Theo ghi nhận của phóng viên Phụ nữ sức khỏe tại TP.HCM, ở nhiều trụ điện, con hẻm trên các tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), Nguyễn Thị Tú (quận Bình Tân)…xuất hiện tràn lan những tờ rơi, quảng cáo nhận vệ sinh, bảo trì máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh với giá "siêu rẻ" và "đến tận nhà, không ngại xa".


Những mẫu quảng không rõ địa chỉ được dán trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Thiên Nam

Qua tìm hiểu, nhiều người sau khi sử dụng những dịch vụ kiểu này không những "tức cành hông" mà còn tốn thêm nhiều tiền ngoài dự kiến.

Dễ mất tiền oan

Cụ thể, Chị N.T.H. (quận Thủ Đức) kể, hè năm trước nhà chị có mua một cái máy giặt lồng ngang. Đến hè năm nay, do nhu cầu giặt quần áo tăng cao, máy dùng lâu ngày có vẻ yếu nên chị có ý định gọi thợ về bảo trì. Sau đó, chị H. bắt gặp một mẫu quảng cáo được dán trong con hẻm gần nhà và liên hệ thợ tới vệ sinh, bảo trì máy.

Thợ đến trễ một ngày so với hẹn. Do thợ tới bất ngờ, chị H. bận việc nhà nên bảo con trai đang học lớp 7 dẫn thợ ra sau sửa chữa. Sau khi sửa xong, người thợ này lấy phí 400.000 đồng tiền công. Thợ bảo trì này cho biết có thay một vài chi tiết nhỏ, thấy chị H. bận nên không báo.

Chưa đầy một tháng, máy có tiếng kêu cọt kẹt khi hoạt động, chị H. tiếp tục liên hệ thì thợ hẹn sáng sẽ tới nhưng mãi đến chiều mới qua. Sau khi kiểm tra, người thợ báo máy hỏng bộ quay không chữa hết tiếng cọt kẹt được và người này đề nghị sẽ mua lại với giá 800.000 đồng. Chị H. không đồng ý vì giá quá rẻ.

Thợ điện đang tiến hành kiểm tra, sửa chữa máy giặt. Ảnh NVCC

Cũng gặp trường hợp tương tự, chị N.T.T.N. (quận Bình Thạnh) trở thành nạn nhân khi liên hệ một mẫu quảng cáo kiểu này tới sửa điều hòa. So với hẹn, người thợ này đến trễ hơn 1 giờ.

Thợ vệ sinh xong và báo máy điều hòa thiếu gas nên bơm đầy gas. Phí hết 600.000 đồng, trong đó 250.000 đồng là tiền 1 lần nạp gas, 150.000 đồng tiền vệ sinh cùng 200.000 đồng tiền công. Hai ngày sau, điều hòa nhà chị N. vẫn chạy rất nhẹ, kém mát. Chị N. liên lạc với người này thì..."thuê bao không liên lạc được".

Chị N. quyết định gọi cho bên trung tâm sửa điều hòa có uy tín. Nhân viên bảo trì ở trung tâm này đến kiểm tra và cho biết khí gas chưa được bơm đầy, áp suất khí gas của điều hòa chỉ đạt 0,4, trong khi đó gas đầy bình là phải đạt 0,8. Nhân viên này cho biết một lần bơm gas mất ít nhất phải 10 phút mới đúng quy trình nạp gas. Lúc này, chị N. mới biết mình đã bị lừa.

Chúng tôi (PV) vào vai một quản lý khách sạn đang đi tìm thợ vệ sinh máy giặt để liên hệ với số điện thoại trên mẫu quảng cáo trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 25, quận Bình Thạnh).

Khi tiến hành liên hệ với số điện thoại được ghi trên mẫu quảng cáo, bắt máy ở đầu dây bên kia là một người đàn ông trẻ tuổi. Đầu dây bên kia liên tục "tra hỏi" chúng tôi làm gì, ở đâu, làm sao biết số điện thoại này mà liên hệ. Sau khi chúng tôi nói nhìn thấy số điện thoại trên một tờ rơi, người đàn ông này có vẻ yên tâm và tiếp tục trò chuyện sâu hơn.

Chúng tôi đặt vấn đề muốn vệ sinh khoảng 30 máy giặt và muốn hỏi giá dịch vụ ra sao. Người này không trả lời mà đề nghị chúng tôi cho biết trước đây đã làm với ai chưa và giá cả ra sao thì mới báo giá. Khi chúng tôi nói đây là lần đầu làm vị trí quản lý, chi phí của khách sạn chi trả nên chưa rõ giá cả, người này nói: "Anh cứ yên tâm làm với bên em, bên em có thợ thầy đầy đủ, có nguyên một tổ chức luôn".

Người đàn ông cho biết, bình thường sẽ lấy giá 100.000 đến 110.000 đồng/máy. Thế nhưng để giao lưu lần đầu, nên lấy giá hữu nghị là 80.000 đồng/máy với điều kiện làm 30 máy như đã nói.

