị ung thư hiệu quả thấp lại tốn kém.

Điều này là nguyên nhân khiến tỷ lệ bệnh nhân ung thư ở Việt Nam tử vong cao hơn so với tỷ lệ mắc. Những bệnh ung thư phổ biến ở nước ta gồm ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú.

So với 10 năm trước, tỷ lệ điều trị ung thư thành công cao hơn. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn cho rằng giai đoạn bệnh là quan trọng. Bệnh nhân ở giai đoạn 3, 4 thể trạng đã rất yếu, điều trị ung thư đòi hỏi nhiều phương pháp và các phương pháp đều ít nhiều ảnh hưởng tới người bệnh. Vì thế, bệnh nhân không chịu nổi tác dụng phụ của quá trình điều trị ung thư.

Trên thế giới, các kỹ thuật cho điều trị ung thư vẫn đang phát triển từng ngày. Năm 2018, giải Nobel y học dành cho hai nhà khoa học tìm ra liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư được xem là mở ra cơ hội mới cho bệnh nhân ung thư.

Tại trường Đại học Y Hà Nội, Giáo sư Tạ Thành Văn và các cộng sự của ông đã đưa về thử nghiệm liệu pháp miễn dịch. Theo Giáo sư Văn, liệu pháp này được kế thừa của nhiều nhà khoa học trên thế giới.

Liệu pháp tế bào tự thân là phương pháp mới trong điều trị ung thư - Ảnh minh họa: Internet

Liệu pháp được sử dụng trên người thử nghiệm từ năm 2017 được thực hiện tại Bệnh viện K Hà Nội và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Đến nay, phương pháp trị liệu này đã mang lại nhiều kết quả khả quan. 

Giáo sư Văn cho biết liệu pháp miễn dịch trị liệu đang thử nghiệm này là nâng cao hệ miễn dịch cho người. Hệ miễn dịch có hai đáp ứng miễn dịch là miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể. Trong đó, điều trị miễn dịch đang được quan tâm nhiều. Tăng cường miễn dịch cho tế bào hay miễn dịch dịch thể hoặc kết hợp cả hai.

GS Văn nôm na phương pháp này là tăng cường nội lực cho chính người bệnh. Khi nội lực khoẻ sẽ góp phần chống chọi với bệnh ung thư.

Các nhà khoa học sẽ lấy 10 – 30 ml máu. Trong số máu này có vài triệu tế bào trong 2 tuần sẽ nhân lên và biệt hoá tế bào và có thể nhân lên tới hàng tỷ, thậm chí 10 tỷ. Với số lượng tế bào lớn như thế sẽ truyền lại cho người bệnh và giúp sức đề kháng của người bệnh cao lên. Sức đề kháng cao thì tế bào ung thư cũng không còn cơ hội phát triển. 

Qua thử nghiệm, chất lượng cuộc sống của người bệnh nâng lên rõ rệt, đặc biệt là thể trạng. Giáo sư Văn cho biết liệu pháp này vẫn trong quá trình đánh giá và để đánh giá lâu dài, so sánh kích thước của khối u trước và sau khi điều trị nhằm mục đích đưa ra nhận định điều trị cho bệnh nhân.

Dự kiến cuối năm 2019, thử nghiệm lâm sàng này sẽ kết thúc. Sau đó nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo hội đồng khoa học của Bộ Y tế để đánh giá hiệu quả và có quyết định sử dụng rộng rãi trong các cơ sở điều trị ung thư hay không. Trước mắt, GS Văn cho biết liệu pháp này cũng có nhiều hứa hẹn trong tương lai. 

Bệnh nhân ung thư nào có cơ hội? 

Về vấn đề này, PGS Trần Huy Thịnh, Phó Trưởng Bộ môn Hóa - Sinh, Đơn vị Tế bào trị liệu Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết việc điều trị sử dụng phương pháp hỗ trợ kích hoạt khả năng miễn dịch của chính người bệnh. 

GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội - Ảnh: Internet

Trên cơ thể khoẻ mạnh, xác suất ung thư giảm, hiệu quả điều trị ung thư cũng tăng lên. Khi thực hiện nghiên cứu này, PGS Thịnh cho biết ung thư cần điều trị đa mô thức, nhiều phương pháp khác nhau và phải điều trị toàn diện từ tế bào ung thư đến tinh thần cho người bệnh. Điều trị nâng cao thể trạng của người bệnh để họ theo được các liệu trình, biện pháp can thiệp điều trị vô cùng quan trọng. Liệu pháp miễn dịch này nhắm tới điều đó để hỗ trợ bệnh nhân. 

Việc sử dụng tế bào tự thân để điều trị ung thư hiện nay đang triển khai trên 5 bệnh ung thư phổ biến là ung thư phổi, ung thư gan, ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng. Giai đoạn thử nghiệm là giai đoạn 3 và giai đoạn 4. Bộ Y tế có đưa ra chỉ tiêu chuyên môn nên các bệnh nhân đều được xem xét tiêu chí phù hợp.

Tuy nhiên, các bệnh nhân ung thư khác nếu có mong muốn điều trị có thể đến để bác sĩ nghiên cứu, đánh giá chuyên môn và có thể lựa chọn người bệnh. PGS Thịnh cho biết đây là phương pháp mở dành cho nhiều bệnh nhân ung thư.