Dị ứng là một bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Trong nhiều trường hợp dị ứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy bố mẹ cần phải biết các dấu hiệu và cách điều trị để xử lí kịp thời khi bé bị dị ứng.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị dị ứng. (Ảnh minh họa)

Nội dung bài viết bao gồm:

Dấu hiệu trẻ bị dị ứng

Triệu chứng dị ứng

Nguyên nhân trẻ bị dị ứng

Cách điều trị khi trẻ bị dị ứng

Tác nhân gây dị ứng 

DẤU HIỆU TRẺ BỊ DỊ ỨNG

Dấu hiệu và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng dị ứng khác nhau tùy theo loại dị ứng. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm ngứa mắt, hắt hơi, nghẹt mũi, đau thắt ngực, khó thở, ói mửa, thậm chí ngất xỉu.

Các bé bị dị ứng nặng có thể bị sốc phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng. Sốc phản vệ có thể xảy ra vài giây sau khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng hoặc vài giờ sau đó.

TRIỆU CHỨNG

Dị ứng không khí:

Các chất gây dị ứng trong không khí có thể gây ra bệnh viêm mũi dị ứng, thường phổ biến ở các bé 10 tuổi và nặng nhất ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc đầu những năm 20 tuổi, và sẽ thường biến mất ở độ tuổi 40 đến 60 tuổi.

Trẻ bị dị ứng dễ phát ban. (Ảnh minh họa)

Các triệu chứng có thể bao gồm:

- Hắt xì

- Ngứa mũi hoặc họng

- Nghẹt mũi

- Ho

Khi các triệu chứng bao gồm ngứa, chảy nước mắt và mắt đỏ thì bé đã bị viêm kết mạc dị ứng.

Triệu chứng dị ứng thực phẩm, thuốc men hoặc côn trùng:

- Thở khò khè

- Khó thở

- Ho

- Khàn tiếng

- Đau bụng

- Nôn

- Tiêu chảy

- Mắt ngứa, chảy nước mắt hoặc bị sưng

- Phát ban

- Sưng phù

- Giảm huyết áp, gây suy nhược hoặc mất ý thức

Phản ứng dị ứng có thể khác nhau, có bé có thể chỉ bị phát ban trên da, có bé lại bị nghiêm trọng hơn. Một phản ứng nhẹ trong quá khứ không có nghĩa là bé sẽ không bị nặng trong tương lai. 

NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRẺ BỊ DỊ ỨNG

Bé bị dị ứng khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Các chất gây dị ứng có thể được hít vào, ăn, tiêm hoặc tiếp xúc qua da.

Một số chất gây dị ứng phổ biến là phấn hoa, nấm mốc, côn trùng, lông chó mè, một số loại thực phẩm và thuốc…

Dị ứng có xu hướng di truyền trong gia đình. Nếu bố mẹ bị dị ứng thì khả năng con cái cũng bị dị ứng rất cao. Nguy cơ này tăng lên khi cả bố lẫn mẹ đều bị dị ứng.

CÁCH ĐIỀU TRỊ KHI TRẺ BỊ DỊ ỨNG

Điều quan trọng nhất khi bé bị dị ứng là bố mẹ cần phải tìm ra nguyên nhân dị ứng để có cách điều trị kịp thời. Nếu bé có dấu hiệu sốc phản vệ thì bố mẹ cần gọi cấp cứu ngay lập tức.

Không có thuốc đặc trị chữa dị ứng, nhưng các triệu chứng có thể được kiểm soát. Khi bé bị dị ứng, bác sĩ có thể kê một số các loại thuốc bao gồm thuốc kháng histamine, thuốc nhỏ mắt và xịt mũi. Một số thuốc không cần kê đơn của bác sĩ. Các loại thuốc này sẽ giúp làm giảm các triệu chúng hắt hơi, ngứa, ngạt mũi, sổ mũi, thở khò khè, ho, phát ban. Thuốc có thể gây phản ứng phụ nhẹ như khó chịu hoặc buồn ngủ. Trước khi cho bé dùng thuốc bố mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ.

Bên cạnh đó bố mẹ có thể thực hiện các phương pháp chữa trị sau tại nhà trong các trường hợp dị ứng nhẹ.

Rửa mũi bằng nước muối sinh lí sẽ giúp thông thoáng đường thở cho bé. (Ảnh minh họa)

- Nếu bé bị sổ mũi do dị ứng, bố mẹ có thể rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý để làm thông thoáng đường thở.

- Nếu bé bị tiêu chảy, hãy cho bé ăn thức ăn nhạt, mềm, dễ ăn. Cho bé ăn nhiều rau, củ, quả để tăng cường lượng vitamin cần thiết. Điều quan trọng là cho bé uống nhiều nước để đảm bảo không bị mất nước.

- Nếu bé bị chảy ngước mắt và ngứa mắt do phấn hoa hãy rửa mặt cho bé bằng nước mát để làm dịu cơn dị ứng.

- Khuyến khích bé nghỉ ngơi và ngủ đầy đủ để giúp tăng cường sức đề kháng.

TÁC NHÂN KHIẾN TRẺ DỄ BỊ DỊ ỨNG

Nắm rõ được các tác nhân gây dị ứng phổ biến sẽ giúp bố mẹ phòng tránh dị ứng cho bé. Sau đây là những cái khiến trẻ dễ bị dị ứng:

- Ve bụi nhà

- Phấn hoa

- Nấm mốc

- Lông động vật

- Sữa bò

- Trứng

- Cá và các động vật có vỏ

- Đậu phộng và các loại hạt

- Đậu nành

- Lúa mì

- Một số loại thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh có thể gây dị ứng.

- Một số mỹ phẩm hoặc chất tẩy giặt có thể khiến bé bị dị ứng.