Bữa cơm Tất Niên - nét văn hóa của người Việt

Nhà sử học Dương Trung Quốc từng cho rằng: "Bữa cơm tất niên không phải nghi lễ ngày Tết song đó là phong tục của người dân Việt Nam. Đây không phải là lễ bắt buộc nên có nhiều nhà không có bữa cơm này, song lại là dịp cần thiết để mỗi gia đình sum họp, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, gặp gỡ những người con cháu ở xa sau một năm”.

Bữa cơm tất niên không phải nghi lễ ngày Tết song đó là phong tục của người dân  - Ảnh minh họa: Internet

Bên cạnh việc cúng Tất niên thì thực đơn mâm cơm cúng tất niên là nét văn hoá đã in đậm trong tâm trí nhiều người Việt và trở thành sợi dây liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình mỗi khi Tết đến, xuân về.

Ý nghĩa của thực đơn Tất Niên tại nhà

Trong dịp Tết Nguyên Đán, bữa cơm tất niên mang ý nghĩa tư tưởng truyền thống sâu sắc. “Mùi Tết” ấm áp từ bữa cơm tất niên lan tỏa là thời khắc tình cảm con người tuôn trào, không chỉ có vậy bữa cơm tất niên còn có nhiều ý nghĩa tâm linh. 

Theo quan niệm truyền thống bữa cơm cuối cùng của năm là để tiễn biệt năm cũ, ăn xong người ta sẽ bỏ qua mọi muộn phiền của năm cũ, những giận hờn cũng sẽ xóa bỏ từ đây.

Mâm cơm cúng tất niên là nét văn hoá đã in đậm trong tâm trí nhiều người Việt - Ảnh minh họa: Internet

Mâm cơm tất niên còn là tục lệ truyền thống rước ông Công ông Táo về lại nhà coi sóc việc bếp núc của gia chủ. Ngoài ra, đây cũng là bữa cơm để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những người đã khuất trong gia đình. 

Có thể ra mộ của bậc trên đã khuất thắp hương với mong muốn rước ông bà tổ tiên về cùng ăn tết hoặc cũng có thể thắp hương cúng tất niên ngay tại gia đình.

Chuẩn bị và bố trí mâm cúng tất niên như thế nào?

Lễ tất niên thường được tiến hành vào chiều ngày 30 Tết. Trong ngày 30 Tết, nhà nhà đều dọn dẹp để chuẩn bị đón Tết. Sau khi công việc chuẩn bị cho gia đình một cái Tết đầm ấm, thiêng liêng, vui vẻ xong thì phải chuẩn bị thực đơn mâm cơm cúng Tất niên. Mâm lễ cúng Tất niên thường gồm:

  • Hương, vàng mã.
  • Đèn nến.
  • Trầu cau.
  • Rượu.
  • Bánh chưng.
  • Cỗ mặn với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon, tinh khiết, trang trí bày biện đầy đặn, trang nghiêm.

Cách nấu mâm cơm cúng theo từng vùng miền

Thực đơn mâm cơm cúng Tất Niên miền Bắc

Mâm cơm tất niên còn là tục lệ truyền thống rước ông Công ông Táo về lại nhà - Ảnh minh họa: Internet

Trước đây, mâm cỗ miền Bắc nói chung và mâm cỗ tất niên nói riêng bao giờ cũng đủ 6 bát: măng, bóng, mực, nấm thả, miến, mọc và 8 đĩa: thịt gà luộc, giò lụa, chả quế, trứng muối, dưa hành, bánh chưng, lòng gà xào dứa và cá kho. 

Hiện nay, mâm cỗ Tết miền Bắc theo đúng bài bản, thường thì 4 bát, 4 đĩa. Cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa… có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng.

Bốn bát gồm: Bát giò heo hầm măng, lưỡi lợn, bát bóng thả, bát miến, bát mọc.

Bốn đĩa gồm: Đĩa thịt gà, đĩa thịt heo, đĩa giò lụa, đĩa chả quế.

Thực đơn mâm cơm cúng Tất Niên miền Trung

Lễ tất niên thường được tiến hành vào chiều ngày 30 Tết - Ảnh minh họa: Internet

Các món ăn truyền thống miền Trung trong dịp Tết Nguyên Đán gồm: bánh chưng, bánh tét và có nhiều món ăn được chế biến gồm đủ các thành phần để có bữa cỗ “hào soạn” gồm: Đĩa dưa món, đĩa giò lụa Huế, đĩa gà bóp rau răm, đĩa thịt đông, đĩa chả Huế, đĩa thịt heo luộc, giá chua, bát ninh măng khô, bát miến Huế, đĩa cá chiên, hay đĩa thịt ram

Thực đơn mâm cơm cúng Tất Niên miền Nam

Theo quan niệm truyền thống bữa cơm cuối cùng của năm là để tiễn biệt năm cũ - Ảnh minh họa: Internet

Mâm cỗ tất niên miền Nam gồm bánh tét kèm với đĩa củ cải ngâm nước mắm, canh măng nấu (dùng măng tươi thay cho măng khô), thêm bát canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu (thịt heo, trứng với nước dừa), đĩa thịt heo luộc, đĩa gỏi tôm thịt, đĩa nem, đĩa chả giò, đĩa dưa giá, củ kiệu.

