Theo UBND TPHCM, thời gian qua tình hình tội phạm xâm hại trẻ em có nhiều điểm đáng báo động như giảm số vụ nhưng tăng tính chất nghiêm trọng, đối tượng xâm hại trẻ em mở rộng hơn trước, độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ…

Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TPHCM, chiều 1/6, phóng viên Dân trí đã đặt câu hỏi cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về các nội dung xoay quanh vấn đề này. Trong đó, khi người dân phát hiện trường hợp trẻ bị xâm hại thì phản ánh qua đâu; cơ quan nào sẽ tiếp nhận và xử lý thông tin; đồng thời, cơ quan chức năng có cách thức nào để nâng cao nhận cho trẻ để tự bảo vệ bản thân.

Bé trai nghi bị ép sử dụng chất là ma túy đá (Ảnh cắt từ clip).

Trả lời câu hỏi trên, đại diện Sở LĐ-TB&XH cho biết, theo quy trình, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo ngay cho nơi tiếp nhận thông tin khi phát hiện trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Nơi tiếp nhận thông tin là UBND phường, xã, thị trấn nơi xảy ra vụ việc; số điện thoại nóng 113 (Công an TPHCM); Tổng đài 1900545559 của Trung tâm công tác xã hội trẻ em TPHCM; Tổng đài 18009069 của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM; Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111.

Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH cũng phối hợp ra mắt mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực tại Bệnh viện Hùng Vương (quận 5). Mô hình này sẽ tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại chỗ cho bệnh nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.

Nếu cần nơi tạm lánh khẩn cấp, nhân viên Công tác xã hội Bệnh viện Hùng Vương sẽ chuyển gửi nạn nhân tới Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố (quận Gò Vấp) để chăm sóc và nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khác theo nhu cầu.

Theo báo cáo của UBND TPHCM về việc thực hiện Nghị quyết 121 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em tại TPHCM có chiều hướng giảm về số vụ, tuy nhiên, tính chất các vụ việc ngày càng nghiêm trọng.

Độ tuổi trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ, tập trung nhiều ở độ tuổi từ 10 đến dưới 16 tuổi và đa phần là trẻ em gái. Người thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng.

Họ không chỉ là những người lao động phổ thông có trình độ dân trí thấp mà còn là người có nghề nghiệp ổn định, dân trí cao, có địa vị xã hội và tập trung ở người từ 18 tuổi trở lên.

Phần lớn người xâm hại trẻ em là nam giới, hầu hết là người quen biết, họ hàng, bạn của gia đình trẻ. Một số trường hợp xâm hại diễn ra thời gian dài, thậm chí nhiều năm nhưng nạn nhân im lặng.

Theo thống kê của TPHCM, toàn địa bàn đang có gần 1,9 triệu trẻ em, chiếm gần 19% dân số thành phố. Qua thống kê, năm 2021, toàn địa bàn ghi nhận 114 trẻ em bị xâm hại, năm 2022 là 147 trẻ và 4 tháng đầu năm 2023 là 65 trẻ.

Trong số các vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn, số vụ xâm hại tình dục chiếm đa số. Kế đến là các hành vi bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em, bạo lực trẻ em và mua bán trẻ em.