Nhiều người nhận thấy rằng tâm trạng của họ bị ảnh hưởng sau khi khỏi Covid-19. Thông thường, cơ thể không khỏe có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người bệnh. Vì vậy, không có gì lạ khi bạn cảm thấy tâm trạng thấp hơn sau khi trải qua căn bệnh nguy hiểm như Covid-19.

Một nghiên cứu hồ sơ sức khỏe điện tử lớn từ Vũ Hán (Trung Quốc) cho thấy nhiều người bệnh sau khi khỏi Covid-19 thực sự có nhiều nguy cơ bị rối loạn tâm trạng và lo lắng trong 3 tháng sau đó. Theo dữ liệu, SARS-CoV-2 có thể xâm nhập vào não, với hơn 1/3 số bệnh nhân bị nhiễm bệnh phát triển các triệu chứng thần kinh.

Tiến sĩ Stephanie Collier, giảng viên tâm thần học tại Trường Y Harvard (Mỹ), giải thích ngoài nhiễm trùng não, đại dịch còn dẫn đến kết quả sức khỏe tâm thần tồi tệ hơn do tâm lý bị cô lập, cô đơn, thất nghiệp, căng thẳng tài chính và mất người thân.

"Việc kê đơn thuốc chống trầm cảm đã tăng vọt, bạo lực do bạn tình và ý định tự tử cũng gia tăng, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Tất cả yếu tố này có thể ảnh hưởng tâm trạng và sức khỏe tâm thần của mọi người", tiến sĩ Collier cho biết.

Tâm trạng sụt giảm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người bệnh sau khi khỏi Covid-19. Ảnh: Indiatimes.

Dấu hiệu tâm trạng thấp hậu Covid-19

Theo India Times, người bệnh có thể cảm thấy buồn bã, lo lắng hoặc hoảng sợ quá thường xuyên. Cảm giác tức giận hoặc thất vọng cũng có thể cho thấy tác động của Covid-19 kéo dài đến tâm trạng.

Các triệu chứng khác bao gồm cảm giác tuyệt vọng, tự ti và mệt mỏi. Những người mắc di chứng Covid-19 kéo dài cũng có thể cảm thấy lo lắng hơn bình thường.

Tâm trạng thất thường sẽ cải thiện sau vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, nếu cảm giác tiêu cực không biến mất sau 2 tuần, khiến người bệnh kiệt sức hoặc có dấu hiệu không muốn tiếp tục cuộc sống, đó có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm do Covid-19 kéo dài.

Ngoài ra, không thích thú với cuộc sống và khó tập trung vào những việc hàng ngày, chẳng hạn đọc báo hoặc xem TV, cũng có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.

Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến chế độ ăn uống và giấc ngủ. Người bệnh có thể tìm cách ăn uống thoải mái hoặc chán ăn. Về giấc ngủ, họ có thể ngủ nhiều hơn bình thường hoặc không thể ngủ được. Nếu bạn gặp các triệu chứng trầm cảm hầu như cả ngày, mỗi ngày, trong hơn 2 tuần, người bệnh cần đến bệnh viện.

Cách kiểm soát và cải thiện tâm trạng thấp

Đầu tiên và quan trọng nhất, người bệnh nên dành thời gian và đối xử tốt với bản thân trong thời gian hồi phục hậu Covid-19. Việc phục hồi cần có thời gian và điều quan trọng là người bệnh phải để bản thân nghỉ ngơi và hồi phục.

Lối sống lành mạnh có thể có ảnh hưởng lớn đến tâm trạng. Nếu bạn đang trải qua những di chứng Covid-19 kéo dài, hãy hạn chế uống rượu, chọn chế độ ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc và tập một số bài tập thể dục (tùy thuộc vào thể lực của từng người).

Kết nối với gia đình và bạn bè thông qua gọi điện thoại, gọi video hoặc nhắn tin văn bản cũng có thể giúp cải thiện tâm trạng. Nếu bạn không có sức để thực hiện các công việc thường ngày, hãy thực hiện từng bước nhỏ. Hoàn thành được những hoạt động nhỏ lẻ sẽ mang lại cảm giác thích thú và thoải mái hơn cho bạn.