Người này nói thêm: "Đây là tiền vệ sinh thôi chứ chưa nói nếu máy hết gas hay hư hỏng, chết tụ, chết quạt thì sẽ sửa luôn và tính thêm". Thấy chúng tôi hơi do dự, người này tiếp tục trấn an: "Anh cứ yên tâm đại diện khách sạn ký hợp đồng với bên em, làm xong sau này em gửi tiền cà phê cho anh".

 "Chiêu trò" của thợ điện lạnh

Thông qua số điện thoại, chúng liên lạc với nhiều cơ sở điện lạnh tương tự và yêu cầu cung cấp địa chỉ cửa hàng để tới làm việc, trao đổi trực tiếp thì đều bị từ chối theo kiểu: "Bây giờ em không có ở cửa hàng. Anh cứ cho địa chỉ, em cho thợ qua xử lý luôn, làm gì mà phải qua tận nơi trao đổi ghê vậy anh".

Lấy lý do làm với số lượng nhiều, cần tìm một đơn vị đáng tin để hợp tác lâu dài, chúng tôi đề nghị một tờ rơi trên đường Phạm Văn Đồng cho biết địa chỉ cửa hàng để qua gặp mặt. Thấy không từ chối được, lại sợ mất "mối ngon", người này cho địa chỉ và không quên nói trước: "Bên em định mở công ty nhưng chưa đủ lực để mở. Hiện tại, chỗ em làm cũng nhỏ nhỏ thôi, nhưng anh yên tâm bên em làm rất chất lượng".

Một cơ sở điện lạnh được quảng cáo trên tờ rơi. Ảnh: Thiên Nam

Anh Trần Minh Trí, giám đốc một công ty xây dựng trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp, TP. HCM), có thâm niên làm nghề điện lạnh hơn 10 năm, chia sẻ: "Không riêng gì sử dụng dịch vụ của những thợ điện lạnh trên các tờ rơi, quảng cáo bên ngoài. Đôi khi sử dụng dịch vụ của các cơ sở kinh doanh lớn, có uy tín cũng chưa hẳn đã an tâm".

Anh nhấn mạnh: "Nghề nào cũng có các khoản phụ để "kiếm thêm" cả, quan trọng là cái tâm của người thợ ra sao thôi. Đối với nghề điện lạnh, dù làm máy điều hòa, máy giặt hay tủ lạnh cũng vậy. Người thợ đều có các mánh khóe để kiếm thêm tiền từ khách".

Bằng kinh nghiệm của mình, anh Trí cho biết, trong quá trình đến bảo trì, sửa chữa hay lắp đặt máy cho khách, thợ điện lạnh thường sẽ xuất hiện muộn hơn với dự định để đánh vào tâm lý của khách hàng. Gia chủ đợi lâu sẽ nóng vội, mất tỉnh táo hoặc do chưa chuẩn bị vì thợ đến không theo lịch nên trong một số trường hợp sẽ loại bỏ được sự theo dõi sát sao của chủ nhà.

Trong quá trình tiến hành công việc, một vài thợ có kinh nghiệm sẽ vờ trò chuyện và lấy lý do quên mang một số dụng cụ như kềm, tua vít… và nhờ gia chủ đi lấy cho mình mượn. Khi thiếu sự quan sát của chủ nhà, người thợ sẽ tùy ý "hô biến" theo ý của mình.

Anh Trí khẳng định: "Sửa chữa, bảo trì còn dễ kiếm tiền của khách hơn lắp đặt, bởi không phải khách nào cũng am hiểu về máy để có thể tự kiểm tra".

Cụ thể, đối với máy điều hòa, nếu máy hết sạch gas khi bơm toàn bộ sẽ hết khoảng từ 300.000 đến 700.000 đồng/máy. Vậy nên, chỉ cần bơm gas, thợ có thể kiếm được 200.000 – 300.000 đồng vì máy điều hòa rất ít khi hết sạch gas.

Nhiều thợ khi kiểm tra máy, báo hỏng một loạt các linh kiện hoặc báo hỏng bộ phận quan trọng với giá thay thế khá cao. Khi thấy khách tiếc tiền thay thì hỏi mua luôn với giá rẻ chỉ tầm trên dưới 1 triệu. Nếu mua thành công, chỉ cần thay linh kiện với giá 200.000 - 300.000 đồng rồi bán đi kiếm lời vài triệu đồng.

Theo anh Trí, những "chiêu trò" thợ điện lạnh dùng để moi hầu bao của khách hàng rất nhiều nhưng chủ yếu nằm ở những công đoạn như: bơm gas, khai gian tiền vật tư, đem máy về sửa sau đó đánh tráo linh kiện hoặc tự ý "vẽ" những lỗi không thành có.

"Để tránh bị mất tiền oan, khách hàng cần tìm hiểu, trang bị kiến thức về sản phẩm mình cần sửa chữa. Những kiến thức cơ bản này, chỉ cần gọi điện đến các cơ sở kinh doanh uy tín thì sẽ được tư vấn", anh Trí chia sẻ thêm.