Lên chức bố không hề đơn giản! Đàn ông bị “nghén đầu thai kỳ” là như thế nào?

Hiện tượng những ông chồng cũng có những triệu chứng giống như nghén đầu thai kỳ khi vợ mình mang thai không phải hiếm gặp. Vấn đề này cũng được rất nhiều chuyên gia tiến hành điều tra và nghiên cứu.

Nếu là lần đầu có con, đàn ông càng dễ có hiệu tượng "ốm nghén thay vợ" - Ảnh minh họa: Internet

Theo báo cáo đăng trên Pcbaby, các nhà khoa học của trường đại học St George's (Luân Đôn, Anh) đã tổng kết điều tra thống kê với 282 người đàn ông đang sắp chào đón đứa con bé bỏng.

Họ phát hiện đàn ông trong độ tuổi từ 19 đến 55 ít nhiều đều sẽ có hiện tượng “ốm nghén” đầy bất ngờ và thú vị, chẳng hạn như bị chuột rút, đau lưng, tâm trạng dao động, nhức răng, mất ngủ, trầm cảm và cả thay đổi khẩu vị v.v…

Thậm chí có người còn bị nôn vào sáng sớm hoặc bụng có cảm giác “động đậy” giống hệt như vợ đang mang bầu.

Có khoảng 11 người trong nhóm tham gia điều tra có đến gặp bác sĩ nhưng hoàn toàn không hề có bệnh tật gì. Một số sẽ mất đi hiện tượng nghén rất nhanh, nhưng một số kéo dài đến khi vợ sinh con.

Đàn ông ốm nghén thay vợ đa phần là xuất phát từ tâm lý và cũng là minh chứng cho tình yêu dành cho vợ

Tình yêu và sự quan tâm vợ cũng là yếu tố tâm lý khiến chồng dễ có phản ứng "ốm nghén" - Ảnh minh họa: Internet

Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia thì hiện tượng các ông chồng có triệu chứng “nghén” khi vợ mang thai phần nhiều có thể xuất phát từ nguyên nhân quá quan tâm và lo lắng cho bà xã của mình.

Khi biết tin sắp lên chức bố, tâm lý của người chồng sẽ xảy ra một loạt thay đổi. Họ cảm thấy bản thân tuy không phải mang nặng đẻ đau nhưng cũng cần chuẩn bị mọi thứ thật tốt để đảm nhận vai trò làm bố đầy thiêng liêng này.

Đặc biệt nếu là lần đầu có con thì đàn ông càng khó tránh căng thẳng, áp lực, cho nên khi vợ có biểu hiện ốm nghén thì người chồng cũng rất dễ phản ứng theo.

Làm sao để cải thiện “ốm nghén” cho cả chồng lẫn vợ?

Thực tế, hiện tượng bố ốm nghén bắt nguồn từ mẹ. Do đó, để khắc phục tình hình này, giúp mẹ giải tỏa những triệu chứng “khó ở” sẽ hóa giải được căn nguyên.

Quan tâm và đỡ đần vợ nhiều hơn

Chồng nên sắp xếp công việc thỏa đáng để có thêm thời gian bên vợ bầu - Ảnh minh họa: Internet

Ngay cả lúc trước khi có con, hai vợ chồng nên bàn bạc để có sự thống nhất trong mọi mặt. Sau đó, hai người có thể cùng học hỏi và trang bị kiến thức, kinh nghiệm cho kế hoạch mang thai sắp tới.

Trong thời gian vợ mang bầu, người chồng cần chủ động sắp xếp công việc để có thể gần gũi và đỡ đần vợ nhiều hơn. Đặc biệt người đàn ông nên chú ý đến thay đổi tâm trạng của vợ để kịp thời san sẻ, giải tỏa căng thẳng cho người bạn đời.

Khi vợ giữ được tinh thần vui tươi thì các triệu chứng ốm nghén cũng giảm đi, như vậy phản ứng “nghén” ở chồng cũng không còn.

Dành cho vợ nhiều món ngon để cải thiện khẩu vị và dinh dưỡng

Vợ chồng cùng thưởng thức những món ngon để cải thiện sức khỏe và giảm triệu chứng nghén - Ảnh minh họa: Internet

Khi mang thai, phụ nữ cần được ăn uống tốt hơn để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Nếu chịu khó bỏ ra một chút công sức lẫn tình yêu dành cho vợ, người chồng có thể học nấu vài món ngon đích thân chế biến cho vợ.

Một mặt vừa cải thiện bữa ăn cho cả hai vợ chồng, vừa tăng thêm tình cảm và sự gắn kết, giúp cả hai giải tỏa được áp lực, giảm các hiện tượng nghén trong thai kỳ.

Cùng nhau vận động

Bà bầu không nên chỉ ngồi hay nằm quá nhiều. Vận động vừa phải luôn đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của thai nhi. Người chồng có thể dành thời gian để ở bên vợ, cùng nhau tập luyện, chẳng hạn như đi bộ, yoga v.v… Hoạt động thể chất giúp cải thiện tâm trạng của cả hai, tăng cường sức đề kháng.