Ai cũng có thể mắc suy thận mạn tính

Theo BS. Kiều Văn Bước - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, trước đây bệnh suy thận mạn chủ yếu ở người trên 60 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay bệnh có chiều hướng gia tăng và trẻ hóa nhiều.

Suy thận mạn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính, trường hợp anh N.H.P (26 tuổi, ở thị trấn Kông Chro) bị bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo. Được biết, anh P. phát hiện bệnh vào năm 24 tuổi. Khi đó, anh P. thấy người mệt mỏi, ăn uống vào là bị nôn ra. Trong suốt 2 năm qua, mỗi tuần anh P. chạy thận 3 lần.

Một trường hợp đáng thương khác là con trai anh K.H. (15 tuổi, ở TP. Pleiku) cũng bị suy thận mạn tính. Anh H. cho biết: "Trước đây con tôi khỏe mạnh, nhưng khi cháu 15 tuổi thì bị gầy đi, sức khỏe sa sút. Gia đình cho cháu đi khám thì phát hiện suy thận mạn tính. Cháu chạy thận đã 2 năm rồi. Bị bệnh nên cháu đành phải nghỉ học".

Bệnh nhân suy thận mạn tính đang được lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, theo ghi nhận có không ít bệnh nhân còn trẻ cũng mắc phải căn bệnh này. Tại Trung tâm Thận tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh nhân được đưa đến để liên hệ lọc máu cấp cứu. Trường hợp điển hình là một cháu bé mới 15 tuổi (quê ở Nam Định), theo lời kể của người nhà, cháu chưa đi khám bệnh bao giờ, đợt này xuất hiện mệt mỏi, buồn nôn, hay bị nôn kèm rối loạn tiêu hóa nên gia đình đã cho cháu đến bệnh viện tỉnh để kiểm tra. Tại đây các bác sĩ phát hiện cháu suy thận và thiếu máu rất nặng: Nồng độ Hemoglonbin là 53 g/lít (chưa đến 50% so với bình thường), Ure là 68 mmol/lít (cao gấp 10 lần bình thường) và Creatinin là 1790 umol/lít (cao gấp 20 lần giá trị bình thường).

Bệnh nhân đã được truyền thêm khối hồng cầu và lọc máu cấp cứu 2 lần trước khi được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. Do phải điều trị bệnh, cuộc sống và việc học tập của trẻ sẽ bị gián đoạn một thời gian dài với không ít xáo trộn.

Theo các bác sĩ, trong thực tế các bệnh nhân còn rất trẻ tuổi đi khám bệnh lần đầu, nhưng đã phát hiện ra suy thận giai đoạn cuối cũng khá thường gặp.

Suy thận mạn tính do đâu?

Suy thận mạn là một bệnh lý nghiêm trọng. Triệu chứng giai đoạn đầu có thể mơ hồ, khó phát hiện, gây chậm trễ trong việc nhận biết và chữa trị, đồng thời dễ dẫn đến nguy cơ tử vong.

TS.BS Lê Thị Phượng - Trung tâm Thận tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận mạn, sỏi tiết niệu, viêm đài bể thận, bệnh thận đa nang, do hệ lụy của lạm dụng thuốc hoặc do bẩm sinh - di truyền…

Theo ghi nhận của các bác sĩ, hiện nay do thói quen dùng thuốc bừa bãi, thậm chí là thuốc bổ, nên cũng có thể dẫn đến tình trạng suy thận mạn tính. Giải thích về vấn đề này, các bác sĩ cho rằng nếu tự ý dùng thuốc, kể cả thuốc bổ, đều có thể dẫn đến tình trạng rối loạn chuyển hóa, thừa cân, tăng huyết áp và cuối cùng là bị suy thận.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai.

Điều đáng nói đa phần bệnh nhân đến viện muộn, tình trạng đều chuyển sang bệnh thận mạn tính giai đoạn 3 do viêm ống kẽ thận mạn.

Khi bị bệnh thận có thể sẽ dẫn đến suy thận mạn, nhiều chất độc không được đào thải gây tích tụ khiến người bệnh chán ăn, buồn nôn, nôn, nặng có thể hôn mê. Việc ứ đọng muối - nước khiến người bệnh bị phù, cao huyết áp, nguy cơ dẫn đến suy tim. Suy thận cũng dẫn đến việc thiếu máu, làm cho da bệnh nhân bị xanh xao, nhợt nhạt và thần sắc mệt mỏi…

Suy thận mạn có thể có các biến chứng như: Phù phổi cấp, tăng kali máu, rối loạn nhịp tim dẫn đến ngừng tim…

Theo bác sĩ Phượng, khi bị suy thận giai đoạn cuối có ba phương pháp điều trị, đó là: Ghép thận; thận nhân tạo và lọc màng bụng.

Vì vậy, để phòng ngừa theo các bác sĩ thì mỗi người cần có lối sống lành mạnh, duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường bổ sung các loại rau củ, uống nhiều nước, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, thường xuyên tập luyện thể thao, nâng cao sức đề kháng. Để phát hiện sớm bệnh thận, mọi người cần xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu và đo huyết áp hàng năm. Đây là xét nghiệm cơ bản và cũng là cách đơn giản nhất phát hiện bệnh lý suy thận.

Các nguyên nhân gây suy thận mạn không thể điều trị khỏi, nhưng có thể được điều trị ổn định và việc điều trị ổn định các nguyên nhân này cũng là điều trị bảo vệ thận, làm chậm tiến triển bệnh thận. Vì vậy, khác với suy thận cấp có khả năng hồi phục hoàn toàn thì suy thận mạn không thể chữa khỏi được, nhưng nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hợp lý, thì có thể làm chậm tiến triển của bệnh, kéo dài thời gian đến giai đoạn phải điều trị thay thế thận, do thận bị mất chức năng quá nặng.