Gạo lứt huyết rồng là gì?

Gạo lứt huyết rồng là gạo có vỏ bên ngoài màu đỏ, bên trong hạt gạo khi bổ đôi ra cũng là màu đỏ. Đây được xem như giống gạo cực quý, bởi lúa huyết rồng khác biệt hoàn toàn so với các giống lúa khác, lúa được trồng trong vùng đất ngập lũ, nhiễm phèn ở lưu vực đồng bằng Sông Cửu Long.

Gạo lứt huyết rồng là gạo có vỏ bên ngoài màu đỏ, bên trong hạt gạo khi bổ đôi ra cũng là màu đỏ - Ảnh minh họa: Internet

Vì sự quý hiếm đó nên được gọi tên là lúa “rồng”. Mặt khác do màu đỏ sậm của vỏ gạo giống màu của máu nên được gọi là “huyết”.

Giống lúa huyết rồng sinh trưởng trong thời gian dài (6 tháng), nguồn gốc từ vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên. Thường chỉ trồng duy nhất 1 mùa trong năm, trên những vùng đất ngập sâu 1 - 2m.

huyết rồng có nguồn gốc là cây lúa mọc hoang ở vùng nước ngập, sau này mới được đưa vào sản xuất kinh tế. Do đó, cây lúa có sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, không cần phải sử dụng thuốc diệt cỏ hay thuốc trừ sâu, cây lúa vẫn sinh trưởng tốt, kháng sâu bệnh.

Sau khi thu hoạch thì hạt lúa mẩy, nấu thành cơm thì thơm ngậy, càng nhai càng có vị ngọt và béo. Đây là loại gạo có giá trị dinh dưỡng cao, được ứng dụng để chế biến thành nhiều loại thực phẩm cho tất cả các đối tượng, từ người già đến trẻ em như: bột dinh dưỡng, bánh ăn dặm…

Công dụng của gạo lứt huyết rồng là do đâu?

Tác dụng của gạo lứt huyết rồng có được là nhờ vào thành phần dinh dưỡng bên trong hạt gạo huyết rồng:

Hạt gạo huyết rồng chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng - Ảnh minh họa: Internet

Trong gạo huyết rồng chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng như: Tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ cùng các loại vitamin: B1, B2, B3, B5, B6… và các acid như: Acid para-aminobenzoic (PABA), acid folic (vitamin M) và acid phytic tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, trong gạo còn chứa các nguyên tố vi lượng tốt cho xương như: Canxi, sắt, magie, selen, glutathione (GSH), kali và natri. Tuy nhiên, hàm lượng đường trong gạo Huyết rồng rất cao so với gạo thông thường và các loại thực phẩm khác.

Gạo lứt huyết rồng có tác dụng gì?

Tác dụng của gạo lứt huyết rồng với hệ tim mạch

Do có hàm lượng chất xơ cao, gạo huyết rồng có thể giúp kiểm soát huyết áp ở người bệnh tăng huyết áp. Đồng thời làm giảm nguy cơ hình thành các mảng bám trong động mạch, qua đó giúp ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch.

Kiểm soát mỡ máu

Chất dầu hữu cơ có trong cám của gạo lứt huyết rồng được biết đến với tác dụng làm giảm mỡ máu. Ngoài ra, lượng chất xơ dồi dào trong gạo cũng có tác dụng làm giảm các cholesterol "xấu" (LDL).

Tác dụng của gạo lứt huyết rồng với hệ xương

Gạo lứt huyết rồng rất giàu magiê, một loại chất cần thiết giúp duy trì sức khỏe bình thường của xương. Một bát cơm gạo huyết rồng có thể cung cấp 21% lượng magie mà cơ thể cần mỗi ngày. Ngoài ra, hạt gạo còn chứa rất nhiều canxi, rất tốt cho hệ xương phát triển.

Gạo huyết rồng có thể giúp kiểm soát huyết áp ở người bệnh tăng huyết áp - Ảnh minh họa: Internet

Do đó, không thể phủ nhận công dụng của gạo huyết rồng đối với việc ngăn ngừa loãng xương, thoái hóa khớp.

Phòng ngừa hen suyễn

Để phòng bệnh hen suyễn, chúng ta cần cung cấp và tăng cường đủ lượng selen và magie. Trong khi đó, thành phần của gạo huyết rồng có đủ cả hai khoáng chất vi lượng này, giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn đối với người mắc bệnh.

Gạo lứt huyết rồng có giảm cân không?

Dựa vào màu sắc có thể cơ bản phân biệt được gạo lứt huyết rồng - Ảnh minh họa: Internet

Chất xơ có trong gạo huyết rồng ngoài tốt cho hệ tim mạch và kiểm soát mỡ máu còn giúp bạn no lâu hơn. Do đó, giúp kiểm soát lượng calo vào cơ thể trong bữa ăn. Kết quả cuối cùng là hạn chế được tình trạng ăn quá nhiều và giúp giảm cân hiệu quả.

Ngoài ra, chất xơ này cũng giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru, ngăn ngừa các bệnh thường gặp như táo bón, ăn khó tiêu…

Tốt cho bà bầu và trẻ em

Tác dụng của gạo lứt huyết rồng đặc biệt tốt cho sản phụ và trẻ con vì rất giàu canxi, sắt, tinh chất bổ xương giúp răng người mẹ không bị hư hao trong quá trình mang thai và thời kì cho con bú.

