Trí tưởng tượng là gì?

Trí tưởng tượng ở con người thật sự là một thứ kỳ diệu, nó thậm chí còn quan trọng hơn cả tri thức sách vở. Trí tưởng tượng có thể giúp tư duy trẻ phát huy tối ưu, là cội nguồn sáng tạo khiến trẻ tìm thấy nhiều niềm vui và đạt những thành tựu ngoài mong đợi.

Kích thích trí tưởng tượng cho trẻ thậm chí còn quan trọng hơn cả điểm số - Ảnh minh họa: Internet

Trí tưởng tượng chính là khả năng tái tạo, liên tưởng, chuyển hướng những hình tượng vốn có tạo nên những điều mới mẻ, kỳ diệu hơn. Chẳng hạn khi trẻ vẽ một ông mặt trời, dưới sự dẫn dắt của trí tưởng tượng phong phú, trẻ có thể vẽ ra được cả “tâm trạng ông mặt trời” với dáng vẻ vui tươi hoặc buồn bã, tức giận v.v… Ngoài ra, màu sắc mà trẻ sử dụng cũng được sáng tạo phong phú.

Trong quá trình tưởng như “hoang tưởng” này từ trí tưởng tượng, các khả năng giao tiếp, bộc lộ cảm xúc và tương tác xã hội của trẻ đều được nâng cao, ngay cả sự tự tin và năng lực kiểm soát bản thân cũng tốt hơn. Đồng thời, trẻ còn dễ dàng giải quyết các vấn đề một cách thông minh, tích cực.

Làm thế nào để kích thích trí tưởng tượng cho trẻ?

Trí tưởng tượng không thể chỉ dựa vào sự dạy dỗ thông thường mà đòi hỏi bố mẹ phải “dụng tâm” rất nhiều trong quá trình nuôi dạy con cái. Bạn cần cho trẻ đủ những cơ hội tìm tòi, khám phá, tiếp xúc vạn vật, cho phép trẻ bày tỏ ý kiến và có sự khẳng định lẫn khen ngợi chân thành khi trẻ phát huy khả năng sáng tạo của mình.

Ngoài ra, lúc bình thường, bạn có thể dùng một số phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả để phát triển trí tưởng tượng cho trẻ.

Hãy để trẻ phát huy trí tưởng tượng qua những nét vẽ - Ảnh minh họa: Internet

Hỗ trợ sở thích vẽ vời của trẻ để gieo “hạt giống” tưởng tượng

Trẻ con đều thích vẽ nhưng đa phần trẻ chỉ biết vẽ nguệch ngoạc hoặc tùy hứng mà chưa biết cách phát huy tính sáng tạo. Bố mẹ có thể thường xuyên “đồng hành” cùng trẻ trong những giây phút vẽ tranh này. Bạn vẫn để trẻ thỏa sức tưởng tượng nhưng sẽ gợi ý và đưa ra đánh giá tác phẩm cho trẻ. Khi trẻ làm tốt đừng ngại khen ngợi và có một phần thưởng nho nhỏ.

Ngoài ra, bạn nên đứng ở góc độ của trẻ để tán thưởng mang tính khơi gợi, kích thích. Chẳng hạn trẻ thường vẽ những chấm đen nhỏ trên giấy, bạn có thể nói: “Con giỏi quá, đây là những hạt mè đen đúng không nào?” Hay lúc trẻ vẽ một vòng tròn to, bạn có thể gợi ý rằng: “Đây là cái bánh nướng mà con thích ăn đúng không?”

Đọc sách, kể chuyện sẽ kích thích trí tưởng tượng

Theo Pcbaby, trẻ còn nhỏ, mẹ nên chọn các loại sách hay truyện với hình ảnh phong phú, bắt mắt và thường xuyên kể cho bé nghe. Bên cạnh “nguyên tác”, ban đầu bạn nên đặt các câu hỏi đúng với những gì đã kể, khích lệ trẻ đưa ra đáp án.

Dần dần, bạn có thể đặt câu hỏi mở bằng cách đưa ra các tình huống khác với câu chuyện trong sách, dẫn dắt trẻ đưa ra cách giải quyết vấn đề như thế nào v.v… Như vậy trẻ càng có nhiều trẻ nghiệm đa dạng và hình thành tư duy đa chiều, phát huy trí tưởng tượng vượt trội.

Những trò chơi mở với nhiều tình huống khác nhau giúp trẻ tư duy sáng tạo hơn - Ảnh minh họa: Internet

Khuyến khích trẻ chơi những trò chơi mở

Thực tế mỗi món đồ chơi đều có thể trở thành “bạn đồng hành” để phát triển trí tưởng tượng cho trẻ. Chẳng hạn với một tấm thảm nhỏ hay một chiếc hộp, một con búp bê v.v… bạn nên hướng dẫn trẻ chơi với chúng bằng những vai trò và cách chơi khác nhau. Mỗi một tình huống như vậy, trẻ sẽ phải tư duy và sáng tạo để có thể đạt được niềm vui trong khi chơi.

Hãy đưa trẻ ra ngoài nhiều hơn để mở rộng tầm nhìn

Đừng vì sợ nguy hiểm mà khư khư giữ trẻ ở nhà. Điều này chính là bạn đang tước mất cơ hội được khám phá thế giới của trẻ. Hãy sắp xếp thời gian hợp lý, đồng hành cùng trẻ trong những buổi đi chơi ngoài trời, cho trẻ tiếp xúc thiên nhiên và dạy trẻ nhận biết vạn vật. Như vậy, trẻ càng có thêm nhiều tri thức mới, vừa kích thích khả năng liên tưởng, tư duy và sáng tạo.