Cả nước mới tiêm được khoảng 51 triệu liều vaccine COVID-19 mũi 3 và 4; hàng chục tỉnh, thành tiêm chậm
Sáng 7/7, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục nhắc nhở các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19, tuy nhiên vẫn có hàng chục tỉnh, thành đã liên tục nằm trong danh sách tiêm chậm các mũi nhắc lại: mũi 3 và mũi 4 cho cả đối tượng trên 18 tuổi và trẻ từ 12- 17 tuổi.

Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên, kết quả tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): Tổng số có 46.158.580 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 68,8%), trong ngày có 27 tỉnh triển khai với 57.365 người được tiêm:

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 thấp: Hải Phòng (43,1%); Quảng Nam (45,4%); Đồng Nai (43,7%); Cà Mau (42,9%); Hậu Giang (35,1%).

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 cao: Thanh Hóa (93,8%); Bắc Giang (95,8%); Nghệ An (95,0%).

Cả nước mới tiêm được khoảng 51 triệu liều vaccine COVID-19 mũi 3 và 4; hàng chục tỉnh, thành tiêm chậmẢnh: Trần Minh

Về kết qủa tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 4.851.371 mũi tiêm (34,0%), trong ngày có 27 tỉnh triển khai với 60.628 người được tiêm.

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 thấp: Hà Nội (15,8%); Bắc Cạn (3,2%); Nghệ An (9,8%); Lai Châu (14,5%); Đồng Tháp (8,8%).

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 cao: Quảng Ninh (77,1%); BR-VT (83,9%); Cà Mau (79,1%);

Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Ghi nhận 8.653.309 trẻ tiêm đủ 2 mũi đạt 98,7%; Tiêm nhắc: 999.345 trẻ (11,4%).

Tỉnh tiêm mũi nhắc thấp dưới 5% gồm: Miền Bắc (14 tỉnh, thành): Hà Nội; Nam Định;Hà Nam; Phú Thọ; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Quảng Ninh; Nghệ An; Lạng Sơn; Hà Giang;Cao Bằng; Yên Bái; Điện Biên.

Miền Trung (2 tỉnh): Quảng Nam; Bình Thuận

Miền Nam (9 tỉnh): Tiền Giang, Long An; Sóc Trăng; Trà Vinh; Vĩnh Long; Đồng Tháp; Bình Phước; Kiên Giang; Hậu Giang.

Các tỉnh có kết quả tiêm nhắc tốt: Ninh Bình (47,9%); Thanh Hóa (47,3%); Tây Ninh (47,0%).

Ca mắc mới COVID-19 có xu hướng tăng nhẹ khoảng 200 ca/ngày
Bộ Y tế cho biết, ngày 6/7 có 913 ca mắc COVID-19 mới. Trong ngày có hơn 7.600 bệnh nhân khỏi, cao gấp 8 lần số mắc mới

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.751.227 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.495 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 9.732.548 ca. Trong số các bệnh nhân đang theo dõi, giám sát có 29 trường hợp thở ô xy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 21 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy xâm lấn: 4 ca.

Theo Bộ Y tế, số ca mắc mới COVID-19 trong 2 ngày qua có xu hướng tăng nhẹ khoảng 200 ca so với mấy ngày trước đó) và chỉ ghi nhận 2 ca tử vong trong 7 ngày qua. Trong bối cảnh biến thể BA.4 và BA.5 đã xâm nhập vào nước ta thì vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch, Bộ Y tế tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, đặc biệt bảo đảm tiến độ tiêm đối với trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi và tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên;

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới của COVID-19; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta; Đẩy nhanh triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2022-2023.

Sau nhiễm COVID-19, trẻ em có thể mắc hội chứng MIS-C
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, đa số trẻ nhiễm SARS-CoV-2 sẽ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.

Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh vẫn có một số trẻ có hội chứng sau nhiễm COVID-19 cấp tính. Hội chứng sau nhiễm COVID-19 cấp tính khi các triệu chứng xuất hiện sau ≥ 04 tuần khi trẻ đã khỏi bệnh và không giải thích được bởi bất kỳ chẩn đoán nào khác.

Hội chứng sau nhiễm COVID-19 bao gồm:

- Triệu chứng hô hấp là thường gặp nhất.

- Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) ở trẻ em ít gặp nhưng nặng cần nhập viện cấp cứu. Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em xuất hiện sau mắc COVID-19 khoảng 02 - 06 tuần khi trẻ bị: Sốt; Tăng các chỉ số viêm (CRP ≥ 5 mg/L, máu lắng, procalcitonin); Tổn thương ≥ 2 cơ quan (da niêm, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, thần kinh).