NSND Kim Xuân: Cánh chim không mỏi hơn 40 năm trên bầu trời nghệ thuật

NSND Kim Xuân bắt đầu vào nghề từ năm 1976 và từ đó đến nay cô vẫn luôn làm mới mình và cố gắng từng ngày để bắt kịp làn sóng mới trong nghệ thuật.

“Có nhiều nghệ sĩ đã bỏ nghề vì quá sợ cảnh nghèo đói. Tôi nằm trong số ít người chịu khó bám sát sân khấu, dù không ít lần tôi nghĩ tại sao mình dại dột đi theo nghề này”, Kim Xuân tâm sự - Ảnh: Internet

Cho đến nay, cô được xem như nghệ sĩ của những giải thưởng, khi liên tục đoạt được các danh hiệu mà bất kỳ người làm nghệ thuật nào cũng ao ước có được. Phải nhắc đến 3 lần đoạt danh hiệu Diễn viên phụ xuất sắc nhất do Hội Điện ảnh TP.HCM (năm 1992), Tạp chí Điện ảnh (năm 1993) và Hãng phim truyền hình TFS (năm 2001) trao tặng.

Trong năm 1991, Kim Xuân nhận liên tiếp 3 Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc nhờ vào vở kịch “Cõi tình”. 10 năm sau, cô đã được Nhà nước phong tặng là Nghệ sĩ ưu tú Việt Nam.

Ở tuổi lục tuần, NSND Kim Xuân quả nhiên là nghệ sĩ của những danh hiệu - Ảnh: Internet

Hơn nữa, NSND Kim Xuân như một người nghệ sĩ đa tài: vừa đóng phim, vừa làm sân khấu đến cả đóng kịch truyền hình. Thời điểm phim truyền hình bắt đầu nở rộ, nữ nghệ sĩ liên tục xuất hiện trên màn ảnh nhỏ qua những vai diễn đầy ấn tượng. Không những thế, đôi lúc cô gần như chiếm sóng giờ vàng phim Việt, có khi trên 3 đến 4 phim cùng lúc.

Lấn sân sang “nghệ thuật thứ 7”, Kim Xuân lại một lần nữa để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Dễ dàng nhận thấy, nữ nghệ sĩ đã dành tâm huyết cho từng vai diễn và luôn tìm tòi để thể hiện tâm lí nhân vật phù hợp nhất.

Quả ngọt cho những cống hiến ấy hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Chiều ngày 29/8 vừa qua, người nghệ sĩ tài danh Kim Xuân đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý NSND tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu NSND cho Kim XuânẢnh: Internet

Niềm hạnh phúc này khiến cô bồi hồi không ngủ được, cô đã có những dòng chia sẻ trên trang cá nhân: ''Có người nói khi chuyện trọng đại này xảy ra, tối đêm nay tôi sẽ ngủ rất ngon - và cũng có người cứ trằn trọc suy nghĩ về niềm hạnh phúc mình đạt được. Tôi đã ngủ một chút và nằm tới sáng để suy nghĩ về mình, về một cô gái 19 tuổi bước vào nghệ thuật cho đến giờ là một phụ nữ đã trải qua mấy trăm nhân vật của sân khấu và màn ảnh, có hiền có dữ, có vui có buồn, hỷ nộ ái ố của cuộc đời các nhân vật hầu như đã nếm đủ. Và ngày hôm qua, tại nhà hát lớn Hà Nội 29/8/2019''.

Nữ NSND chụp ảnh giao lưu bên NSND - Đạo diễn Trần Minh Ngọc - Ảnh: Internet

Trên hành trình nghệ thuật, dù đã ở tuổi lục tuần hay đã chinh phục được danh hiệu cao quý. Nhưng Kim Xuân vẫn chưa bao giờ có ý định “dừng lại” sự nghiệp nghệ thuật để nghỉ ngơi. Vì đối với cô, nghệ thuật không có tuổi, dù vai diễn phù hợp cô sẽ tiếp tục cống hiến. Như lời cô viết: 

Để có được những “quả ngọt” ấy là rất nhiều vai diễn lớn nhỏ, cùng vô vàn những giọt mồ hôi, nước mắt đã đổ trên sân khấu. Nhưng với hơn 200 vai diễn ấy, nhắc đến Kim Xuân, người ta nghĩ ngay đến những vai diễn người mẹ dù là vai chính diện hay phản diện đều gây bất ngờ cho người xem.

Vở “Mênh mông tình mẹ”: vai diễn đầy cảm xúc mang lại giải Mai vàng năm 1997.

Trong “Mênh mông tình mẹ”, NSND Kim Xuân vào vai bà mẹ Việt nam anh hùng. Cứ mỗi sáng sớm tinh mơ, bà lủi thủi đến nghĩa trang Tân Biên chăm sóc mộ cho con. Tay cầm một bó nhang cùng chút ít quà quê, bà đến bên mộ con và luyên thuyên kể những chuyện vặt vãnh thường ngày cho đứa con đã nằm xuống vì Tổ quốc.

Không những mang lại dấu ấn sâu đậm nhất, “Mênh mông tình mẹ” còn khiến cô bồi hồi nhớ lại câu chuyện của những năm cũ. 

Ở “Mùi ngò gai” và “Người giúp việc”: tình mẫu tử của người mẹ nghèo thương con vô bờ bến

Nhắc về vai diễn người mẹ để đời của NSND Kim Xuân, người ta nhớ ngay đến hình ảnh bà giáo Thục trong “Người giúp việc”.

