Mới đây trên trang cá nhân, hot girl Kiều Ly Phạm - nữ chính của chương trình "Người ấy là ai" cho biết mình bị tổn thương dây thần kinh số 7 do làm việc và sử dụng điện thoại quá nhiều đã khiến cộng đồng mạng xôn xao.

Cụ thể dòng chia sẻ, Kiều Ly viết “Bình thường toàn làm việc trên điện thoại 10-12 tiếng/ ngày. Hôm qua đã giảm còn 7 tiếng, hôm nay sẽ cố gắng còn 5 tiếng. Sử dụng điện thoại và làm việc căng thẳng khiến cho dây thần kinh số 7 của mình bị chèn và tổn thương".

Thông tin bị tổn thương dây thần kinh số 7 của Kiều Ly chia sẻ trên facebook cá nhân. Ảnh minh họa: Internet

Hot girl cũng tiết lộ, để lấy lại sức khỏe của bản thân, trong thời gian tới cô sẽ dành nhiều thời gian để tập luyện, yoga, tập nhảy, đi chơi, đi du lịch. Hạn chế công việc và cắt giảm tối đa tinh bột.

Thông tin bị tổn thương dây thần kinh số 7 của Kiều Ly chia sẻ khiến nhiều người lo lắng vì thói quen sử dụng và làm việc nhiều trên điện thoại rất nhiều người gặp phải, nhất là những người trẻ tuổi làm dụng khá nhiều, có khi dùng hơn 10 tiếng một ngày.

Dây thần kinh số 7 là dây vận động, chi phối vận động cơ mặt. Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên hay còn gọi là liệt mặt ngoại biên, là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt, do tổn thương dây thần kinh mặt. Tình trạng này trái ngược với liệt mặt trung ương là tổn thương liên quan đến não.

Dấu hiệu tổn thương dây thần kinh số 7

Miệng bị méo, lệch hẳn sang một bên là một trong những dấu hiệu của liệt dây thần kinh số 7. Ảnh minh họa: Internet

- Mặt bị xệ hoặc hơi cứng một cách bất thường. Miệng bị méo, lệch hẳn sang một bên. Một bên mắt không thể nhắm kín.

- Uống nước rất khó khăn, dễ bị trào ra ngoài.

- Bỗng nhiên thấy mặt tê và một bên mặt yếu hẳn đi.

- Khó cười, khó nói. Đau nhức trong tai, đau nhức đầu.

- Vị giác kém.

Liệt dây thần kinh số 7 có nguy hiểm không

Bệnh liệt dây thần kinh số 7 có thể gây ra các di chứng nặng nề khác nhau như:

Các biến chứng mắt: viêm kết mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc, lộn mí. Các biến chứng này có thể phòng tránh bằng nhỏ mắt bảo vệ, đeo kính, khâu sụn mí hoàn toàn hay một phần.

Đồng vận: biểu hiện co cơ không tự chủ phối hợp với các hoạt động tự chủ như mép bị kéo khi nhắm mắt. Thất bại trong điều trị, phục hồi chức năng có thể giảm bớt khó chịu này.

Co thắt nửa mặt sau liệt mặt: biến chứng này gặp ở các thể nặng do tổn thương dây thần kinh với phân bố lại thần kinh một phần.

Hội chứng nước mắt cá sấu: hiếm gặp, biểu hiện chảy nước mắt khi ăn.

Ba thói quen dùng điện thoại gây hại sức khỏe 

Ngoài việc hạn chế sử dụng điện thoại, người trẻ cũng nên tránh 3 cách dùng điện thoại tai hại này.

Người trẻ cũng nên tránh 3 cách dùng điện thoại tai hại này. Ảnh minh họa: Internet

- Để điện thoại gần giường ngủ: Sóng điện thoại có thể ảnh hưởng đến não của bạn sau khi tiếp xúc trong nhiều giờ. Nếu bạn không thể tắt hoàn toàn hoặc để điện thoại ở một phòng khác trong khi bạn đang ngủ, hãy chuyển nó sang chế độ máy bay.

- Nhìn vào màn hình với tư thế xấu: Khi chúng ta cúi đầu về phía trước để nhìn vào màn hình sẽ gây ra sự căng thẳng trên đốt sống cổ. Theo thời gian, trọng lượng mà cổ bạn cảm thấy phải gánh chịu có thể nặng gấp 5 lần trọng lượng thực tế của đầu. Điều này gây ra đau cổ và tư thế bất thường.

- Tiếp xúc với ánh sáng xanh quá lâu: Bạn không nên xem điện thoại trước khi ngủ vì nếu tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh từ điện thoại sẽ ngăn chặn cơ thể sản sinh melatonin - các hormone điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ của bạn. Ánh sáng xanh cũng gây ra đau đầu và các vấn đề về mắt và thị giác.