Nữ bác sĩ 33 tuổi đột quỵ, chỉ rơi nước mắt khi nhìn con sau 20 ngày hôn mê
Nữ bác sĩ bị đột quỵ khi đang trên đường về chỗ làm
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh (33 tuổi) làm việc tại khoa Huyết học, Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội). Ngày 29/4 vừa qua, khi chuẩn bị trở lại bệnh viện làm việc sau chuyến về thăm quê, bác sĩ Linh được chồng - anh Nguyễn Tiến Duy phát hiện nằm co giật, răng cắn lưỡi khiến máu từ miệng chảy rất nhiều trong lúc chờ xe đến đón.
Bác sĩ Linh nhanh chóng được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nữ bác sĩ được chẩn đoán xuất huyết não, tiên lượng rất nặng. Chị được điều trị tích cực, đặt nội khí quản, thở máy, hạ thân nhiệt.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh. Ảnh: GĐCC.
TS.BS Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, đến nay bác sĩ Linh trải qua 21 ngày điều trị đột quỵ và đã được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện để tiếp tục theo dõi. “Bác sĩ Linh vẫn đang nguy kịch, cần điều trị lâu dài, tiến tới cai máy thở. Bệnh viện hỗ trợ tối đa cho bệnh nhân như giường bệnh, nhân lực. Tuy nhiên, có nhiều thuốc rất đắt, bệnh viện phải mua về và gia đình chi trả”, bác sĩ Hiệp thông tin.
Bác sĩ Hiệp cho biết, do hoàn cảnh gia đình bác sĩ Linh khó khăn, đang có hai con nhỏ nên bệnh viện đã kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ.
Ngày 18/5, anh Duy cho biết, sau gần 20 ngày hôn mê sâu, bác sĩ Linh đã tỉnh lại. “Sức khỏe của vợ tôi có tiến triển. Mắt có phản xạ, ánh mắt có hồn hơn. Mỗi khi người thân hỏi chuyện, cô ấy có biểu hiện nhíu mắt như muốn đáp lại. Đây là tín hiệu quá tốt với gia đình tôi”, anh Duy nói.
Trước đó, khi vợ có dấu hiệu tỉnh lại, anh Duy gọi điện thoại video cho con ở quê để gặp mẹ. Nhìn thấy con trong video, bác sĩ Linh đã nhận ra các con và có phản ứng chảy nước mắt. Cả gia đình vỡ òa trong hạnh phúc.
Nguyên nhân nào khiến nhiều người trẻ bị đột quỵ?
Đột quỵ não là tình trạng mất đột ngột lưu lượng máu tới não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não. Đây là lý do khiến người mắc có thể bị liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, trí nhớ, hôn mê và nguy cơ tử vong cao.
Người bị đột quỵ cần được cấp cứu trong thời gian vàng. Ảnh minh họa.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ và người trung niên bị đột quỵ chiếm đến ⅓ trong tổng số các ca đột quỵ. Trong đó, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm, số người mắc ở nam cao gấp 4 lần nữ.
Theo PGS.TS. BS Huỳnh Wynn Trần (tên thật là Trần Huỳnh), Trung tâm Y khoa Wynn Medical Center (Mỹ) có 2 loại đột quỵ là do vỡ mạch máu (xảy ra ở khoảng 20% số bệnh nhân) và nghẽn mạch máu (xảy ra ở 80% số bệnh nhân). Trong đó, đột quỵ do vỡ mạch máu thường dẫn đến nguy cơ tử vong cao hơn.
Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần cho biết, các nghiên cứu chỉ ra những rủi ro xảy ra đột quỵ ở người trẻ thường là:
Mất ngủ
Đây là rủi ro nguy hiểm ở người trẻ do mất ngủ thường xuyên dẫn đến các bệnh nguy hiểm khác như rối loạn chuyển hóa, mỡ máu cao, tăng huyết áp. Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần chỉ ra, thông thường mất ngủ ở người trẻ thường là do áp lực công việc, gia đình, xã hội, tài chính... Nếu mất ngủ hơn 3 lần một tuần khiến cho cơ thể mệt mỏi, hoạt động không hiệu quả và dễ có nguy cơ đột quỵ hơn.
Stress thường xuyên
Stress thường xuyên là nguyên nhân dễ dẫn đến cao huyết áp, khó ngủ và dễ khiến các bệnh nền khác tăng nặng. Stress kéo dài cũng dễ dẫn đến các bệnh tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, hay cao huyết áp, làm tăng nguy cơ bị đột quỵ.
Lười vận động không chỉ dễ khiến người trẻ bị đột quỵ mà còn là nguyên nhân của nhiều bệnh khác. Ảnh minh họa.
Có các bệnh nền mạn tính
Theo bác sĩ Huỳnh Wynn Trần, các bệnh nền mạn tính là cao huyết áp, tiểu dường, mỡ máu cao, bệnh gout, suy thận... Nếu các căn bệnh này không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến đột quỵ do vỡ mạch máu hay bị nhồi máu cơ tim.
Lối sống
Việc ít vận động, nhưng thường xuyên ăn nhiều đồ dầu mỡ hay các thực phẩm nhiều protein, uống rượu bia, hút thuốc lá có thể dẫn đến dễ mắc các bệnh nền cao huyết áp, tiểu đường... gây nguy cơ cao cho đột quỵ.
Tâm lý chủ quan
Theo bác sĩ Huỳnh Wynn Trần, đây là điểm quan trọng nhất vì nhiều người trẻ thường nghĩ mình còn khỏe, ít khi nào bị bệnh nên không có các phương pháp phòng ngừa. Nhưng cơ thể khi bước sang tuổi 30 tuổi sẽ bắt đầu có vấn đề, nhất là cao huyết áp hay mỡ máu cao. Vì vậy, đừng nên chủ quan với sức khỏe, mà hãy ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên để cơ thể khỏe mạnh, phòng ngừa được nhiều bệnh tật, trong đó có đột quỵ.
Cách phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ
Để phòng ngừa đột quỵ, chúng ta cần:
- Nên hạn chế thức khuya, cố gắng ngủ đủ giấc, tránh tình trạng ngủ ít, thiếu ngủ.
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng kéo dài.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau củ quả và trái cây, cần hạn chế sử dụng thực phẩm nhiều dầu mỡ, tránh uống rượu, bia, đồ uống có cồn, nước có ngọt ga.
- Không nên hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích.
- Thường xuyên tập thể dục thể thao, ít nhất 3 lần/tuần và hãy tham gia các hoạt động thể lực, hạn chế ngồi một chỗ quá lâu.
- Khám và điều trị, kiểm soát hiệu quả các bệnh lý liên quan như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường…
- Khám sức khỏe và tầm soát đột quỵ định kỳ giúp phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ hiệu quả.
TP.HCM ghi nhận 1 ca tử vong do sốt xuất huyết
Sở Y tế TP.HCM vừa ghi nhận 1 ca tử vong do sốt xuất huyết, những tuần gần đây...
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...