Rối loạn tiền mãn kinh và những điều phụ nữ cần biết
Nội dung bài viết
1. Rối loạn tiền mãn kinh là gì?
Khi phụ nữ bước vào độ tuổi 40 sẽ có một số biểu hiện bất thường về cảm xúc và sinh lý như: hay chán nản, cáu gắt, mệt mỏi, tâm lý thất thường, dễ bốc hỏa, kinh nguyệt không đều, khô rát vùng kín...
Hầu hết mọi phụ nữ đều phải trải qua giai đoạn này mới bắt đầu giai đoạn mãn kinh, đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ sinh đẻ. Và đương nhiên, đa số mọi phụ nữ đều phải trải qua các triệu chứng rối loạn về sức khỏe tâm sinh lý như trên, người ta gọi đó là những rối loạn tiền mãn kinh.
Các nghiên cứu cho thấy, chẳng có một độ tuổi nào đánh dấu chính xác giai đoạn tiền mãn kinh ở phụ nữ. Có một số phụ nữ ngoài 30 đã có những rối loạn tiền mãn kinh. Tuy nhiên, cũng có một số bước vào độ tuổi 50 mới xuất hiện. Đa số rơi vào độ tuổi từ 40 - 45.
Vì vậy, nếu bạn đang ở trong độ tuổi trên, bạn sẽ có một vài hoặc tất cả những triệu chứng của rối loạn tiền mãn kinh trên. Điều này hoàn toàn là hiện tượng sinh lý bình thường.
2. Nguyên nhân của hiện tượng rối loạn tiền mãn kinh
Nguyên nhân chủ yếu gây nên những rối loạn tiền mãn kinh là do nội tiết tố nữ trong cơ thể phụ nữ bị giảm mạnh.
Ở cuối những năm 30 tuổi, buồng trứng sẽ tạo ra ít estrogen và progesterone hơn. Vì thế mà khả năng sinh sản của bạn cũng giảm dần. Đến 40 tuổi, kinh nguyệt bắt đầu thất thường, lúc dài lúc ngắn. Cho đến 50 tuổi thì buồng trứng sẽ ngừng hẳn không sản xuất trứng và bạn sẽ hoàn toàn tắt kinh.
Ngoài ra ở một số phụ nữ xuất hiện các triệu chứng tiền mãn kinh sớm có thể là do một số yếu tố khác như:
- Cắt bỏ tử cung và buồng trứng: Nếu bạn cắt bỏ tử cung để lại buồng trứng thì trứng vẫn rụng và kinh nguyệt bình thường. Nhưng nếu bạn cắt cả buồng trứng thì hành kinh sẽ ngừng ngay lập tức. Bạn sẽ có những dấu hiệu bốc hỏa đột ngột, tình trạng nghiêm trọng hơn những người phụ nữ bị rối loạn tiền mãn kinh bình thường.
- Suy buồng trứng sớm: Hiện tượng này ít hơn nhưng nó vẫn có thể xảy ra đối với một số ít phụ nữ. Ở những phụ nữ này, buồng trứng không còn khả năng tạo các kích thích tố sinh sản dẫn đến mãn kinh sớm. Từ đó sinh ra những triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh.
- Ngoài ra các biến chứng về một số bệnh tật, hóa trị và xạ trị ung thư cũng có thể gây ra hiện tượng rối loạn tiền mãn kinh ở phụ nữ.
3. Biểu hiện của rối loạn tiền mãn kinh
Thường mỗi người bước vào giai đoạn này đều có mức độ nặng nhẹ khác nhau. Có người chỉ có vài biểu hiện nhưng có người lại có tất cả những biểu hiện của rối loạn tiền mãn kinh.
Dưới đây là những biểu hiện của rối loạn tiền mãn kinh thường gặp:
3.1. Kinh nguyệt không đều, giảm khả năng sinh sản
Đây là triệu chứng mà hầu hết phụ nữ đều gặp phải. Ở giai đoạn này, bạn sẽ không thể xác định được lúc nào mình rụng trứng, chu kỳ kinh nguyệt trở nên dài hơn hoặc ngắn hơn, lượng máu kinh lúc nhiều lúc ít, thậm chí là mất kinh rồi lại thấy kinh trở lại.
Một hệ lụy tiếp theo của việc kinh không đều sẽ làm cho khả năng sinh sản cũng kém đi. Tuy nhiên bạn vẫn có thể có thai nếu không dùng các biện pháp phòng tránh.
3.2. Những cơn bốc hỏa thất thường
Bốc hỏa cũng là một triệu chứng hay gặp của phụ nữ trong giai đoạn này. Nó sẽ làm cho bạn có cảm giác nóng ran đột ngột, phần mặt lúc nào cũng đỏ bừng. Khi bị bốc hỏa mạnh, tim bạn sẽ đập nhanh hơn và đổ rất nhiều mồ hôi mặc dù bạn chẳng có vận động gì mạnh.
