Tắm đúng cách cho trẻ trong ngày rét đậm
Theo Ths Trương Thị Mỹ Hà – Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sức đề kháng còn non yếu, trong điều kiện giá rét như hiện nay, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý những bước cơ bản sau:
Bước 1: Chú ý nhiệt độ phòng tắm, nên để ở mức từ 28-30 độ C
Nếu nhiệt độ trong nhà quá thấp vào mùa đông, mẹ nên trang bị các thiết bị sưởi ấm như điều hòa, quạt sưởi để không khí ấm áp hơn. Mẹ nhớ đừng để điều hòa hay quạt sưởi chĩa thẳng vào người bé. Điều này khiến con dễ bị khô da hoặc gây bỏng cho con.
Nếu tắm cho con ở trong nhà tắm, mẹ nhớ đóng kín cửa nhà tắm, cửa sổ. Tránh để các khe có gió lùa. Nên có máy sưởi bật lên cho không khí ấm áp rồi hãy cho con cởi quần áo để tắm.
Bước 2: Chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ mọi thứ cần thiết
Trước khi tắm cho trẻ, bạn cần chuẩn bị đầy đủ quần áo, tất, bao tay để sẵn trên giường, tốt nhất nên làm ấm trước, để khi tắm xong, trẻ mặc luôn vào không bị lạnh.
Bước 3: Nước tắm cho trẻ nên để khoảng 38-40 độ C
Khi tắm cho trẻ vào mùa đông, dù trời lạnh đến mức nào, mẹ cũng không nên pha nước tắm cho con nóng quá. Điều này sẽ có hại cho làn da mỏng manh của bé. Nhiều bé khi thấy nước nóng quá, lần sau lại không dám xuống tắm nữa.
Nhiệt độ nước thích hợp là từ 38 độ C đến 40 độ C. Mẹ nên dùng khuỷu tay của mình để cảm nhận xem nhiệt độ có thích hợp hay không. Trường hợp mẹ vẫn chưa chắc chắn được độ ấm của nước thích hợp cho con thì có thể dùng nhiệt kế đặc biệt để kiểm tra. Khi pha nước tắm cho con, mẹ nên cho nước lạnh vào trước rồi từ từ cho nước nóng vừa.
Bước 4: Đặt bé vào chậu tắm
Đặt bé nằm trong giường tắm, nếu không có một chiếc giường tắm, mẹ hãy đặt một chiếc khăn dày dưới đáy của bồn tắm để chống trơn. Mực mước mực nước trong chậu chỉ khoảng 8 cm hay nước ngập hết vai khi đặt bé vào.
Bước 5: Rửa mặt trước tiên
Rửa mặt của bé bằng nước sạch đầu tiên. Vệ sinh sạch sẽ mắt và mũi của con bằng bông gòn. Và sau đó rửa sạch toàn bộ khuôn mặt của bé với khăn mặt có chất liệu mềm. Chú ý mẹ nên cẩn thận tránh để nước vào mắt trẻ.
Sau khi rửa mặt xong, mẹ tiến hành gội đầu cho con. Lưu ý lau khô đầu ngay sau khi gội sạch và đội mũ cho trẻ để đầu không bị nhiễm lạnh. Sau đó, cha mẹ mới tiến hành cởi quần áo của trẻ để tắm. Khi tắm toàn thân người, mẹ lưu ý phải thao tác nhanh để tránh làm hạ nhiệt, đặc biệt chú ý những vùng có ngấn (nếp gấp) ở cổ, nách,háng phải lau cẩn thận hơn. Thời gian tắm cho trẻ kéo dài từ 4 - 5 phút và lưu ý luôn để nước ngập người của trẻ.
Bước 6: Lau người, mặc quần áo
Sau khi tắm cho bé xong, đặt bé vào khăn quấn kín từ đầu xuống chân rồi bế bé vào lòng, sau đó lau người cho bé. Nếu để ý, mẹ sẽ nhận thấy môi bé bị tái đi lúc mới cho ra khỏi chậu và quá trình được mẹ ủ ấm, môi bé sẽ hồng trở lại. Khi thấy môi bé hồng trở lại, hãy từ từ mở khăn, mở đến đâu mặc quần áo cho bé đến đấy.
Khi lau người cho con, mẹ hãy chú ý đến ngực, lưng, mặt nhưng bộ phận rất quan trọng phải lau khô và giữ ấm ngay đó là gan bàn chân.
Lưu ý:
- Mùa đông, không nhất thiết phải ngày nào cũng tắm nhưng vẫn phải vệ sinh hàng ngày cho trẻ. Một tuần bạn có thể tắm cho trẻ 2 lần.
-Thời gian tắm cho trẻ nên lựa chọn khung giờ từ 10-11h trưa hoặc 14-16h chiều, khi nhiệt độ trong ngày ở mức cao nhất./.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...