Sa lầy ở dự án ‘ma’, khách hàng trầy trật đòi hàng trăm tỷ mua đất
Vẽ quy hoạch “ma”, bán đất thu hàng trăm tỷ
Cuối tuần qua (ngày 10/8), hàng chục khách hàng mua đất tại dự án “ma” Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc (dự án Viet-Inc) đã tập trung tại trụ sở Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Hưng Hải (Công ty Hưng Hải) trên đường Thành Thái (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để đòi số tiền 248,7 tỷ đồng.
Theo phản ánh của khách hàng, từ năm 2010 đến 2011, có 148 khách hàng đã bỏ hàng tỷ đồng mua đất tại dự án nhưng đến nay dự án vẫn chỉ là ruộng trồng rau. Bỏ ra tiền tỷ nhưng người dân chỉ nhận đất trên giấy.
“Chúng tôi đều là những người bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công tyTNHH Thương mại và dịch vụ TST (Công ty TST). Số tiền lên tới 265 tỷ đồng bằng việc bán khống đất tại dự án Việt-Inc. Vụ việc lừa đảo đã được đưa ra xét xử, người phạm tội lừa đảo đã bị xử phạt tù. Thậm chí, năm 2018 Hà Nội đã ra quyết định chấm dứt thực hiện dự án nhưng tiền của cả trăm khách hàng bỏ ra mua đất tại dự án vẫn bị chiếm đoạt” – một khách hàng cho biết.
Liên quan đến dự án này, theo tìm hiểu của PV VietNamNet, ngày 7/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có quyết định giao cho Công ty CP Tài chính và Bất động sản Việt (Công ty BĐS Việt) làm chủ đầu tư và thực hiện dự án Viet-Inc tại xã Vân Canh, huyện Hoàn Đức, Hà Tây cũ (nay là TP Hà Nội). Theo quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt sau đó 1 tuần, dự án không có nhà liền kề mà chỉ có 71 biệt thự cao cấp với diện tích từ 280-450m2, nhà ở hỗn hợp cao 35 tầng…
Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội năm 2008, dự án phải dừng triển khai để rà soát lại quy hoạch. Từ đó đến nay dự án chưa triển khai thêm bước nào theo trình tự quy định, chưa điều chỉnh quy hoạch đảm bảo phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị, chưa có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư.
Tuy nhiên, tháng 7/2009, Công ty BĐS Việt ký kết “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” với Công ty Hưng Hải về việc hợp tác đầu tư xây dựng dự án Viet-Inc qua đó Công ty Hưng Hải sở hữu 90% quyền thực hiện dự án với giá trị gần 57,6 tỷ đồng.
Năm 2010, Công ty Hưng Hải lại ký “Hợp đồng về việc hợp tác đầu tư xây dựng dự án” với Công ty TST. Với hợp đồng này, Công ty TST tham gia vào dự án sở hữu 90% quyền đầu tư và hưởng lợi từ dự án Viet-Inc “thế chỗ” Công ty Hưng Hải. Công ty TST phải trả cho Cty Hưng Hải số tiền là 295 tỷ đồng, gấp 5 lần số tiền Công ty Hưng Hải bỏ ra ban đầu.
Sau hợp đồng trên, mặc dù biết rõ dự án chưa có quyết định thu hồi, chưa giải phóng mặt bằng, Công ty TST không phải là chủ đầu tư, không được phép huy động vốn và trong quy hoạch không có nhà liền kề nhưng với mục đích để thu được lợi nhuận cao và có tiền trả cho Công ty Hưng Hải,khi ấy Phạm Mạnh Cường - Giám đốc Công ty TST đồng ý cho Nguyễn Thị Minh Thương -Trưởng ban quản lý dự án thuê vẽ bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 trong đó có nhà liền kề, lô đất nhà vườn…
Khi giao dịch với các sàn bất động sản và người mua đất họ đưa ra bản đồ quy hoạch giả cùng các thông tin gian dối là dự án thuộc Khu đô thị Đại học Vân Canh mở rộng đã đền bù giải phóng mặt bằng, đang trong quá trình san lấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng để khách hàng tin tưởng và giao tiền.
Theo bản án sơ thẩm ngày 29/3/2019, Toà án nhân dân TP Hà Nội xác định, trong các năm 2010 và 2011, theo hình thức hợp đồng vay vốn đầu tư (thực chất là mua bán đất) Cường và Thương đã nhận và chiếm đoạt của 148 khách hàng là 265,2 tỷ đồng.
