Tuy nhiên, phóng viên đài NTV Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng một trong ba người - được cho là một em nhỏ - sau đó đã qua đời trong bệnh viện.

Atay Osmanov, một thành viên của đội cứu hộ, nói với Reuters: “Chúng tôi nghe thấy tiếng la hét khi đang đào bới. Mỗi khi tìm thấy những người còn sống, chúng tôi luôn cảm thấy rất hạnh phúc.”

Báo cáo từ hiện trường cho thấy các nhân viên cứu hộ đã yêu cầu những người xung quanh giữ im lặng hoàn toàn khi họ khảo sát đống đổ nát nơi được cho là có người còn sống. Sử dụng máy dò âm thanh điện tử, một công nhân yêu cầu người mắc kẹt: “Hãy hít một hơi thật sâu nếu bạn có thể nghe thấy tiếng tôi”.

Các đội cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm những người sống sót sau thảm họa thiên nhiên ngày 6/2, nhưng cơ hội giảm dần vì đã bước sang ngày thứ 12.

Đến thời điểm hiện tại, số người thiệt mạng vì động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên đến hơn 46.000 người, và khoảng một triệu người mất nhà cửa.

Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt có thể sẽ tăng mạnh ở Syria. Hai quốc gia đều không đưa ra ước tính có bao nhiêu người vẫn mất tích.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, làn sóng giận dữ trong người dân gia tăng khi một số tòa nhà - được cho là có khả năng chống động đất – đã đổ sập trong cơn đại địa chấn. Có thể kể đến trường hợp khu dân cư Ronesans ở Antakya bị phá hủy hoàn toàn khiến hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có cựu cầu thủ bóng đá Chelsea - Christian Atsu.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết điều tra tất các cáo buộc liên quan đến sự sơ suất trong quá trình xây dựng các tòa nhà chung cư. Hơn 100 người đã bị bắt giữ, bao gồm cả chủ đầu tư công trình Ronesans Residence, Mehmet Yasar Coskun. Coskun bị bắt khi chuẩn bị lên chuyến bay tới Montenegro.