Trang lấy chồng cùng xóm, là bạn từ thuở ấu thơ, hai gia đình đã mấy chục năm thân thiết. Đi lấy chồng, Trang ngỡ chỉ là sự dịch chuyển cơ học, bước chân qua bức vách để về nhà mới chứ chẳng còn gì lạ lẫm. Vậy mà không phải thế!

 

Ảnh minh họa

Tùng hơn Trang hai tuổi. Ngay từ bé, Tùng đã như một người anh trai, đưa cô đi học hay ở nhà trông Trang như trông đứa em gái nhỏ. Em gái Tùng nhỏ hơn Trang một tuổi cũng coi như bạn bè. Bố mẹ Tùng thường khen Trang nhanh nhẹn và đảm đang hơn con gái mình. Ngày nhỏ, Trang khó nuôi nên người ta mách phải gửi lên chùa hoặc cho người khác làm con nuôi. Chính bố mẹ Tùng còn bảo xem Trang như con gái nuôi. Cũng không ngờ thanh xuân đi một vòng quanh, ai cũng từng yêu đương, ai cũng từng dự định cưới hỏi với người khác, mà cuối cùng Trang và Tùng vẫn về bên nhau. Thực ra chẳng hiểu sao Tùng bị người ta từ hôn.

Còn Trang chưa kịp cưới thì người yêu đi xuất khẩu lao động, rồi ở nơi xứ người được một năm thì anh ta báo tin rằng đã có con với một người đồng hương. Trong lúc mọi chuyện tanh bành, bố mẹ Trang bỗng buông lời: “Hay bác gả con Trang cho thằng Tùng nhé”. Để rồi vài tháng sau thì Tùng chính thức xin cưới.

Bố mẹ anh lúc đầu có phần bỡ ngỡ vì vẫn lấy cái cớ ngày nhỏ từng nói nhận Trang là con gái nuôi, dù không nhận chính thức nhưng vẫn không thấy thoải mái. Mọi người phải động viên: “Hai nhà gần nhau, hiểu nhau rồi khỏi mất công đi tìm. Có chính thức làm lễ nhận con nuôi đâu mà, để chúng nó lấy nhau”.

Ngày trước, Tùng và Trang đôi khi chẳng rõ đâu mới thực sự là nhà mình, vì có khi Tùng nằm dài ở nhà cô, còn Trang ngủ chung với em gái Tùng. Thế mà từ lúc thành con dâu, mẹ chồng cô bỗng thấy phiền vì cô hay sang nhà bố mẹ đẻ. Ngày trước cô sang nhà anh, tự nhiên như ở nhà mình, chuyện bếp núc cứ theo ý mình làm. Vậy mà bây giờ mới thấy mẹ anh bỗng dưng nảy đâu ra  quá nhiều "quy tắc" rắc rối:  Nào là đừng có dậy sau sáu giờ vì ông bà dậy từ năm giờ sáng (dù ngày trước Trang ngủ chung với em chồng thì bảy giờ mới dậy cũng chẳng sao). Nào là không nên sang nhà đẻ ngắt rau về nhà chồng thường xuyên nữa sẽ làm bố mẹ chồng mất mặt. 

Ngỡ là đã tường tận hiểu rõ về nhau, thế mà bây giờ Trang vẫn hay rằng, hóa ra mẹ chồng rất hay ghen, hay chì chiết đay nghiến. Rằng mẹ chồng chỉ sỹ diện với người ngoài còn thực sự bà vô cùng hà tiện.

Bây giờ thay vì nói: “Cô Trang như thế không được”, thì họ bảo “Vợ thằng Tùng”, “Con dâu ông bà Thắng” và kèm theo chú giải “Giờ nó đã lấy chồng, cư xử phải khác, sao vẫn như thế”. Đôi khi người ta hỏi cô: “Bây giờ với tư cách con gái hay con dâu của xóm này để còn biết nào...”.
 
Hóa ra mỗi gia đình đều có một bức bình phong đủ che giấu những bí mật riêng, chỉ khi thực sự thành người một nhà mới hiểu, và dù lấy chồng hàng xóm thì sau một đám cưới, bạn vẫn phải tìm cách nhập gia tùy tục, vẫn cần một thời gian để tương thích.