Tôi vừa sinh bé thứ hai không lâu. Con gái đầu lòng của chúng tôi lên 6 tuổi rồi. Cách đây 2 năm, chồng tôi bắt đầu đi làm ăn xa. Khoảng vài tháng anh mới về một lần. 

Khi tôi sinh con, anh cũng chỉ về thăm nhà được mấy hôm rồi lại đi ngay. Chồng là trụ cột kinh tế, lo cho hai vợ chồng, hai đứa con nhỏ, lại thêm mẹ già, gánh nặng trên vai rất nặng nề. 

Khi trước tôi vẫn đi làm tuy rằng lương không cao nhưng từ khi mang bầu bé thứ 2, do sức khỏe yếu nên nghỉ ở nhà. Chồng đi làm xa, chỉ có mẹ chồng - nàng dâu chung sống, ai ở trong hoàn cảnh ấy thì biết là tôi không thoải mái gì. 

Ai ngờ chồng tôi vừa đi làm, mẹ chồng thay đổi thái độ một trời một vực. (Ảnh minh họa)

Mẹ chồng thường chê trách tôi bất tài, không đỡ đần được kinh tế cho chồng, để anh phải xa nhà tha phương kiếm sống. Nói đến chuyện cháu nội, bà bảo tôi là đồ không biết đẻ, hai đứa đều là con gái, mãi không sinh được con trai nối dõi tông đường. 

Rồi đủ thứ va chạm, mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày, tôi phải nhịn mẹ chồng như nhịn cơm sống. Tuy nhiên vì chồng là người chăm chỉ, có trách nhiệm và yêu thương các con gái nên tôi tự nhủ với bản thân rằng phải cố gắng để anh không phiền muộn. 

Mấy hôm chồng ở nhà, mẹ chồng tỏ ra săn sóc con dâu ở cữ khiến anh rất yên tâm. Ai ngờ chồng tôi vừa đi làm, mẹ chồng thay đổi thái độ một trời một vực. Ngay tối hôm đó, bà đi mua về một thùng mì tôm, tuyên bố lúc nào bà mệt không nấu cơm được thì sẽ cho tôi ăn tạm. 

- Không thích ăn thì tự dậy mà nấu! 

Mẹ chồng biết thừa tôi vừa mới sinh mổ được mấy ngày, làm sao đã dậy làm lụng được, cho dù chỉ là việc nhẹ nhàng. Tôi cũng không có tiền nên chẳng thể gọi đồ ăn ngoài. Chồng nào biết ở nhà mẹ đối xử với vợ thế nào, anh nghĩ bà chăm vợ ở cữ nên đưa tiền cho mẹ chợ búa, cơm nước.

Bà không quan tâm đến việc tôi cần phải ăn uống đủ chất để cho con bú, có lẽ mẹ chồng mong chờ cháu trai nhưng lại phải thất vọng. Tủi thân uất nghẹn trước cách đối xử của mẹ chồng mà tôi cũng không biết phải làm sao. Than thở với chồng thì sợ anh phải suy nghĩ. Mẹ đẻ tôi mất rồi, bố lấy vợ kế, tôi thật sự chẳng còn nơi nương tựa.

Tối hôm trước mua mì tôm thì ngay trưa hôm sau mẹ chồng đã mang nước sôi và mấy gói mì vào để tôi tự úp mì ăn. Rồi bà than chóng mặt, đau đầu, phải về phòng nghỉ ngơi. Đau khổ cũng chẳng giải quyết được gì, tôi đành tự nhủ cố gắng vài ngày, sức khỏe khá lên tôi có thể tự mình nấu cơm. Ăn vài bữa mì tôm thì có gì đáng phải khóc lóc, ủ dột mãi!

Mấy ngày liền mẹ chồng cho tôi ăn một bữa mì tôm một bữa cơm trong ngày. Cho đến tối hôm đó, cô con gái 6 tuổi của tôi thấy mẹ ăn mì tôm thì buột miệng nói một câu ngây thơ: "Mai sau bà nội ốm, con cũng sẽ mua mì tôm cho bà ăn!".

Tôi giật mình nhìn con, mà mẹ chồng đứng cạnh đó nghe được lời của cháu gái thì tái mét mặt, run rẩy đứng không vững. Con bé ngây thơ có biết gì đâu. Tôi càng chưa bao giờ tiêm nhiễm những suy nghĩ không hay vào đầu óc con. 

Tôi giật mình nhìn con, mà mẹ chồng đứng cạnh đó nghe được lời của cháu gái thì tái mét mặt. (Ảnh minh họa)

Nó thấy tôi nằm trên giường thì nghĩ mẹ bị ốm vì sinh em bé. Mẹ ốm, bà nội cho mẹ ăn mì tôm, sau này bà ốm thì nó cũng mua mì tôm cho bà ăn. Vậy thôi chứ nó còn chưa ý thức được việc cho người khác ăn mì tôm lúc ốm là đối xử tốt hay không. 

Nhưng mẹ chồng tôi có lẽ đã nhận ra một thứ gọi là "báo đáp". Bà đối xử với người khác thế nào thì sau này bản thân sẽ nhận về sự đối xử tương tự. Thật sự tôi chưa bao giờ mang thù oán với mẹ chồng, bởi dù sao bà cũng là mẹ của chồng tôi, không có tình nghĩa thì còn có trách nhiệm cơ mà. 

Từ hôm sau, mẹ chồng không còn cho con dâu ăn mì tôm nữa, bữa cơm cũng phong phú và đủ chất hơn nhiều. Tất nhiên tôi vui mừng và nhẹ nhõm, hẳn là từ bây giờ mối quan hệ của mình và mẹ chồng sẽ được cải thiện. Chỉ là không ngờ tất cả lại nhờ một câu nói hồn nhiên vu vơ của con gái nhỏ.