Sợ con biếng ăn thấp còi, cha mẹ “săn” thuốc tăng cân “thần tốc”, chuyên gia cảnh báo hậu quả đáng sợ
Ra sức gom thuốc bổ xách tay cho con vì sợ khan hiếm
Rất nhiều bà mẹ Việt đang bị cuốn vào trào lưu mua và cho con uống vitamin – thuốc bổ xách tay nhằm giúp con tăng trưởng chiều cao, cân nặng vượt trội.
Hai đứa con hay ốm, dùng triền miên kháng sinh, thấp còi nhẹ cân nên chị Thu Trang (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) vô cùng căng thẳng. Nghe bạn bè mách vitamin xách tay sẽ giúp cải thiện sức khỏe của con, chị Trang đã lên mạng tìm hiểu về việc cho con uống loại “thần dược” này.
Mỗi lọ vitamin xách tay có giá 390.000 đồng, tính ra riêng tiền mua vitamin cho hai đứa con mỗi tháng tốn khoảng 800.000 đồng. Tuy nhiên, người bán nói rằng hàng về không nhiều, cách hai tháng, thậm chí ba tháng mới có một đợt nên để con được uống vitamin liên tục, chị phải khốn khổ “gom” vitamin.
Đặc biệt dịp Tết, chị phải chi tới 4 tháng tiền mua vitamin vì shop online báo “sau Tết tiếp viên nghỉ, hàng tắc còn lâu mới về”. Dù đắt đỏ nhưng chị chấp nhận mua dữ trữ vitamin xách tay vì nỗi lo hàng khan hiếm.
Rất nhiều bà mẹ hiện đang chuộng việc mua sắm vitamin, thuốc bổ qua mạng như thế. Đặc biệt là những mặt hàng gắn mác “tiếp viên hàng không xách tay”, “đi đường air” thì càng được giá.
Trước thực trạng hàng giả tràn lan, hiện các bà mẹ cũng đã có ý thức mua vitamin ở địa chỉ quen thuộc, uy tín. Tuy nhiên, đa số đều bổ sung vitamin cho con theo lời mách, rỉ tai. Có shop còn khẳng định thuốc bổ “đặc biệt thích hợp cho trẻ lười bú, lười ăn rau” khiến các mẹ “tin sái cổ”.
Coi chừng mua phải hàng giả, con ngộ độc!
Nói về trào lưu mua thuốc bổ, vitamin xách tay cho con uống, bác sĩ Lê Thị Hải, Nguyên giám đốc Trung tâm Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia không giấu nổi sự lo ngại.
Theo bác sĩ Lê Thị Hải, cha mẹ thường nghĩ vitamin là thuốc bổ và tự ý bổ sung với tâm lý “càng bổ càng tốt”. Tuy nhiên, thực tế việc bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ phải hết sức thận trọng để tránh bị thừa vitamin.
“Vitamin cũng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn như bất kỳ thuốc chữa bệnh nào, trẻ không hấp thụ hết có thể ứ đọng ở gan, dùng lâu ngày gây ngộ độc cho trẻ.”, Bác sĩ Hải cảnh báo.
Cụ thể nhóm vitamin tan được trong chất béo bao gồm: A, D, E, K. Còn lại là nhóm vitamin tan trong nước như: C, B1, B2, B6,B12, axit folic, biotin… Vitamin tan trong nước nếu trẻ không hấp thụ hết có thể đào thải hàng ngày qua phân, nước tiểu, mồ hôi. Còn vitamin chỉ tan trong dầu, mỡ nếu không hấp thụ hết sẽ ứ đọng ở gan.
Chưa kể các loại thuốc tương tác thành phần với nhau và gây tai biến khó lường. Hay nói cách khác, bổ sung vitamin một cách bừa bãi không theo chỉ dẫn của bác sĩ, lạm dụng vitamin có khi còn nguy hiểm hơn cả việc thiếu vitamin.
“Tốt nhất, cha mẹ muốn bổ sung vitamin cho con nên có thăm khám, chỉ định của bác sĩ để tránh bị thừa vitamin cũng như các tác dụng phụ, gây hậu quả đáng tiếc cho trẻ. Chỉ nên mua vitamin tại những địa chỉ uy tín, không mua vitamin trôi nổi trên thị trường để tránh mua phải vitamin giả.
Về vấn đề cân nặng, không có bất cứ loại thuốc nào có tác dụng tăng cân cho trẻ mà chỉ có các loại vitamin, khoáng chất, kẽm, men tiêu hóa có tác dụng hỗ trợ bé ăn ngon, hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn đối với những đứa trẻ bị biếng ăn. Trẻ tăng cân chỉ khi có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cơ thể trẻ hấp thu tốt. Con bạn có thể hơi thiếu cân một chút so với chuẩn cũng không sao. Nhưng điều quan trọng nhất là con phát triển khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Đừng nên nhìn vào cái cân để đánh giá sức khỏe của con, tự ý chữa bệnh, tự ý cho con uống vitamin để rồi đẩy con vào tình trạng nguy hiểm”, bác sĩ Hải khuyến cáo.
Các bước nuôi con khỏe mạnh bất cứ bà mẹ nào cũng cần biết:
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Hải, để con có sức khỏe tốt, người mẹ nên chú trọng ăn uống lành mạnh ngay trong thời kỳ mang thai.
Khi đứa trẻ ra đời, muốn con phát triển toàn diện, mẹ nên:
- Nuôi con bằng sữa mẹ , ăn ngủ đúng liều lượng, điều độ.
- Tạo môi trường sống trong lành, vệ sinh sạch sẽ để hạn chế con mắc phải các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa.
-Tiêm phòng đầy đủ.
-Khi con có biểu hiện bệnh tật, bạn nên cho con đi khám bệnh. Nếu con biếng ăn chậm lớn, bạn cần cho con đi khám bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn, bổ sung vi chất dinh dưỡng để con ăn ngon miệng và hấp thu tốt hơn.
-Tham khảo thông tin về thuốc, cách chữa bệnh trên internet là điều cần thiết nhưng phải có chọn lọc và tham khảo ý kiến của thầy thuốc chuyên khoa.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Thêm thứ này vào nước rồi tưới cho cây khế, hoa sai trĩu cành, kết trái ngọt lịm quanh năm
Cây khế là loại cây có nhu cầu dinh dưỡng trung bình cao. Cây trưởng thành nên được bón phân...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...