Sáng 13/8: Ca COVID-19 nặng tăng gần gấp đôi; Nhiều tỉnh đã ghi nhận các biến thể mới có khả năng lây lan nhanh hơn
Ca COVID-19 nặng tăng gần gấp đôi
Bộ Y tế cho biết ngày 12/8 có 2.192 ca COVID-19 mới, trong ngày số khỏi bệnh gấp 2,5 lần số mắc mới và có 1 trường hợp tại Quảng Ninh tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.362.540 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.562 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.009.451 ca; trong số bệnh nhân đang theo dõi, điều có 116 trường hợp thở ô xy trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 86 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 10 ca; Thở máy không xâm lấn: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 18 ca. Như vậy số bệnh nhân nặng tăng thêm 51 trường hợp so với ngày trước đó.
Bộ Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Các địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; chỉ đạo đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch.
Ban Chỉ đạo quốc gia: Địa phương phải đánh giá nghiêm túc tình hình COVID-19
Theo kết luận Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại phiên họp thứ 16, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới. Dịch đang bùng phát trở lại tại nhiều nước phát triển, có nền y tế hiện đại.
Tại Việt Nam, nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới có khả năng lây lan nhanh hơn. Một số địa phương tiêm vaccine COVID-19 chưa đảm bảo tiến độ đề ra theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, cùng với đó là nguy cơ suy giảm khả năng bảo vệ của vaccine theo thời gian.
Do vậy, các ngành, các cấp, địa phương cần tập trung nắm chắc tình hình, diễn biến dịch bệnh; đánh giá nghiêm túc, thực tế, khách quan về tình hình dịch bệnh; không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được.
Đồng thời chủ động chỉ đạo triển khai các phương án phòng, chống dịch theo thẩm quyền được giao và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo quy chế làm việc của Chính phủ.
Trong một tháng qua, Kiên Giang có 338 ca mắc COVID -19 mới, trong đó, có 29 ca nhiễm biến chủng BA.2, 6 trường hợp nhiễm biến thể BA.5.
Theo báo cáo ngành y tế Kiên Giang, những địa phương ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể BA.5 và BA.2 là huyện An Biên, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Kiên Hải và TP Phú Quốc.
Hầu hết các trường hợp mắc COVID-19 gần đây đều ở thể nhẹ, ít triệu chứng nên các bệnh nhận được quản lý, điều trị tại nhà.
Trước đó sáng 2/8, Sở Y tế tỉnh Bình Dương phát đi thông báo khẩn về kết quả giải trình tự gen virus SASR-CoV-2 của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh khẳng định vừa phát hiện hai trường hợp nhiễm dòng phụ BA.5 trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Trước đó, ngày 30/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang cho biết: Đơn vị vừa ghi nhận ca nhiễm biến chủng BA.5 của Omicron ở Khu phố 2, Phường 5, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đây là ca nhiễm đầu tiên thuộc chủng BA.5 trên địa bàn tỉnh vừa được ghi nhận.
Tại TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ cũng đã phát hiện các ca bệnh COVID-19 nhiễm biến thể BA.4, BA.5.
Kêu gọi người nhóm máu O hiến máu để đảm bảo tỷ lệ dự trữ mức an toàn
Nhiều tháng qua, trung bình mỗi ngày, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đều tiếp nhận được 1.000 – 1.200 đơn vị máu, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời cho 180 cơ sở y tế tại 28 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 8/2022 đến nay, nhu cầu sử dụng máu nhóm O tại nhiều bệnh viện tăng cao, khiến lượng máu dự trữ nhóm O giảm hẳn.
Có nhiều ngày Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cung cấp lượng máu nhóm O rất lớn như: ngày 27/7 với 1.070 đơn vị máu nhóm O (chiếm 49,8% tổng lượng máu cung cấp); ngày 28/7 với 1.000 đơn vị (chiếm 50,2% tổng lượng máu cung cấp); ngày 4/8 với 880 đơn vị (chiếm 51,7% tổng lượng máu cung cấp); ngày 5/8 với 976 đơn vị (chiếm 52,3% tổng lượng máu cung cấp)…
TS.BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: Khoảng 45% dân số Việt Nam có nhóm máu O nên số lượng người bệnh cần truyền máu nhóm này luôn cao hơn so với các nhóm máu khác. Tỷ lệ dự trữ an toàn với máu nhóm O cần đạt khoảng 50% mới đủ đáp ứng cho nhu cầu cấp cứu và điều trị, tuy nhiên đến ngày 11/8, lượng máu O dự trữ chỉ còn 36%.
Để giảm thiểu nguy cơ thiếu máu nhóm O, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trân trọng kính mời người dân có nhóm máu O, đủ điều kiện sức khỏe tới hiến máu tại một trong các địa điểm:
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội). Thời gian từ 7h30 – 19h00 tất cả các ngày (kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ).
Các điểm hiến máu cố định tại Hà Nội: 26 Lương Ngọc Quyến (Hoàn Kiếm); số 10 – ngõ 122 đường Láng (Đống Đa); Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Km13+500, Quốc lộ 1A, Thanh Trì). Thời gian từ 8h – 12h và 13h30 – 17h từ thứ 3 đến Chủ nhật (nghỉ thứ 2 và ngày lễ).
Người tham gia hiến máu cũng có thể hiến máu tại các địa điểm hiến máu khác được đăng tải trên App "Hiến máu".
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 593,4 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này đã ghi nhận thêm 128.714 ca mắc mới COVID-19 (trong đó có 464 ca nhập cảnh), nâng tổng số ca bệnh lên 21.111.840 ca. Số ca mắc mới nghi nhận ngày 12/8 giảm so với 137.241 ca ghi nhận ngày 11/8, song vẫn cao hơn so với 112.858 ca ghi nhận 1 tuần trước đó. Số ca bệnh thể nặng tăng từ 35 ca một ngày trước đó lên 453 ca, mức cao nhất kể từ ngày 24/5.Ngày 10/8, Nhật Bản ghi nhận 250.403 ca mắc mới COVID-19, mức cao kỷ lục theo ngày, trong bối cảnh có nhiều quan ngại về nguy cơ quá tải đối với hệ thống y tế do bùng phát làn sóng dịch mới. Tổng số ca mắc mới trong ngày 10/8 thậm chí còn vượt mức kỷ lục 249.830 ca ghi nhận ngày 3/8.
Đã có 20 trong tổng số 47 tỉnh thành ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao chưa từng có, trong đó thủ đô Tokyo tới 34.243 ca; 2 tỉnh Osaka và Aichi lần lượt là 23.730 ca và 18.862 ca.
Bộ Y tế Nhật Bản cũng cho biết trên cả nước đã có thêm 251 ca tử vong, số ca COVID-19 phải nhập viện với các triệu chứng nghiêm trọng tăng 16 ca so với ngày 9/10 lên 597 ca, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh ghi nhận trong mùa Hè vừa qua (hơn 2.000 ca bệnh nặng trong nhiều tuần).
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....