Hướng dẫn một số món ăn khác cho bữa cơm Tất niên thêm vẹn tròn

Bữa cơm tất niên mang ý nghĩa tư tưởng truyền thống sâu sắc - Ảnh minh họa: Internet

Gà nướng nguyên con thơm phức

Nguyên liệu

  • 1 con gà ta.
  • 1 củ cà rốt.
  • 3 củ khoai tây.
  • 1 củ hành tây.
  • Gia vị: 2 muỗng canh nước sốt đậu nành, 3 muỗng canh nước sốt thịt nướng, muối vừa ăn, 1 muỗng canh dầu ô liu, 1 muỗng cà phê hạt tiêu đen, 1 muỗng canh tỏi băm nhỏ, 1 muỗng canh rượu mirin có thể mua trong cửa hàng đồ Nhật).

Cách làm

Gà sau khi mổ xong, bổ dọc theo ức rồi bẻ dẹt ra. Gà chặt bỏ đầu, cắt bỏ phao câu và chân, rửa sạch sẽ. Trộn đều tất cả các loại gia vị trong một tô lớn, sau đó phết lên khắp mình gà, dùng tay bóp thấu cho gia vị dễ thấm. Để thịt gà thấm, trước khi ướp, bạn dùng mũi dao hoặc tăm đầu nhọn đâm thành nhiều lỗ nhỏ trên thân gà. Lặp lại thao tác này chừng 5 – 7 phút cho thịt gà thấm vị. 

Sau đó cho gà vào trong một túi nilon, đổ nốt phần gia vị còn thừa vào, buộc kín túi gà rồi xóc đều lại lần nữa. Đặt gà vào ngăn mát tủ lạnh, để qua đêm. Khoai tây, hành tây và cà rốt cắt miếng lớn, cho vào trong nồi to, thêm muối, dầu ô liu và hạt tiêu đen vào trộn đều.

Lấy gà ra khỏi tủ, đặt lên trên nồi rau củ. Dùng dây lạt buộc chặt hai khớp đầu gối của gà lại với nhau để tránh gà bị biến dạng trong quá trình nướng. Bọc kín phần đầu cánh gà bằng giấy nhôm.

Làm nóng lò trước đến 220 độ C, đặt nồi gà vào nướng trong 20 phút. Sau đó lấy gà ra, lật ngược con gà và tiếp tục nướng nốt mặt còn lại. Sau 20 phút, lại lấy nồi gà ra, lật úp nó một lần nữa và nướng trong 20 phút.

Trong quá trình nướng, nước từ thịt gà tiết ra ngấm trực tiếp vào rau củ nướng bên dưới nên phần rau củ này rất thơm và hương vị thì vô cùng đặc biệt. Nếu lò nướng của bạn không đủ lớn, bạn có thể đặt trực tiếp gà lên khay nướng và xếp rau củ xung quanh.

Bạch tuộc hấp hành gừng

Nguyên liệu

  • 300g bạch tuộc
  • 1 lóng gừng nhỏ
  • 2 nhánh hành lá
  • Muối, nước mắm, tỏi, ớt quả, đường.

Cách làm

Bạch tuộc lôi bỏ túi mực, cho vào rổ, thêm vào một thìa nhỏ muối, dùng tay chà xát để bạch tuộc ra hết chất nhờn, để khoảng 5 phút sau đó rửa lại cho thật sạch. Gừng cạo vỏ, thái sợi. Hành lá, lấy phần đầu hành, thái sợi nhỏ.

Cho bạch tuộc, gừng, đầu hành vào bát lớn hay đĩa sâu lòng, cho vào nồi hấp cách thủy. Bạn có thể cắt bạch tuộc làm đôi hoặc giữ nguyên con, khi dùng thì cắt nhỏ. Đun sôi nước, hấp cách thủy từ 5 đến 10 phút, khi bạch tuộc chuyển màu đậm thì gắp ra đĩa, dùng nóng với nước mắm pha tỏi ớt.

Canh khoai tây nấu nấm

Nguyên liệu

  • 1 củ cà rốt.
  • 3 củ khoai tây.
  • 200gr nấm (nấm rơm, nấm nút hoặc nấm kim châm…).
  • 200 ml nước dùng xương hoặc nước dùng gà.

Cách làm

Khoai tây cắt miếng vừa ăn. Cà rốt cắt khoanh tròn nhỏ. Nấm xắt mỏng. Nước xương hoặc nước gà có thể ninh để sẵn bắc lên bếp chờ nước sôi thì cho khoai tây cùng cà rốt vào, nêm nếm cho vừa ăn.

Đợi 5 phút hãy cho nấm vào, nước sôi lại thì tắt bếp, rắc chút hành lá cho thêm đậm đà mùi vị. Múc canh khoai tây nấu nấm ra bát, dùng nóng.

Quanh năm chỉ có ngày Tết mới được thưởng thức nhiều món như vậy. Bên cạnh đó thực đơn mâm cơm cúng Tất niên còn thể hiện sự no ấm, hạnh phúc của mỗi gia đình, cũng như ước mong một năm mới đầy đủ, thịnh vượng và phát đạt. Ngày nay cuộc sống có phần khá giả hơn, những món ăn truyền thống đó được các mẹ nấu ăn hàng ngày. Việc thưởng thức những món ăn trên không còn quá xa lạ với tất cả mọi người.