Đối với trẻ em, gạo lứt đỏ giúp xương cốt bé mau cứng cáp, hoàn thiện thể lực cho bé. Mẹ nên cho bé uống bổ sung sữa gạo lứt thay vì chỉ dùng sữa bột.

Các tác dụng khác của gạo huyết rồng

Gạo huyết rồng rất giàu mangan, một loại chất cần thiết cho hệ thống thần kinh khỏe mạnh, giúp dẫn truyền thần kinh tốt, hạn chế được tình trạng đau đầu, mệt mỏi, căng thẳng thần kinh.

Cuối cùng, gạo huyết rồng còn ngăn ngừa và làm giảm tác nhân gây nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh ung thư.

Chú ý khi sử dụng gạo lứt huyết rồng

Các bác sĩ khuyến cáo người dùng không nên ăn gạo huyết rồng thường xuyên và ăn nhiều vì trong loại gạo này chứa nhiều đường khiến đường huyết tăng bất thường. Có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường và các bệnh lý tim mạch khác.

Khi sử dụng gạo lứt huyết rồng, nên ăn kèm thêm nhiều rau để trung hòa với hàm lượng đường của gạo, hạn chế tác dụng phụ của gạo huyết rồng. Nhìn chung, gạo huyết rồng rất tốt, nhưng không nên lạm dụng.

Cách nấu gạo lứt huyết rồng

Chị em cần nắm rõ các bước từ chọn gạo, ngâm gạo đến các cách nấu gạo lứt huyết rồng sau đây để từng hạt gạo nở bung và có hương vị thơm ngon, mang lại bữa cơm ngon lành và tốt cho sức khỏe.

Khi sử dụng gạo lứt huyết rồng, nên ăn kèm thêm nhiều rau để trung hòa với hàm lượng đường của gạo - Ảnh minh họa: Internet

Cách nấu gạo lứt huyết rồng bằng nồi áp suất

Cách nấu gạo lứt huyết rồng bằng nồi áp suất không những nhanh mà gạo khi chín còn rất dẻo và thơm, đồng thời có vị béo béo ngọt ngọt rất ngon.

Nồi áp suất ở ngoài là 1 nồi áp suất cao, bên trong còn có một nồi nhỏ bằng sành có nắp đậy. Trước khi nấu, lấy gạo ra rửa sơ. Sau đó cho vào nồi bằng sành, đổ nước ngập chừng bằng 1 lóng tay.

Lấy 5 cốc nước lạnh đổ vào nồi áp suất, cho nồi sành vào trong, đậy lại thật chặt và nấu trong 1 tiếng đồng hồ.

Cách nấu gạo lứt huyết rồng bằng nồi thông thường

Cách nấu này mất thời gian hơn các cách ở trên một chút. Vì hạt gạo phải được ngâm trong vòng 22 tiếng cho nảy mầm để khi nấu cơm sẽ chín và nở đều, đồng thời dẻo và có vị ngọt ngọt.

Nấu trong thời gian khoảng 15 phút, nếu thấy gạo đã mềm mà còn nước nhiều thì chắt nước cơm gạo lứt để uống. Sau đó để lửa nhỏ khoảng vài phút là có thể ăn được. Có thể chuẩn bị muối mè để ăn kèm và thưởng thức bữa cơm gạo lứt ngon lành.

Cách nấu gạo lứt huyết rồng bằng nồi cơm điện

Đây được xem là cách nấu cổ điển nhất. Nồi cơm điện được thiết kế để nấu được nhiều loại gạo khác nhau nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và sự thơm ngon. Gạo lứt huyết rồng cũng không phải ngoại lệ, tuy nhiên để hạt gạo phát huy được hết sự thơm ngon của nó cần thực hiện đầy đủ các bước như sau:

Tác dụng của gạo lứt huyết rồng với sức khỏe rất phong phú - Ảnh minh họa: Internet

Bước 1: Lấy một lượng gạo vừa đủ và rửa sạch với nước 2 - 3 lần. Nên ngâm gạo trong khoảng 8 tiếng để gạo mềm ra và khi chín sẽ ngon hơn. Tuy nhiên nếu bạn không có đủ thời gian thì có thể ngâm gạo 20 – 30 phút.

Bước 2: Đổ nước vào theo tỉ lệ 1 gạo thì 1.5 nước hoặc theo cách dân gian thông thường, cho nước ngập gạo khoảng một lóng tay. Sẽ đơn giản nếu trên bao bì có hướng dẫn về lượng nước, bạn có thể áp dụng theo.

Bước 3: Cho gạo vào nồi và nấu chín.

Cách nấu gạo lứt huyết rồng bằng nồi cơm điện tuy cơm không dẻo bằng các cách khác nhưng nếu nhai kĩ thì vẫn có thể cảm nhận hương vị thơm ngon của hạt gạo và có tác dụng tốt đối với sức khỏe.

Có thể thấy, tác dụng của gạo lứt huyết rồng với sức khỏe rất phong phú. Tuy nhiên, người dùng nên chú ý đến tác dụng phụ trên lượng đường trong máu. Khi sử dụng gạo lứt huyết rồng chỉ nên dùng vừa đủ, không lạm dụng quá mức.