Một số phụ nữ nặng hơn có thể đổ mồ hôi vào ban đêm nhiều như tắm, ướt hết cả chăn ga sau đó lại là cảm giác ớn lạnh.
Một giả thiết giải thích cho vấn đề bốc hỏa có thể do thay đổi ở vùng dưới đồi gây hiểu sai về nhiệt độ cơ thể và bắt đầu hạ nhiệt bằng cách làm giảm mạch máu gần với bề mặt da để tăng lưu lượng máu khiến da chuyển sang màu đỏ và đổ mồ hôi.
3.3. Say sẩm mặt mày
Nhức đầu, chóng mặt cũng sẽ xảy ra thường xuyên trong giai đoạn này bởi sự suy giảm hormone. Bạn có thể gặp các triệu chứng như: chóng mặt, quay cuồng, buồn nôn...
3.4. Tăng cân nhanh và tích mỡ thừa ở vùng bụng
Hầu hết chị em đều bị tăng cân nhanh và thường tập trung ở vùng bụng. Nguyên nhân là do nồng độ estrogen giảm khiến việc lưu trữ chất béo chuyển từ hông, đùi sang vùng bụng. Estrogen giảm sẽ khiến cho cơ thể có xu hướng lưu trữ nhiều chất béo hơn và làm chậm khả năng đốt cháy chất béo của quá trình trao đổi chất khiến bạn dù có ăn ít cũng tăng cân như thường.
3.5. Hay lo lắng, thay đổi tâm trạng nhanh và có thể trầm cảm
Khoảng 23% phụ nữ trải qua các trạng thái lo âu thậm chí trầm cảm khi bước qua giai đoạn này. Điều này được giải thích là do sự thiếu hụt estrogen tác động đến não bộ và hệ thần kinh.
3.6. Mất ngủ, ngủ không ngon giấc
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ngủ, thức dậy nhiều lần trong đêm như: nồng độ nội tiết suy giảm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, đổ mồ hôi nhiều trong đêm khiến quần áo ướt đẫm làm bạn tỉnh giấc, tình trạng lo lắng cũng khiến bạn khó ngủ...
3.7. Giảm ham muốn tình dục
Sự thiếu hụt estrogen sẽ khiến môi âm đạo mất tính đàn hồi, tiết ít chất bôi trơn dẫn đến thành âm đạo khô, mỏng, dễ rách, đau khi giao hợp. Điều này khiến chị em sợ hãi và né tránh quan hệ tình dục.
Bên cạnh đó, yếu tố mất ngủ, hay lo lắng cũng khiến cho bạn không còn thời gian để ham muốn "chuyện ấy" nữa.
Ngoài ra, còn một số triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh khác cũng có thể xảy đến đối với chị em như: Rụng tóc, loãng xương, trí nhớ suy giảm, da khô và nhiều vấn đề về da khác...
4. Điều trị rối loạn tiền mãn kinh
Rối loạn tiền mãn kinh là hiện tượng sinh lý bình thường nên hầu hết không cần phải điều trị. Thay vào đó là tập trung làm giảm các triệu chứng nhằm ngăn ngừa các tính trạng mãn tính có thể xảy ra song song cùng quá trình lão hóa.
Một số phương pháp điều trị rối loạn tiền mãn kinh bao gồm:
- Liệu pháp hormone: Suy giảm hormone là nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn tiền mãn kinh nên đây là liệu pháp hiệu quả nhất để giảm các cơn bốc hỏa. Nếu tình trạng của bạn nặng có thể tìm đến bác sĩ điều trị để được tư vấn và dùng estrogen giảm các triệu chứng cho bạn. Tuyệt đối không được tự dùng thuốc bởi nó có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe.
- Thuốc bôi âm đạo: Ngoài sử dụng thuốc uống người ta còn sử dụng estrogen dạng gel để bôi vào âm đạo giúp giải phóng một lượng nhỏ estrogen, làm giảm sự khó chịu do khô âm đạo khi giao hợp.
- Thuốc chống trầm cảm liều thấp: Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có thể làm giảm cơn bốc hỏa. Thuốc này cũng phải được chỉ định của bác sĩ.
Song song với việc điều trị theo phương pháp trên, phụ nữ khi bước vào thời kỳ này cũng nên chủ động chế độ ăn uống khoa học, ít chất béo, vận động thường xuyên để giúp cơ thể thoải mái hơn, hạn chế được các triệu chứng do rối loạn tiền mãn kinh mang đến.
Rối loạn tiền mãn kinh tuy không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của chị em phụ nữ. Đặc biệt là trong giao tiếp. Vì vậy bạn nên chia sẻ nó với người thân của mình để được thông cảm hơn đồng thời chủ động đối phó với những cơn bốc hỏa tạm thời bằng các biện pháp nói trên.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....