Yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ

Gần đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận điều trị cho trường hợp người bệnh N.T.L, 46 tuổi, ngụ tại Tân Phú có tiền sử cao huyết áp. Trong lúc làm việc, anh L đột ngột bị méo mặt, nói khó. Anh được đưa đến cấp cứu và được chẩn đoán đột quỵ. Sau 20 phút can thiệp mạch, anh L đã phục hồi nhanh chóng, tiếp tục được theo dõi tại Đơn vị Đột quỵ.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ, anh L vẫn có nguy cơ đột quỵ tái phát nếu không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.

TS BS. Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, huyết áp cao là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến tình trạng đột quỵ ở người bệnh. Bệnh lý này làm tăng áp lực máu đến tim, thúc đẩy xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim - mạch vành, đặc biệt là tình trạng tổn thương các động mạch xuyên nhỏ.

Theo đánh giá, khoảng 77% trường hợp đột quỵ lần đầu có liên quan đến tình trạng tăng huyết áp. Bằng cách kiểm soát tốt yếu tố huyết áp, nguy cơ đột quỵ có thể giảm 35 - 40%.

Bác sĩ Thắng cho biết thêm, các bệnh về tim cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ đáng chú ý. Trong đó, rung nhĩ là bệnh lý tim mạch có nguy cơ gây đột quỵ cao nhất, chiếm khoảng 50% số ca bệnh.

Ngoài ra, còn có hẹp van tim, suy tim, van cơ học, nhồi máu cơ tim. Người bệnh đột quỵ do các bệnh lý tim mạch có nguy cơ tái phát đột quỵ cao. Tuân thủ điều trị và xây dựng kế hoạch dự phòng từ sớm chính là chìa khóa để ngăn ngừa tình trạng này.

Người có bệnh đái tháo đường cũng thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ đột quỵ tăng cao, gấp 2 - 6 lần so với người bệnh thông thường khác. Tuy nhiên, đái tháo đường là yếu tố có thể điều chỉnh được. Do đó, kiểm soát tốt tình trạng bệnh có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ đột quỵ.

Lý do đột quỵ gia tăng ở người trẻ

Theo BS CKII. Nguyễn Đức Thành - Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nguy cơ đột quỵ cũng có thể bắt nguồn từ lối sống sinh hoạt kém lành mạnh. Ví như thói quen hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn uống nhiều đường, dầu mỡ, cay nóng hay thói quen ít vận động, tình trạng căng thẳng kéo dài đều là các yếu tố lối sống dễ gây khởi phát đột quỵ.

Đây cũng là lý do tại sao người bệnh đột quỵ ngày càng "trẻ hóa". Để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ cũng như ngăn ngừa tái phát, người bệnh cần tuân thủ điều trị bệnh lý nền, kiểm soát tốt các yếu nguy cơ do lối sống và tham gia các buổi phục hồi chức năng.

Khi bị đột quỵ, việc phục hồi chức năng cho người bệnh cần được thực hiện sớm nhất có thể, đều đặn và kéo dài nhiều năm. Phục hồi chức năng không chỉ giúp người bệnh thích nghi với những trở ngại do các di chứng, dần quay trở lại với cuộc sống bình thường, phòng ngừa các biến chứng mà còn đề cao vai trò của người thân trong việc hỗ trợ, đồng hành và động viên người bệnh.

Quá trình phục hồi chức năng ở người bệnh đột quỵ nên được tiến hành càng sớm càng tốt. 6 tháng đầu sau cơn đột quỵ được đánh giá là "khoảng thời gian vàng" của quá trình phục hồi. Tùy thuộc vào những chuyển biến của người bệnh mà quá trình này có thể kéo dài trong vài tháng, vài năm, thậm chí là cả cuộc đời.