Sáng một ngày cuối tháng 11, Nga mặc chiếc áo dài trắng tinh khôi, mái tóc đen thả dài ngang lưng. Em không đến trường mà cùng bà ngoại đến tòa dự phiên tòa xét xử kẻ giết chết mẹ mình.

Bị cáo đứng trước bục khai báo chính là Nguyễn Văn Thức (43 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh), người mà Nga đã gọi bằng “cha” suốt 16 năm qua dù cả hai không cùng huyết thống.

Thức và chị Phượng là hàng xóm với nhau từ nhiều năm trước. Chị Phượng sống với chồng có hai người con gái. Thế nhưng, khi đứa con nhỏ vừa tròn hai tuổi, chồng chị không may qua đời vì bệnh. Từ đó, chị Phượng nảy sinh tình cảm và qua lại với Thức dù biết rằng người đàn ông hàng xóm đã có vợ con.

Theo cáo trạng, tháng 11 năm ngoái, Thức nghe tin chị Phượng có bạn trai mới kém tuổi nên hai người nhiều lần cãi nhau. Anh ta đến nhà chị Phượng để hỏi chuyện nhưng bị người tình đuổi về, chặn số điện thoại. Tức giận vì níu kéo tình cảm nhưng chị Phượng không đồng ý, Thức nhiều lần nhắn tin dọa giết người tình.

Đến ngày 15/1, Thức cầm dao và thanh gỗ đến nhà tìm chị Phượng nói chuyện. Người phụ nữ tiếp tục từ chối, chửi và đuổi anh ta về. Tức giận, Thức cầm thanh gỗ đánh vào đầu chị Phượng rồi đoạt mạng người tình bằng 43 nhát dao.

Sau khi giết người tình, Thức lái xe tông vào xe tải đi ngược chiều để tự tử nhưng không thành, bị thương tật 22%.

Trước tòa, người đàn ông đầu lấm tấm sợi bạc, gương mặt nhợt nhạt thừa nhận giết chết nhân tình. Giải thích lý do, anh ta cho biết còn yêu và muốn níu kéo chị Phượng. Ngoài ra, giữa hai người có quan hệ góp vốn làm ăn.

Thức rời tòa với đôi mắt đỏ hoe sau lời xin giảm nhẹ hình phạt của con gái bị cáo

"Lúc Phượng khổ vì chồng mất và có hai đứa con nhỏ, bị cáo đã đứng ra đùm bọc suốt mười mấy năm. Sau này bị cáo còn giúp vốn cho Phượng làm ăn, chơi hụi. Vậy mà khi cuộc sống ổn định Phượng lại có người mới”, Thức nói, giọng đầy chua xót.

Người đàn ông 43 tuổi cho biết sau khi gây án anh ta đã rất đau buồn và không thiết sống nữa nên mới lái xe đâm vào xe tải tự tử. “Bị cáo vô cùng hối hận vì những gì đã gây ra”, Thức thành khẩn.

Ngồi ở hàng ghế dự khán, Nga và bà ngoại trầm ngâm, cúi mặt. Khi được hỏi về yêu cầu bồi thường dân sự, bà lão tuổi ngoài 60 trình bày: “Hồi lúc Nga còn sống mỗi tháng đều gửi về cho tôi 3 triệu đồng. Tôi chỉ có một mình lại già yếu, tôi mong được chu cấp như con gái đã làm trước đây”.

Bị cáo đồng ý với yêu cầu này và cho biết muốn tặng lại số tiền tiết kiệm 100 triệu đồng mà anh ta và chị Nga đã dành dụm cho gia đình bị hại. Mẹ chị Phượng sau đó đã bãi nại anh ta trước tòa.

Chuyển sang phần tranh luận, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã đề nghị tuyên phạt Thức mức án tử hình. Theo cơ quan công tố, hành vi của bị cáo đặc biệt nguy hiểm, quá côn đồ và đã gây ra cái chết cho chị Phượng, nên cần loại bỏ bị cáo ra khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn mới đủ sức răn đe.

Nghe phần phát biểu của VKS, Thức như muốn ngã khuỵu, anh ta ôm mặt khóc nức nở. Gương mặt của Nga và bà ngoại cũng tối sầm lại, vẻ hoang mang.

Được hỏi ý kiến, mẹ của nạn nhân chậm rãi nói rằng con gái bà đã mất, dù có tử hình Thức thì cô ấy cũng không thể sống lại. Vì thế, bà xin HĐXX cho Thức được hưởng mức án khoan hồng.

Đến lượt mình, Nga ngậm ngùi, nước mắt lưng tròng. Em nói: “Con của chú Thức học cùng trường với con, con không muốn chị cũng mất ba như con…”, Nga khóc nghẹn, bỏ lửng câu nói.

Trước khi HĐXX vào nghị án, Thức xoay người về phía sau nhìn người nhà nạn nhân, vẻ thành khẩn nói: “Cho bị cáo được gửi lời xin lỗi đến mẹ và các con của Phượng, bị cáo đã rất hối hận và biết việc làm của mình là sai trái. Xin toà khoan hồng cho bị cáo cơ hội để trở về nhà chăm lo cho cha mẹ già”, nói rồi anh ta cũng ôm mặt khóc nức nở.

Sau khi xem xét hồ sơ và quá trình thẩm vấn tại tòa, HĐXX nhận định hành vi của Thức là đặc biệt nguy hiểm. Tuy nhiên, anh ta đã ân năn hối hận, bồi thường cho phía gia đình nạn nhân và được họ bãi nại… nên được tòa xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt. Từ đó, HĐXX tuyên phạt Thức mức án chung thân về tội Giết người.

Tiếng khóc bỗng vang lên trong phòng xử, bị cáo và gia đình bị hại đều không kìm được xúc động và cảm kích phán quyết của tòa. Chứng kiến cảnh ấy, nhiều người dự khán cũng ngậm ngùi thoe.

Họ bảo nhau rằng, giá như Thức bình tĩnh hơn để tìm cách giải quyết êm đẹp hơn cho mối quan hệ ấy, thì có lẽ chị Phượng đã không phải ra đi, bị cáo không vướng tù tội và gia đình cả hai không phải gánh chịu nỗi đau và sự mất mát quá lớn.