Ngay từ những tập đầu tiên, nhiều khán giả bày tỏ họ bị lôi cuốn vì lối diễn giản dị, chân thật, lời thoại gần gũi của Kim Xuân trong phim - Ảnh: Internet

Tưởng đâu về hưu được an dưỡng tuổi già, thế nhưng biến cố đến với nhà bà giáo khi chồng lâm bệnh nặng và cô con gái chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học. Gánh nặng đè lên đôi vai khiến bà phải bỏ quê lên phố tìm việc.

Tại đây nhiều tình huống trớ trêu xảy ra và nước mắt khán giả màn ảnh nhỏ đã rơi mỗi khi bà giáo Thục xuất hiện. Với vẻ ngoài cam chịu, nhẫn nhục vì cơm áo gạo tiền, có khi bị chà đạp danh dự nhưng bà vẫn giữ được vẻ ngoài nghiêm nghị của bà giáo về hưu.

Đây là lần đầu tiên phim truyền hình Việt đi sâu khai thác cuộc sống của những người được cho làm nghề thấp kém trong xã hội: người giúp việc - Ảnh: Internet

Tương tự như ở “Người giúp việt”, bộ phim tôn vinh ẩm thực Việt “Mùi ngò gai” đã gây ấn tượng mạnh mẽ với tình yêu con vô bờ dù đó không phải là con ruột của mình. Kim Xuân vào vai người mẹ kế chịu thương chịu khó nhẫn nại nuôi con khôn lớn.

Có một bà mẹ kế thương con riêng đến lạ trong "Mùi ngò gai" - Ảnh: Internet

Cho đến màn hóa thân “rất ngọt” vào vai hiểm ác trong “Ải trần gian”

Từ lâu nữ nghệ sĩ được biết đến với những vai diễn người mẹ hiền lành tần tảo nuôi con. Nhưng trong phim truyền hình “Ải trần gian”, nữ nghệ sĩ đã hóa thân “rất ngọt” vào vai bà Cả hiểm độc đầy nham hiểm trong gia đình ông hội đồng Bùi.

"Ải trần gian" như địa ngục nổi giữa cuộc đời - Ảnh: Internet

Phim “Ải trần gian” như một địa ngục nổi của cuộc đời. Chuyện phim xoay quanh cuộc tranh đoạt gia sản của 3 bà vợ cùng những đứa con trai làm cho vòng xoáy tội lỗi ngày càng sâu hơn. Vì tranh chấp tài sản mà bất chấp tất cả dẫn đến chị em ly tán, anh em tương tàn. Để rồi cuối cùng tất cả đều chịu tội lỗi do họ gây ra.

Mỗi người là những âm mưu tranh giành tài sản được giấu riêng cho mình - Ảnh: Internet

Lấn sân sang màn ảnh rộng, Kim Xuân lập tức bóp nát trái tim rắn rỏi nhất trong dự án “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa”

Lấy mô-típ tình mẫu tử thiêng liêng, vai bà Tư trong phim như được “đo ni đóng giày” cho NSND Kim Xuân. Như thường thấy ở những vai diễn người mẹ đau khổ tương tự trong nhiều phim.

Mọi thứ dần thay đổi nhưng khu tập thể đơn sơ của bà Tư vẫn còn lại, chậm rãi cùng tháng năm. Mọi thứ cứ trôi đi, chỉ còn bà Tư ở lại, nằm nghe nắng, nghe mưa, âm ỉ, khoắc khoải với nỗi niềm đoàn viên - Ảnh: Internet

“Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” đã lấy nước mắt người xem về vẻ ngoài phúc hậu, có phần khắc khổ của bà Tư khi cứ đau đáu chờ con trở về. Cái hay của cô là khắc hoạ nỗi buồn qua ánh mắt và khiến cô khóc nghẹn ở phân cảnh bày tỏ ước mơ, khi tham gia cuộc thi hát để tìm con.

Mỗi lần cô Kim Xuân diễn xuất như bóp nghẹt trái tim người xem - Ảnh: Internet

Bà mẹ chồng bao dung đến lạ trong dự án phim truyền hình mới nhất “Tình mẫu tử”

Một lần nữa, vai diễn người mẹ của Kim Xuân trong Tình mẫu tử lại chinh phục khán giả khi hóa thân thành bà Sáu. Người phụ nữ có 4 người con với hoàn cảnh và số phận khác nhau.

NSND Kim Xuân tiếp tục khẳng định thế mạnh diễn xuất ở những vai diễn bà mẹ khắc khổ, nội tâm phức tạp - Ảnh: Internet

Chuyện phim khắc họa hình ảnh người mẹ tần tảo, chịu thương, chịu khó sẵn sàng chịu đựng và hi sinh tất cả vì con. Người xem còn cảm thấy phẫn nộ khi không oán trách cô con dâu coi rẻ nhà chồng, mà bà còn đỡ nhát dao chí mạng cho Thuỳ (Bích Trâm) khiến bà rơi vào cảnh thập tử nhất sinh. “Tình mẫu tử” như đang gióng lên hồi chuông để cảnh tỉnh về đạo hiếu, về nghĩa vợ chồng và cả tình yêu thương đơn thuần giữa người với người.

Sự phối hợp rất ăn ý giữa Lương Thế Thành và NSND Kim Xuân cũng khiến khán giả vô cùng cảm động bởi đạo hiếu trọn vẹn của phận làm con - Ảnh: Internet