Đối với Công ty Hưng Hải, Công ty TST đã chuyển 248,7 tỷ đồng cho công ty này trong tổng số 295 tỷ đồng tiền theo Hợp đồng hợp tác đã ký kết.
Tại bản án sơ thẩm cũng nêu rõ: “Cơ quan điều tra đã ra quyết định tạm giữ số tiền 248,7 tỷ đồng do Công ty Hưng Hải nhận của Công ty TST nhưng công ty Hưng Hải không chấp hành”.
Nhận gần 250 tỷ, Hưng Hải có đứng ngoài cuộc?
Trước đó, nêu tại bản Kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản năm 2016, nêu về việc sử dụng số tiền đã chiếm đoạt, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) CA TP Hà Nội cho biết, ngay sau khi thu tiền của người mua đất, Thương đã nhận tại Công ty TST 34 phiếu chi chuyển trực tiếp bằng tiền mặt và mang về nộp cho Công ty TST 35 phiếu thu của Công ty Hưng Hải tương ứng số tiền là 248,7 tỷ đồng.
Cũng theo Cơ quan CSĐT, Mai Kim Thạch – Giám đốc Công ty Hưng Hải ký hợp đồng về việc hợp tác đầu tư xây dựng dự án để nhận 248,7 tỷ đồng của Công ty TST là trái luật, mặc dù Công ty TST đã nhiều lần có công văn đề nghị thanh lý và trả lại số tiền này nhưng Công ty Hưng Hải không thực hiện.
Ngày 9/12/2015, Cơ quan CSĐT tiến hành lập biên bản giao Quyết định tạm giữ đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án hình sự đối với số tiền 248,7 tỷ đồng mà Công ty Hưng Hải nhận trái phép của Công ty TST nhưng Công ty Hưng Hải không thực hiện.
Công ty Hưng Hải không chấp nhận giao nộp vì cho rằng hợp đồng chuyển giao quyền hợp tác đầu tư không phải là Hợp đồng chuyển nhượng dự án, luật pháp không cấm các bên tham gia. Công ty Hưng Hải không biết và không chịu trách nhiệm đối với các sai phạm của Công ty TST trong việc huy động vốn trái phép.
Để điểu tra, xác minh và xử lý đối với các sai phạm của các cá nhân tại Công ty Hưng Hải,Cơ quan điều tra đã có các công văn yêu cầu Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính cung cấp thông tin và nêu rõ quan điểm để cơ quan điều tra xử lý nhưng đều không nhận được văn bản trả lời của các cơ quan có thẩm quyền.
Được biết, do thời hạn điều tra đã hết nên Cơ quan điều tra tiếp tục tách tài liệu có liên quan để làm rõ và xử lý sau.
Mặt khác, Công ty TST và Công ty Hưng Hải đã khởi kiện vụ án về tranh chấp hợp đồng bao gồm cả việc kiện đòi 248,7 tỷ đồng. Toà án nhân dân quận Nam Từ Liêm đã thụ lý, xét xử và ban hành bản án. Bản án sơ thẩm bị kháng cáo, Toà án nhân dân TP Hà Nội đang thụ lý, giải quyết và ban hành quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Từ đó, Toà án nhân dân TP Hà Nội cho rằng chưa đủ căn cứ để buộc Công ty Hưng Hải phải giao nộp ngay 248,7 tỷ đồng theo yêu cầu của các bị hại.
Theo khách hàng tại dự án, rõ ràng ngày 9/12/2015, Cơ quan CSĐT CA TP. Hà Nội đã lập biên bản giao Quyết định tạm giữ đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án hình sự đối với số tiền 248,7 tỷ đồng. Vậy mà giờ đây lại đẩy số tiền đó sang giải quyết ở vụ án dân sự tại toà quận Nam Từ Liêm là không đúng quy định của pháp luật bởi số tiền mà Hưng Hải đang chiếm dụng trái phép là bằng chứng của vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Đào Thị Liên, Công ty Luật Tiền Phong, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, trong vụ án này, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội và Viện kiểm sát đã có những văn bản tố tụng khẳng định số tiền 248,7 tỷ đồng mà Công ty TST thu được của khách hàng đã được chuyển đến Công ty Hưng Hải thông qua 34 phiếu chi tiền mặt cho bà Thương nhân viên công ty TST để nộp trực tiếp cho Công ty Hưng Hải.
