Ngày 26/4, Bộ Y tế đã ra Công văn 2118 về việc tạm dừng áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu.

Theo đó, thời gian gần đây dịch Covid-19 có xu hướng giảm cả số ca mắc và tử vong trên toàn cầu. Tại Việt Nam dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc với tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cao.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế tại tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đối với người nhập cảnh kể từ 0h ngày 27/4.

Các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì giám sát khách nhập cảnh tại các cửa khẩu theo quy định tại Nghị định 89/2018, chủ động cập nhật các tài liệu truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình hiện nay và chủ động đưa tin kịp thời.

Việt Nam tạm dừng khai báo y tế COVID-19 với người nhập cảnh từ 0h ngày 27/4 (Ảnh minh hoạ)

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam hiện không áp dụng truy vết dịch tễ. Thông tin được ông Long nói tại Hội nghị trực tuyến việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ Công tác triển khai Đề án 06.

Tại Việt Nam, khai báo y tế là một trong 5 giải pháp phòng chống dịch đơn giản, hiệu quả theo Thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế, không tụ tập). Nhiều quốc gia cũng áp dụng biện pháp khai báo y tế này.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, nhiều chuyên gia lên tiếng về việc nên rút gọn 5K xuống còn 3K là phù hợp.

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, ông đồng ý với hướng dẫn trên và theo ông nên bỏ quy định này kể cả trong nước cũng như nhập cảnh.

"Hiện tại người dân chủ yếu thực hiện đeo khẩu trang, khử khuẩn, vệ sinh bề mặt môi trường là tốt bởi phòng bệnh được và phòng ngừa được nhiều bệnh khác. Quy định 5K giờ nên chuyển thành 3K (khẩu trang, khử khuẩn và không khí sạch). Sạch nghĩa là không khí tự nhiên thoáng khí, trong khu vực kín nguy cơ lây nhiễm cao, môi trường thoáng khí đỡ đi rất nhiều.

Tại Mỹ cũng chứng minh việc không khí thông khí cực kỳ quan trọng. Khai báo y tế giờ không còn thực tế bởi người dân đã tiêm vaccine gần như đầy đủ. Thứ 2, chủng virus Covid-19 cũng nhẹ, tần suất số ca mắc giảm, kinh tế xã hội đã mở cửa. Covid-19 giờ không phải là bệnh quá nguy hiểm ảnh hưởng đến y tế cũng như kinh tế xã hội. Xu hướng dần chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B", ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, tại nước ngoài hiện tại, nhiều nước không bắt buộc phải đeo khẩu trang. Ông cho rằng việc này nên linh hoạt. Nếu ở môi trường thông thoáng, không tiếp xúc quá gần hay không chen chúc quá 1m, ở một mình, đi đường không nhất thiết phải mang khẩu trang.

Chỉ nên đeo khẩu trang khi ở môi trường thông khí kém hay tụ tập đông người nơi công cộng, không đảm bảo được khoảng cách tối thiểu trong thời gian dài vẫn nên mang khẩu trang chứ không phải lúc nào cũng phải đeo.