Các bệnh viện ở Quảng Bình kê thêm giường để điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

Bác sĩ Nguyễn Viết Thái, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, cho biết, do bệnh nhân bị sốt xuất huyết đến điều trị đông nên ngoài Khoa Truyền nhiễm, Khoa Nhi, đơn vị phải trưng dụng thêm một phần Khoa Ngoại để huy động thêm giường điều trị cho người bệnh. Hiện, Bệnh viện đang điều trị cho gần 200 bệnh nhân sốt xuất huyết với sự nỗ lực bảo đảm thuốc, dịch truyền và vật tư y tế điều trị cho người bị bệnh. Tuy nhiên, do dịch sốt xuất huyết năm nay kéo dài, bệnh diễn biến chuyển nặng nhanh, trong khi đó, Bệnh viện chưa có máy lọc tiểu cầu cho bệnh nhân cần truyền máu, nên đơn vị phải chuyển nhiều ca bệnh nặng lên tuyến trên.

Tương tự, Khoa nhiễm và Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy luôn quá tải vì bình quân mỗi ngày tiếp nhận 30-40 bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết.

Bệnh viện phải huy động thêm lực lượng hỗ trợ và kê thêm giường ở phòng cách ly các khoa khác. “Hiện, Khoa Truyền nhiễm chỉ chuyên điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, còn các bệnh khác như sốt siêu vi, cúm…được chuyển về các khoa khác điều trị. Bệnh viện không có dịch cao phân tử và máu để truyền cho người bệnh giảm tiểu cầu nghiêm trọng nên các bác sĩ phải theo dõi chặt diễn biến bệnh của từng ca để chuyển tuyến kịp thời, tránh tình trạng bệnh nhân chuyển nặng và tử vong do sốt xuất huyết”- đại diện lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Lệ Thủy cho biết.

Ở Khoa Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới giường bệnh không lúc nào trống. Ngược lại, có thời điểm Khoa này tiếp nhận điều trị hơn 100 ca, phải kê thêm giường và đề nghị tăng cường nhân lực từ các khoa khác để hỗ trợ điều trị ca bệnh sốt xuất huyết. Cùng với nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 3, số ca sốt bị xuất huyết tăng đột biến, gây quá tải trong thời gian dài đã tạo áp lực không nhỏ cho đội ngũ y bác sĩ làm việc tại đây.

Trước diễn biến phức tạp đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật tư, trang thiết bị và thuốc để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy trình tiếp nhận, phân loại ca bệnh, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương huy động lực lượng phối hợp với ngành y tế tập trung cho chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy, bảo đảm tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiêu diệt bọ gậy.

Các đơn vị y tế địa phương giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch để diệt muỗi chủ động nhằm ngăn chặn không để dịch sốt xuất huyết kéo dài.