Mới đây, một trang fanpage nổi tiếng dành cho giới trẻ đã đăng tải bức tâm thư được viết bởi một học sinh gửi đến phụ huynh và thầy cô khiến cộng đồng mạng xôn xao.

Trong bức tâm thư, em kể rằng nhiều năm nay hầu như các em chỉ biết ngủ dậỵ rồi học. Điều này khiến niềm đam mê của các em cũng dần mất đi. Mỗi ngày, thời gian mà các em học còn nhiều hơn thời gian để ngủ. Em chia sẻ: “Cháu bắt đầu kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe đến chữ học. Đối với cháu, càng học cao hơn, kiến thức càng trở nên vô nghĩa”.

Tâm thư của một học sinh gửi cho thầy cô và phụ huynh - Ảnh chụp màn hình

Em tâm sự, học quá nhiều khiến các em bị ám ảnh, sợ hãi cả tiếng trống ra về. Vì tiếng trống tan trường không đồng nghĩa với việc các em được nghỉ mà đó chỉ là khoảng thời gian ra chơi giữa giờ học chính khóa và học thêm. Lâu dần, ngay cả việc đón ngày mới đối với các em cũng là một nỗi sợ. Bởi khi trời sáng, các em lại phải thức dậy đến trường, đối mặt với núi bài tập mà thầy cô giao.

Sau nhiều năm học tập để rồi các em không biết tương lai mình sẽ đi về đâu, phải làm gì tiếp theo. Trong đầu những đứa trẻ này luôn xuất hiện những câu hỏi, em học vì ai, học vì cái gì. Chỉ vì sĩ diện của người lớn mà không biết bao nhiêu đứa trẻ bị dồn vào đường cùng. Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, giáo viên và học sinh ngày càng trở nên ngột ngạt, căng thẳng.

Nhiều em cảm thấy sợ hãi, ám ảnh với việc học - Ảnh minh họa: Internet

 Thay vì được sống những ngày tuổi trẻ một cách vô tư, vui vẻ bên bạn bè, gia đình thì các em lại phải quay cuồng bởi những buổi học thêm đến khuya. Ước mơ của em chỉ đơn giản là muốn có được một bữa cơm gia đình trọn vẹn. Thế nhưng đó có lẽ là điều quá xa xỉ với em bởi lịch học dày đặc từ 5 giờ 30 sáng đến 11 giờ đêm, trải đều suốt tuần.

Sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội, bức tâm thư đã khiến cộng đồng mạng nổi “bão”. Rất nhiều người đồng tình với ý kiến của em học sinh này. Chính người lớn còn cảm thấy choáng trước khối lượng kiến thức, bài tập mà các em hiện phải học thì thử hỏi làm sao những đứa trẻ không áp lực cho được. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng một phần lỗi cũng đến từ phía phụ huynh bởi họ đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào các em khiến chúng trở nên áp lực, mệt mỏi.

"Con đường học vấn không bao giờ có nấc thang cuối cùng. Mỗi người cần xác định rõ học để làm gì? Có làm được không? Thì sẽ xác định là mình cần học cái gì? Lúc đó áp lực sẽ giảm thôi", H.Đ khuyên.

Bài viết gây 'bão' trên cộng đồng mạng suốt mấy ngày qua - Ảnh chụp màn hình

 "Tôi nghĩ đây không phải lỗi của ngành giáo dục mà chính là lỗi của phụ huynh. Họ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con mình nên đã tự gây áp lực cho con. Chính họ đã đưa đến việc giáo viên dạy thêm nhiều. Lúc nào họ cũng muốn con mình là số một nên có những người bắt con học thêm ba thầy một môn thì thử xem con còn thời gian nào tự học nữa. Tôi cũng từng dạy học, tôi dạy cho học sinh theo lối tư duy sáng tạo nên học sinh nhàn mà tôi cũng rất nhàn. Có giáo viên bảo sao cô dạy nhàn thế mà kết quả vẫn cao hơn so với các lớp khác. Nên theo tôi nghĩ phụ huynh nên tạo cho con thói quen tự học thì mới mong được kết quả tốt nhất chứ chỉ học thêm nhiều thì hỏi con cái gì tưởng cũng biết hết nhưng khi cho làm bài thì không biết cái gì. Đây là kinh nghiệm để các phụ huynh cần lưu ý nhé có thế các con mỗi ngày đến trường mới là một ngày vui", A.N chia sẻ kinh nghiệm.

Một số bình luận của cư dân mạng - Ảnh chụp màn hình

"Ngày xưa thời chúng tôi đi học chỉ có hệ lớp 10 thôi, học ngày có 1 buổi không phải học thêm. Sáng đi học chiều về phụ giúp bố mẹ cày cấy, chăn trâu cắt cỏ mà vẫn học tốt đấy thôi. Rất nhiều nhà khoa họ giáo sư tiến sỹ đúng chất đấy thôi còn bây giờ tối ngày học thêm mà chất lượng thì chán", H.L bình luận.