Vụ tai nạn liên hoàn ở ngã tư Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội) do nữ tài xế trung niên gây ra khiến 3 người phải cấp cứu và nhiều phương tiện hư hỏng nặng.

Được biết nữ tài xế điều khiển xe ôtô nhãn hiệu Mercedes 5 chỗ gây tai nạn liên hoàn ở ngã tư Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) tên N. T.T.H (SN 1980, trú tại Thành Công, Ba Đình, Hà Nội).

Chị H. đã điều khiển xe ôtô di chuyển từ Xuân Thủy quay đầu sang đường Phạm Hùng, khi đến vị trí trên thì gây ra tai nạn.

"Hiện tại nữ tài xế đã lên Công an quận Cầu Giấy để lấy lời khai, phục vụ công tác điều tra”, một lãnh đạo Đội CSGT số 6 cho biết.

Vụ tai nạn khiến nhiều người bàng hoàng về những mối hiểm họa khi tham gia giao thông. 

Vụ tai nạn liên hoàn do nữ tài xế xe sang gây ra khiến mọi người bàng hoàng. Ảnh: MXH

Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, luật sư Nguyễn Anh Thơm nhận định thông tin ban đầu cho thấy, người điều khiển phương tiện ô tô này đã không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, vượt đèn đỏ đâm liên hoàn vào những người điều khiển xe mô tô gây hậu quả nghiêm trọng làm nhiều người bị thương, tài sản hư hỏng.

Theo đó, nữ tài xế đã vi phạm khoản 5, Điều 4 và điểm c, khoản 3, Điều 10 Luật giao thông đường bộ.

Hiện trường ngổn ngang sau vụ tai nạn liên hoàn. Ảnh: Phúc Văn.
Chiếc "xế hộp" bị hư hỏng nặng. Ảnh: Phúc Văn.

“Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Ngoài ra, các cơ quan pháp luật cần xác định các lỗi khác nếu có như sử dụng rượu bia, chất kích thích, bằng lái xe,... Với hậu quả xảy ra, hành vi của người điều khiển ô tô đã có dấu hiệu Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS 2015”, Luật sư Thơm nói.

Đây là tội phạm có cấu thành vật chất nên để có căn cứ xử lý, cần xác định hậu quả thiệt hại tổn hại sức khỏe để xử lý tương ứng theo quy định tại Điều 260 BLHS.

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.