Hồi hộp (đánh trống ngực) là triệu chứng thường gặp cho thấy cảm giác bất an và khiến mọi người lo lắng. Triệu chứng này thường gặp ở người bị bệnh tim. Như vậy, hồi hộp có phải là dấu hiệu của bệnh tim? Những trao đổi với bác sĩ Huỳnh Minh Nhật dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này.

Hồi hộp (đánh trống ngực) là triệu chứng thường gặp cho thấy cảm giác bất an và khiến mọi người lo lắng - Ảnh minh họa: Internet

Cảm giác hồi hộp ở người bệnh tim

Đánh trống ngực là một trong những triệu chứng thường gặp ở người mắc bệnh tim mạch. Đây là hậu quả của bệnh van tim, bệnh động mạch vành hay bệnh viêm cơ tim.

Đánh trống ngực là một trong những triệu chứng thường gặp ở người mắc bệnh tim mạch - Ảnh minh họa: Internet

Theo đó, khi bị tim mạch, chỉ cần lo lắng nhẹ là bạn có thể bị đánh trống ngực. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là rối loạn nhịp tim bao gồm: Tình trạng ngoại tâm thu, cơn nhịp nhanh kịch phát, rối loạn thần kinh tim,... 

Những người bị bệnh tim nên tránh cảm giác hồi hộp để không nguy hại đến sức khỏe. Trường hợp người mắc bệnh tim thường xuyên bị đánh trống ngực, phải đi khám bác sĩ để được kiểm tra tình trạng sức khỏe và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Cảm giác hồi hộp ở người khỏe mạnh có nguy hiểm không?

Những người khỏe mạnh thường không thể nghe thấy tiếng đập nhịp nhàng của trái tim. Trong trường hợp hoạt động gắng sức, căng thẳng, xúc động quá mức hay hoạt động tình dục, họ sẽ cảm thấy đánh trống ngực.

Trong trường hợp hoạt động gắng sức, căng thẳng, xúc động quá mức hay hoạt động tình dục, người khỏe mạnh sẽ cảm thấy đánh trống ngực - Ảnh minh họa: Internet

Đây là hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể. Nguyên nhân dẫn đến trống ngực ở những người bình thường là tim hoạt động quá mức khiến nó đập nhanh và tăng co bóp. Tuy nhiên, việc quá lo âu bị mắc bệnh tim khi có cảm giác đánh trống ngực cũng làm gia tăng nhịp tim và sự co bóp cơ tim gây khó thở, tức nghẹn vùng ngực.

Trong một vài trường hợp, đánh trống ngực cũng là dấu hiệu của bệnh cường giáp, thiếu máu hay rối loạn nhịp tim.

Đặc biệt, trường hợp nam giới từ 30 tuổi trở lên, hơi béo mà thường xuyên bị hồi hộp, đánh trống ngực thì có thể mắc bệnh tim mạch do xơ vữa. Đồng thời, khi thường xuyên bị đánh trống ngực kết hợp với hay mệt, khó thở, phù chân,... thì đó là dấu hiệu của bệnh tim mạch. Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chuẩn đoán chính xác và có cách điều trị sớm nhất.

Trường hợp nam giới từ 30 tuổi trở lên, hơi béo mà thường xuyên bị hồi hộp, đánh trống ngực thì có thể mắc bệnh tim mạch do xơ vữa - Ảnh minh họa: Internet

Việc chuẩn đoán những rối loạn nhịp gây ra triệu chứng đánh trống ngực không khó khăn. Các bác sĩ sẽ bắt mạch, đo điện tâm đồ và siêu âm để biết được tình trạng sức khỏe của quả tim.

Trao đổi với Phụ nữ sức khỏe, Ths.Bs Huỳnh Minh Nhật - Khoa Hồi sức Tim mạch bệnh viện quận Thủ Đức (TP HCM) cho biết: "Khi thường xuyên bị đánh trống ngực, bạn nên đi khám bác sĩ để thực hiện đo điện tim để biết chính xác. Lưu ý, trường hợp nam giới trên 30 tuổi và thường xuyên bị đánh trống ngực dễ bị mắc các bệnh tim mạch do xơ vữa hơn".

Ths.Bs Huỳnh Minh Nhật - Khoa Hồi sức Tim mạch bệnh viện quận Thủ Đức (TP HCM)

Cách nhận biết bệnh tim mạch do xơ vữa

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm trên thế giới. Trong đó, nhóm bệnh tim mạch do xơ vữa đứng đầu trong danh sách các nguyên nhân gây tử vong.

Bác sĩ Hoàng Minh Nhật chia sẻ: "Xơ vữa động mạch là quá trình không thể tránh được nên chúng ta phải có những biện pháp làm chậm sự phát triển của bệnh.

Cách tốt nhất là đi khám sức khỏe định kì để lọc ra yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch do xơ vữa và điều trị kịp thời. Theo khuyến cáo chung của các hội tim mạch uy tín trên thế giới, bạn nên bắt đầu tầm soát nguy cơ bệnh tim mạch do xơ vữa từ 20 tuổi trở đi".

Cách tốt nhất là đi khám sức khỏe định kì để lọc ra yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch do xơ vữa và điều trị kịp thời - Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, do mọi người có điều kiện kinh tế khó khăn nên việc tầm soát bệnh tim mạch còn hạn chế. Đồng thời, kết hợp với lối sống ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm đóng gói, sinh hoạt không điều độ đã khiến bệnh tim mạch gia tăng và bị trẻ hóa.

"Điều kiện kinh tế còn khó khăn là nguyên nhân cơ bản khiến người dân ít quan tâm đến sức khỏe và không đi khám để nhận biết bệnh sớm nhất. Để giải quyết tình trạng này, bạn nên mua BHYT và khám sức khỏe thường xuyên để biết chỉ số huyết áp, mỡ máu, đường huyết. Nếu có kết quả xét nghiệm bất thường, bác sĩ sẽ cho khám chuyên khoa.

Đồng thời, bạn nên tự đo cân nặng, tính BMI (chỉ số khối của cơ thể), đo vòng bụng. Nếu thấy bất thường phải đi khám bác sĩ để biết chính xác tình trạng sức khỏe" - Bác sĩ Huỳnh Minh Nhật khuyên.

Như vậy, để sớm nhận biết bệnh tim mạch, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên để có những chuẩn đoán chính xác nhất.

Nếu không có điều kiện kinh tế, bạn có thể tự đo các chỉ số của cơ thể để phát hiện sớm sự bất thường và đi khám bác sĩ. Bên cạnh đó, bạn nên chủ động phòng ngừa bệnh tim mạch thông qua điều chỉnh lối sống và sinh hoạt lành lạnh.