Anh Trần Nhật có hai con đang học tiểu học ở Hà Nội cho biết: "Thật khó hiểu khi nhà trường lại yêu cầu phụ huynh đóng tiền sổ liên lạc điện tử eNetViet trong khi hiện nay ở hầu hết các lớp đều có nhóm kết nối ứng dụng miễn phí như zalo, viber, facebook…". Theo anh Nhật, lớp của các con anh đều có nhóm chat riêng giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh, mọi tương tác trên nhóm vừa kịp thời, thuận tiện, gần gũi, sâu sát hơn so với việc chỉ nhận thông tin một chiều từ sổ liên lạc điện tử.
Chưa kể, nhiều phụ huynh học sinh cho rằng, các chức năng trên sổ liên lạc điện tử eNetViet như: Điểm danh, xin nghỉ học; Thời khóa biểu; Nhiệm vụ, bài tập; Đăng ký, khảo sát; Bảng điểm học tập; Nhiệm vụ học tập; Hoạt động hằng ngày đều không hiệu quả bởi tất cả những thông tin đó thì giáo viên chủ nhiệm đã thông tin hằng ngày, hằng giờ trên các nhóm chat miễn phí cho phụ huynh hoặc trong các buổi họp phụ huynh nên nhiều người còn không nhớ cả mật khẩu.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, nếu phụ huynh đã đăng ký sử dụng sổ liên lạc điện tử rồi cũng có quyền thôi sử dụng nếu cảm thấy không hiệu quả. 

 

Nhiều phụ huynh cho rằng, phải chi trả 20.000 đồng/tháng/học sinh tiền sổ liên lạc điện tử uy không nhiều nhưng lãng phí xã hội bởi phụ huynh chỉ đóng tiền và gần như không sử dụng đến nên kiến nghị bỏ sổ liên lạc điện tử thu phí trong nhà trường.
 
Phụ huynh có quyền không sử dụng sổ liên lạc điện tử?
Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, từ nhiều năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội sử dụng eNetViet như một phần mềm quản lí cơ sở dữ liệu giáo dục của toàn ngành. Phần mềm này giúp hỗ trợ công tác điều hành của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, Ban giám hiệu nhà trường và công tác chuyên môn của cán bộ giáo viên trong các trường học.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, chủ trương của Sở GD&ĐT Hà Nội là sử dụng ứng dụng eNetViet miễn phí và không bắt buộc. Phụ huynh chỉ cần tải app, đăng kí tài khoản bằng số điện thoại là có thể sử dụng. Phụ huynh nào cũng có thể tải app và đăng ký tài khoản bằng số điện thoại là có thể sử dụng.

Trong quá trình sử dụng, phụ huynh có thể trao đổi, thỏa thuận với nhà trường về việc cần bổ sung, cung cấp thêm thông tin gì. Khi đó, giáo viên sẽ là người nhập dữ liệu, thông tin học sinh, tình hình học tập lên hệ thống để phụ huynh theo dõi. Quá trình sử dụng không hiệu quả phụ huynh cũng có thể phản hồi với nhà cung cấp để nâng cấp.

"Phụ huynh có quyền đăng ký hoặc không đăng ký sử dụng thêm dịch vụ sổ liên lạc điện tử thu phí. Nhà trường không có quyền ép buộc phụ huynh sử dụng, công ty cung cấp phần mềm không có quyền ép nhà trường sử dụng dịch vụ sổ liên lạc thu phí. Khi phụ huynh đã đăng ký rồi cũng có quyền thôi sử dụng nếu cảm thấy không hiệu quả", ông Tiến khẳng định.

Với những ý kiến của phụ huynh về việc tại sao phải sử dụng sổ liên lạc điện tử trong khi đã có nhiều ứng dụng miễn phí như zalo, viber…, ông Tiến cho rằng, những ứng dụng như mạng xã hội đang sử dụng hiện nay có thể làm rò rỉ thông tin cá nhân hay xuất hiện các trường hợp giả mạo, không kiểm soát được người dùng, trong khi sử dụng phần mềm có tính năng bảo mật cao để trao đổi thông tin cá nhân học sinh sẽ đảm bảo an toàn hơn.