Tắm cho trẻ sơ sinh là công việc mà bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng phải trải qua trong quá trình chăm sóc trẻ. Vậy cần chuẩn bị những gì trước khi tắm cho trẻ sơ sinh để chúng ta không lúng túng trong công việc này?

Chuẩn bị trước khi tắm cho trẻ sơ sinh:

Khăn tắm, quần áo, mũ, bao tay, tã, bông gòn và cồn để vệ sinh rốn cho trẻ.

Chậu tắm chuyên dùng cho trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể sử dụng thêm các tấm bọt biển hoặc miếng lưới tắm để hỗ trợ tắm bé dễ dàng hơn. Nên tắm cho trẻ sơ sinh bằng nước ấm để tránh trẻ bị nhiễm lạnh, cha mẹ dùng mặt trong của cổ tay để kiểm tra nhiệt độ nước tránh trường hợp nước quá nóng làm tổn thương da trẻ.

Sữa tắm chuyên dùng cho trẻ sơ sinh. Cha mẹ nên cân nhắc lựa chọn loại sản phẩm có công thức dịu nhẹ để tránh kích ứng, có độ pH phù hợp để duy trì lớp bảo vệ làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh. Cũng không nên chỉ tắm nước không vì nước không thể hiệu quả loại bỏ các tạp chất, vi khuẩn trên da.

Cần chuẩn bị đầy đủ vật dụng trước khi tắm cho trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài sữa tắm, chúng ta có thể dùng một số lá cây thiên nhiên để tắm cho trẻ như lá trà xanh, cây chó đẻ, mướp đắng, lá tía tô… Cha mẹ nên lưu ý phải sơ chế thật kỹ các loại lá cây này để loại bỏ chất bẩn, thuốc trừ sâu,… trước khi tắm cho trẻ.

Phòng tắm cho trẻ sơ sinh thoáng mát, tránh để gió lùa vào, vào mùa đông chúng ta có thể bật thêm quạt sưởi trong quá trình tắm bé.

Thời gian tắm cho trẻ nên từ 10 – 11 giờ sáng là tốt cho sức khoẻ của trẻ hoặc 3 – 4 giờ chiều để trẻ có thể ngủ ngon hơn sau khi tắm. Lưu ý không nên tắm khi trẻ đang đói hoặc mới ăn no, khi trẻ mới ngủ dậy, khi trẻ đang bị lạnh. Thời gian tắm cho bé không kéo dài quá lâu, chỉ từ 5 – 10 phút là đủ.

Mẹ hoặc người thân đảm nhận công việc tắm cho trẻ sơ sinh nên vệ sinh tay sạch sẽ, không nên để móng tay quá dài có thể làm xước da trẻ trong lúc tắm.

Cách tắm cho trẻ sơ sinh

Hầu hết các chuyên gia sức khoẻ đều khuyên tắm trẻ từ 2 đến 3 lần trong tuần là đủ, tuy nhiên nếu thời tiết nóng nực hoặc trẻ thường xuyên trớ sữa thì các mẹ có thể tắm cho trẻ thường xuyên hơn. Vào mùa đông, chỉ nên dùng khăn ấm để vệ sinh cho trẻ và hạn chế tắm để trẻ không bị nhiễm lạnh.

Khi tắm cho trẻ sơ sinh cần vệ sinh đầu trước rồi mới vệ sinh thân thể - Ảnh minh họa: Internet

Các bước tắm cho trẻ đúng cách như sau:

Cách ẵm trẻ khi tắm: Mẹ ẵm bé ngồi thoải mái trên ghế thấp. Bế bé trên cánh tay trái hoặc phải sao cho thuận tay với mẹ, đầu bé nằm gọn trong lòng bàn tay, lưng nằm trên cánh tay. Phần mông của trẻ được đặt trên đùi mẹ.

Cho nước vào chậu tắm của trẻ, chúng ta chỉ nên cho lượng nước vừa đủ để dễ dàng thao tác tắm trẻ hơn. Nước ở nhiệt độ từ 37 – 39 độ C là phù hợp, mẹ nhớ dùng cổ tay để kiểm tra nhiệt độ nước, tránh trường hợp nước quá nóng khi tắm trẻ.

Rửa mặt và gội đầu cho trẻ trước: Dùng khăn mềm nhúng nước ấm, vắt khô rồi lau mặt, mắt, sống mũi, cổ, tai cho bé. Sau đó, dùng khăn mềm nhúng nước làm ướt tóc trẻ, xoa nhẹ và đều dầu gội cho trẻ rồi dùng ngón tay xoa nhẹ nhàng, mát xa để loại bỏ các tế bào chết trên da đầu trẻ và xả lại bằng nước sạch, lau khô tóc. Mẹ nên dùng ngón tay cái và ngón tay giữa của tay còn lại bịt lỗ tai để hạn chế nước vào tai trẻ.

Chúng ta từ từ cởi từng lớp quần áo, tã của trẻ để trẻ quen dần với nhiệt độ môi trường. Vừa tắm vừa trò chuyện, tâm sự để trẻ an tâm, không quấy khóc khi tắm. Sau đó, nhẹ nhàng cho trẻ vào chậu tắm, dùng khăn mềm lau sạch các vùng bẹn, nách, mông, nách, vùng kín… của trẻ, đây là những vùng da rất dễ bị hăm nên cần được làm sạch.

Sau khi vệ sinh sạch sẽ, chúng ta nhanh chóng dùng khăn tắm lớn lau khô người cho trẻ, dùng bông tăm thấm sạch nước trong tai, rốn của trẻ và mặc quần áo, tã để trẻ không bị nhiễm lạnh.

Cách tắm đối với trẻ sơ sinh chưa rụng rốn

Tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn mẹ cần hết sức cẩn thận để nước không vào trong rốn trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Đối với trẻ sơ sinh chưa rụng rốn, mẹ vẫn áp dụng những bước tắm như trên, tuy nhiên cần cẩn thận vệ sinh cuống rốn cho trẻ:

  • Tuyệt đối không cho nước rơi vào rốn và cuống rốn của con để tránh bị nhiễm trùng.
    Việc chăm sóc rốn được thực hiện sau mỗi lần tắm. Vì thế, sau khi tắm xong, mẹ dùng bông tăm và dung dịch để chăm sóc cuống rốn cho trẻ.
  • Khi rốn chưa rụng, mẹ sát trùng rốn từ chân rốn ra ngoài, dùng một tăm bông gòn lau qua một vòng duy nhất, không lau qua lau lại, bỏ que gòn này và dùng thêm các que gòn khác nếu cần vệ sinh chân rốn.
  • Sau khi vệ sinh xong, dùng một bông tắm khác để làm khô rốn.
  • Không cần băng rốn cho bé sau khi tắm nhờ vậy rốn sẽ khô nhanh hơn và phải mặc tã dưới rốn để rốn không bị bí hơi.
  • Nếu thấy có bất kỳ biểu hiện nào như rốn trẻ chảy dịch vàng, có mùi hôi… bạn cần đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra.

Trên đây là những hướng dẫn cách tắm cho trẻ sơ sinh giúp mẹ có thêm những kinh nghiệm hữu ích cho bản thân, để quá trình chăm sóc trẻ trở nên nhẹ nhàng hơn. Quá trình tắm vừa giúp trẻ vệ sinh sạch sẽ, vừa là thời gian kích thích các giác quan của trẻ phát triển, vì vậy các mẹ đừng lơ là trong khâu tắm cho trẻ nhé.