Phòng đột quỵ: Đừng đợi nước đến chân!
Mới đây, một nam thanh niên 30 tuổi khi đang chạy bộ tại công viên bỗng dưng ngã gục. Được đưa đi cấp cứu nhưng anh đã không qua khỏi. Bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân đột tử có thể do gắng sức nên nhồi máu cơ tim hoặc vỡ mạch máu não dẫn đến đột quỵ.
Người trẻ đột quỵ ngày càng nhiều
Trước đó, một người đàn ông 54 tuổi đang ăn cơm, uống rượu bất ngờ lả dần, không nói được. Khi được đưa đến Bệnh viện (BV) Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) thì bệnh nhân đã trong tình trạng lơ mơ, gọi - hỏi không đáp ứng, liệt nửa người bên phải. Người nhà cho biết ông có tiền sử tăng huyết áp kèm đái tháo đường, từng bị nhồi máu não cách đây 1 năm nhưng không uống thuốc dự phòng. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp đột quỵ não cấp.
Theo Hội Đột quỵ Việt Nam, nước ta mỗi năm có khoảng 200.000 - 225.000 người bị đột quỵ. Nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở mọi độ tuổi, ngành nghề. Tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam cao gấp 4 lần nữ.
Thống kê tại 10 trung tâm đột quỵ ở nước ta với hơn 2.500 bệnh nhân cho thấy 7,6% là người dưới 45 tuổi và tỉ lệ này có xu hướng tăng. Tại Trung tâm Đột quỵ - BV Bạch Mai (Hà Nội), mỗi ngày tiếp nhận khoảng 40 ca đột quỵ vào cấp cứu, trong đó 10% là người trẻ. Các bác sĩ cho biết nhiều người trẻ còn lơ là với triệu chứng đột quỵ và khi vào tới viện thì tình trạng đã nặng.
TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc BV Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ, cho biết ngày càng có không ít người trẻ đột quỵ được đưa đến cấp cứu với tình trạng xuất huyết não. Nhóm bị đột quỵ phổ biến nhất là không biết mình bị tăng huyết áp. "Có bệnh nhân mới 41 tuổi, khi đưa đến nơi thì không còn cứu kịp" - bác sĩ Cường cảnh báo.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Chi, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hà Nội, hầu hết đột quỵ ở người trẻ liên quan nhiều yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc lá, rượu bia, ít vận động... "Đột quỵ ở người trẻ còn do những bất thường bẩm sinh như dị dạng mạch máu não vốn có từ bé, đến thời điểm phình mạch đủ lớn gây vỡ" - PGS Chi nhấn mạnh.
Phòng ngừa đúng cách
Theo các chuyên gia, lâu nay ở nước ta rất ít người chú trọng việc phòng ngừa, tầm soát đột quỵ. Phòng ngừa là vấn đề cần được chú trọng hơn điều trị. Thống kê cho thấy gần 60% người bị tăng huyết áp ở Việt Nam chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Phần lớn bệnh nhân đột quỵ có tăng huyết áp.
GS-TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, cho biết muốn ổn định huyết áp và phòng ngừa đột quỵ, người bệnh phải sử dụng thuốc điều trị huyết áp lâu dài kết hợp điều chỉnh lối sống theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, thực tế việc chủ quan trong điều trị và xem nhẹ mức độ nguy hiểm của bệnh khiến nhiều người mắc phải những sai lầm nghiêm trọng.
Ngoài ra, cộng đồng nên sàng lọc các bệnh mạn tính để đánh giá nguy cơ đột quỵ. Chẳng hạn đau đầu có hàng chục nguyên nhân, song đau đầu có tăng huyết áp, có tiền sử bệnh tim, có rối loạn nhịp tim thì phải nghĩ đến nguy cơ đột quỵ. Người luôn căng thẳng, huyết áp không được kiểm soát thì chỉ một cơn cáu giận có thể dẫn đến tăng huyết áp, vỡ mạch máu não. "Khi phòng ngừa sớm, nguy cơ xảy ra đột quỵ sẽ thấp đi rất nhiều. Với người có tăng huyết áp, biện pháp hữu hiệu nhất là chủ động kiểm soát huyết áp ở mức an toàn dưới 140/90 mmHg" - GS Thông lưu ý.
Theo các bác sĩ, triệu chứng đột quỵ đôi khi chỉ là những cơn đau nửa đầu kéo dài vài giờ hoặc vài ngày nên nhiều người chủ quan, không đi khám, nhất là người trẻ. Có khoảng 20% ca đột quỵ có cơn thiếu máu não thoáng qua nhưng không chú ý. Cách tốt nhất là dự phòng bệnh. Người có tiền sử đau đầu, gia đình có người bị tai biến, người từ 40 tuổi trở lên có huyết áp cao, mắc bệnh tim mạch cần được bác sĩ thăm khám, sàng lọc, chụp mạch máu não để có thể can thiệp kịp thời và dự phòng đột quỵ.
PGS-TS Nguyễn Văn Chi cho biết hiện nay có nhiều gói tầm soát đột quỵ được quảng cáo trên mạng xã hội, tuy nhiên việc sàng lọc thăm khám phải theo chỉ định của các thầy thuốc chuyên khoa. "Chúng tôi không khuyến cáo người bình thường tầm soát đột quỵ và không phải đối tượng nào cũng cần chụp cộng hưởng từ, chụp mạch máu, xét nghiệm… để sàng lọc đột quỵ bởi như vậy sẽ rất tốn kém. Người dân muốn tầm soát đột quỵ nên gặp bác sĩ chuyên khoa để đánh giá yếu tố nguy cơ. Chẳng hạn, người có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, các bệnh lý van tim, loạn nhịp tim, bệnh lý về máu, thận, phổi… cần được điều trị và kiểm soát tốt nhất" - PGS Chi nhấn mạnh.
Tầm soát ra cộng đồng
Mới đây, đơn vị thuộc hệ thống BV S.I.S Cần Thơ đã triển khai chương trình chụp MRI não, mạch máu não tầm soát đột quỵ miễn phí và đã ghi danh sách cho 1.000 người dân. Đối tượng đợt này là người đã từng bị đột quỵ chưa rõ nguyên nhân cần tìm nguyên nhân điều trị dự phòng tái phát; người có triệu chứng sớm của đột quỵ (cơn thiếu máu não thoáng qua, trẻ em bị động kinh, người trẻ bị đau đầu kéo dài, sụp mi mắt...); người có các yếu tố nguy cơ cao của đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm, bệnh lý tim mạch…
Theo PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - BV Bạch Mai, nước ta ước tính cần gần 400 đơn vị/trung tâm/khoa đột quỵ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay mới có khoảng 130 BV có khoa đột quỵ, chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu.
Nam giới bụng to, nhìn cho sang hay chỉ toàn tác hại?
Nam giới bụng to không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình của phái mạnh mà còn là “thủ phạm” của...
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.