Trong đạo Phật dạy về duyên nợ kiếp trước thì có nói rằng kiếp trước và kiếp này là một sự chuyển đổi, hoán đổi liên tục từ cảnh giới này chuyển sang cảnh giới khác nhưng nghiệp lực lại không thay đổi.

 Lấy ví dụ: Hai vợ chồng yêu thương nhau và sống với nhau hạnh phúc, nhưng rồi một trong hai người lại phải lòng một người khác. Đó là nhân quả của chính người vợ hoặc người chông với duyên và nợ của kiếp trước dẫn đến kiếp này phải trả. Điều này vốn bị xã hội lên án xét đó là tội nặng bởi đó là sự vi phạm đạo lý và nhân phẩm làm người. Còn Phật giáo thì cho rằng đó chính là nợ mà người đó  phải trả bằng duyên, hoặc cũng chính họ tạo ra một nghiệp mới (nợ) và rồi sau này cũng phải trả lại bằng chữ duyên. Chỉ là vấn đề kiếp này hay kiếp sau mà thôi.

Một câu chuyện khác về duyên nợ đó là chuyện về Tỳ kheo ni Hoa Sắc.

Thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, vua Lưu Ly vì thù hiềm dòng họ Thích Ca mới cử binh sang đánh nước Ca Tỳ La Vệ. Bắt được một nhóm thiếu nữ quyến thuộc của Phật, quân lính vua Lưu Ly toan hãm hiếp.


Các thiếu nữ kiên quyết cự tuyệt để bảo toàn trinh tiết, thì bị quân giặc xua đuổi ra đồng đánh đập tàn nhẫn, đến khi họ ngã gục mới chịu bỏ đi.

Sau khi tỉnh lại, các cô thiếu nữ đồng nhau một chí hướng tìm chỗ ẩn tu. Trong lúc đi lang thang giữa đồng hoang, bỗng đâu các cô gặp tỳ kheo ni tên là Hoa Sắc đang đi khất thực về. Các cô mừng rỡ đón chào bà và kể hết nỗi khổ đau để cầu xin theo bà xuất gia học đạo.

Ðộng lòng từ bi, tỳ kheo ni Hoa Sắc thu nhận các cô làm đệ tử. Từ ấy, các cô tuy được nơi tu tập mà vẫn thường than thân tủi phận. Tỳ kheo ni Hoa Sắc thương tình, tìm cách giúp các cô phá giải mê phiền. Bà nói: “Các con mới gặp bao nhiêu tai nạn, vừa qua đã cho là khổ. Nếu các con biết rõ đời ta, thì các con phiền não đến bậc nào!”

“Các con ơi! Khi ta chưa xuất gia, thì ta cũng có đôi bạn như ai. Theo phong tục nước ta, hễ mỗi khi gần sinh thì các cô gái có chồng được đưa về nhà cha mẹ ruột. Cũng như hai lần trước, lần thứ ba, lúc cận ngày khai hoa nở nhụy, cả gia đình ta: Chồng vợ con cái cùng kẻ ăn người ở trong nhà đều kéo nhau về mái hiên cha mẹ ta cả. Trong khi đi đường xa vất vả, bữa nọ, vừa băng ngang cánh đồng vắng cách xa làng mạc, đến con sông thì trời sắp tối.

Rủi gặp con nước rồng lại không thuyền, chẳng biết làm sao qua sông, gia quyến ta phải tìm gò nổi tạm nghỉ một đêm, đợi sáng ngày nước cạn sẽ đi qua. Mới gặp chỗ cao ráo sạch sẽ thì bụng ta quặn đau. Một lát sau, ta hạ sinh đứa con trai thứ ba giống hệt hai anh nó. Chồng ta và kẻ tùy tùng lập tức kiếm cây lá làm tạm cái sàn gác cho mẹ con ta nằm.

Khi lo xong cho bốn mẹ con ta có chỗ nằm kín đáo, ấm áp, chồng ta với bạn bè mới lên một cái gò gần bên nghỉ ngơi. Bất ngờ, nhiều con rắn độc to tướng đánh hơi người bèn bò đến nuốt cả chồng ta và các tôi tớ. Mẹ con ta nhờ nằm trên sàn cao, dưới có bếp lửa đỏ, loài mãng xà không dám lại gần, sáng ngày thừa dịp nước ròng sát, ta định lội qua sông về quê chứ không còn phương nào hay hơn nữa.

Ta bèn cõng con đầu lòng đưa sang qua bờ sông bên kia trước. Ta lội trở lại bên này, đai đứa con thứ hai trên lưng, còn đứa mới sinh thì để vào cái đãy vải ngậm ở miệng và đi từng bước dưới dòng nước. Ðến giữa sông, ta nghe bên kia bờ tiếng con ta rú lên kinh hãi. Thì khốn thay! Một con hổ vồ lấy nó, rồi tha tuốt vào rừng. Trước cảnh đau thương bất ngờ ta không còn tỉnh trí, há miệng kêu to, đứa bé trong đãy rơi ngay xuống nước. Bấm loạn tâm thần tay chân run rẩy, ta cứ lặn hụp dưới đáy sông, mò đứa bé mới sinh, quên bẵng đứa con thứ hai đai trên lưng mà ta đã vô tình giết nó chết ngộp. Thảm thiết thay! Chỉ trong một ngày đêm, tới sáng mà cả gia quyến ta: chồng, con, tôi, bạn đều chết không kịp trối. Ta đành rơi lệ, nuốt sầu gắng gượng lội tới mé lên bờ, kiệt sức quá, ta ngã xỉu ngất đi, không còn biết sự gì nữa.

Các cô thiếu nữ nghe nói hết sức kinh ngạc mới bạch rằng: “Nay sư bà đã tu hành đắc đạo, sư bà có thể cho chúng con rõ nguyên nhân nào sư bà gặp lắm nỗi gian nan rùng rợn như thế không?”.

Tỳ kheo ni Hoa Sắc thong thả đáp: “Các con ơi! Có chi lạ đâu, đó là quả báo như muôn ngàn quả báo khác của tiền nhân kiếp trước mà thôi. Ðây các con hãy nghe:

Nguyên kiếp trước của ta, một thuở nọ, ta có chồng có con. Chồng ta có vợ lẽ cũng có con như ta. Vì ghen tuông mà nhất là tham của, ta sợ gia tài của chồng ta phải chia cho con vợ bé thì mẹ con ta chẳng được phần nhiều, nên thừa dịp chồng ta với người thiếp đi vắng, ở nhà ta giết con chúng nó hết. Chuyện sát nhân đem đến cửa quan, tra khảo cách nào ta cũng chối mãi, và ta lại thề dối rằng: “Nếu tôi có giết con chồng tôi, thì tôi sẽ bị khổ sở vô cùng, cả nhà tôi tan nát, các con tôi sẽ bị cọp tha, chết chìm, tôi sẽ bị chôn sống, chết ngộp, v.v… Nếu tôi có ác tâm giết con vợ lẽ chồng tôi, thì ngày kia tôi sẽ bị người ta bắt buộc tôi phải ăn thịt người con tôi.”

Ðó các con có thấy không, một lời nói ra thì va lấy, một tiếng thề dối mà mắc ngay, một hành động ác thì bị quả báo dữ không sai. Biết được lý nhân quả như bóng theo hình, tợ vang theo tiếng, thì các con không còn thắc mắc gì với những tai nạn của các con ngày nay cũng như của ta ngày xưa. Cho hay nhân nào quả nấy, chớ khá than van; vì không bao giờ một việc xảy ra mà không có duyên cớ. Vậy khuyên các con phải tin nhân quả mà lo tu hành.”