Các cơ quan tố tụng khẳng định, số tiền này Công ty TST đã thu của 148 bị hại và số tiền này do lừa đảo mà có được, chính là tang vật của vụ án này.
Theo bộ luật Hình sự năm 1999 và 2015, những tang vật vụ án là tiền thuộc về các bị hại thì phải trả lại cho bị hại. Có nghĩa là, Công ty Hưng Hải phải trả tiền các bị hại.
“Số tiền Công ty Hưng Hải đang giữ là số tiền lớn. Tôi cho rằng, nếu làm đúng, các cơ quan tố tụng phải ra các biện pháp tư pháp như tịch thu, phong tỏa, kê biên số tiền của Công ty Hưng Hải đang chiếm giữ thì mới kịp thời đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Việc chậm đưa ra các biện pháp tư pháp sẽ gây thiệt hại lớn cho các bị hại”, luật sư Đào Thị Liên nói.
Mới đây, các khách hàng tại dự án đã có đơn khiếu nại xem xét huỷ bỏ bản án của Toà án nhân dân quận Nam Từ Liêm liên quan đến vụ án tranh chấp thương mại giữa Công ty Hưng Hải và Công ty TST về chuyển nhượng quyền hợp tác đầu tư dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc.
Nêu tại đơn khiếu nại, khách hàng cho rằng, Cơ quan CSĐT đã xác định số tiền 248,7 tỷ đồng mà Công ty Hưng Hải đang chiếm giữ là tiền của các bị hại trong vụ lửa đảo bán đất dự án. Tuy nhiên khi xét xử Toà án nhân dân Quận Nam Từ Liêm đã không xác nhận bị hại chúng tôi là người có nghĩa vụ và liên quan trong vụ án, đã vi phạm nghiêm trọng các thủ tục tố tụng gây ảnh hưởng lớn đến những người bị hại và kết quả vụ án hình sự liên quan, làm tội phạm có cơ hội chiếm đoạt bất hợp pháp 248,7 tỷ tiền do lừa đảo mà có.
Tại bản án sơ thẩm ngày 29/3/2019, Toà án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên bị cáo Phạm Mạnh Cường (sinh năm 1952, nguyên Giám đốc Công ty TST) lĩnh mức án chung thân; Nguyễn Thị Minh Thương (sinh năm 1964, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án) bị phạt 20 năm tù.
Ngoài mức hình phạt trên, Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc Công ty TST phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền chiếm đoạt cho các khách hàng.
Công ty TST đã ký hợp đồng với 148 khách hàng, chiếm đoạt gần 265,3 tỷ đồng (đã trả lại gần 108 tỷ đồng)Hiện mới có 88 bị hại đến trình báo với số tiền bị chiếm đoạt là hơn 166,7 tỷ đồng, Công ty TST đã trả lại các bị hại là hơn 25,7 tỷ đồng. 60 bị hại khác không đến cơ quan điều tra trình báo bị chiếm đoạt 98,5 tỷ đồng, Công ty TST đã trả lại 82,2 tỷ đồng.
Thêm thứ này vào nước rồi tưới cho cây khế, hoa sai trĩu cành, kết trái ngọt lịm quanh năm
Cây khế là loại cây có nhu cầu dinh dưỡng trung bình cao. Cây trưởng thành nên được bón phân 4-6 lần một năm và cây non nên bón phân 30-60 ngày một lần trong suốt mùa sinh trưởng.
Có 3 loại cây nhà giàu nào cũng thích: Trồng trước nhà hút tài lộc đuổi vận xui, trồng sau...
Theo người xưa, những loại cây này được cho là mang đến sự phú quý, thịnh vượng và may mắn cho gia chủ.
Tiền tài không vào cửa bẩn, tuyệt đối phải dọn sạch 5 vị trí này trong nhà
Người xưa cho rằng sạch sẽ là "phong thủy tốt nhất" của một ngôi nhà. Do đó, để thu hút may mắn và tài lộc, việc giữ gìn sự sạch sẽ của ngôi nhà là điều không thể thiếu.
Thợ lâu năm mách cách vệ sinh máy lọc không khí vừa sạch lại tiết kiệm hóa đơn tiền điện:...
Cần cân nhắc những điều này khi mua và vệ sinh máy lọc không khí để máy sử dụng được lâu dài.