Hình ảnh trường rộng về sao Mộc được tổng hợp từ dữ liệu do kính James Webb thu thập. Ảnh: NASA/ESA/CSA/ ERS/Ricardo Hueso/Judy Schmidt 

Sao Mộc sẽ đạt xung đối, nghĩa là nằm đối diện với Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất, vào ngày 26/9. Đây là lý do người yêu thiên văn đang ngày càng dễ quan sát hành tinh khí khổng lồ này ở phía đông, không lâu sau khi Mặt Trời lặn ở phía tây. Hiện tượng xung đối hành tinh tiếp theo sẽ diễn ra vào đầu tháng 12, khi sao Hỏa trở nên sáng rõ trên bầu trời.

Vì quỹ đạo của các hành tinh không hoàn toàn tròn nên khoảng cách giữa Trái Đất và sao Mộc có thể chênh lệch giữa các lần xung đối (xung đối với sao Mộc diễn ra khoảng 13 tháng một lần). Ngày 26/9 tới sẽ là lần Trái Đất cách sao Mộc gần nhất trong khoảng 70 năm, chỉ hơn 590 triệu km. Vì vậy, đây là cơ hội hiếm để quan sát sao Mộc.

Hiện tại, sao Mộc là thiên thể sáng nhất trên bầu trời đêm, ngoại trừ Mặt Trăng. Người yêu thiên văn chỉ cần ra ngoài sau khi Mặt Trời lặn vài tiếng, nhìn về đường chân trời phía đông, sau đó bắt đầu đưa mắt lên trên để tìm kiếm vật thể trông sáng nhất và không nhấp nháy như các ngôi sao bình thường.
 
Đến ngày 26/9, về mặt kỹ thuật, sao Mộc sẽ ở gần Trái Đất nhất và sáng nhất, nhưng sự chênh lệch này có thể khó nhận biết bằng mắt thường. Tuy nhiên, sao Mộc hôm đó sẽ mọc rất gần thời điểm Mặt Trời lặn, sau đó lặn rất gần thời điểm Mặt Trời mọc.

Sao Mộc là hành tinh thứ 5 tính từ Mặt Trời và cũng là hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời. Sao Mộc có đường kính khoảng 143.000 km và có khối lượng gấp 318 lần Trái Đất, thể tích gấp 1.321 lần, theo NASA. Khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và sao Mộc là khoảng 620 triệu km.